Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

10 ngày làm rung chuyển chính trường Anh

Thế giới 03/10/2022 - 17:16

Thủ tướng Anh Liz Truss phải đối mặt với nhiều sóng gió xảy đến liên tiếp kể từ khi chính quyền của bà công bố những biện pháp kinh tế mới.

10 ngày làm rung chuyển chính trường Anh - ảnh 1

Không lâu trước khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố chương trình cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh (khoảng 48 tỷ USD) cách đây 10 ngày, phát ngôn viên của Công đảng Bắc Ireland, Peter Kyle, đã nhận được một tin nhắn, theo Guardian.

Tin nhắn này được gửi bởi một cựu bộ trưởng nội các của đảng Bảo thủ.

Ông Kyle, giống như mọi nghị sĩ khác, hiểu những vấn đề xảy ra với đảng Bảo thủ vào lúc này, nhưng nội dung của tin nhắn đó cũng khiến ông choáng váng.

“Hãy chắc chắn ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tôi là một người yêu nước”, tin nhắn viết.

Ngày hôm đó, ông Kyle và Công đảng có ý định chuẩn bị cho hội nghị đảng sắp tới của họ ở Liverpool. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong những ngày qua đã thay đổi mọi thứ.

Trong một tuần bất thường sau đó, sáng kiến chính trị đã chuyển sang phía của Công đảng, khi danh tiếng của đảng Bảo thủ về năng lực kinh tế đã tan thành mây khói.

Mỗi biện pháp đều là một quả bom

Trong khi ông Kwarteng phát biểu về chính sách “ngân sách ngắn hạn”, Thủ tướng Liz Truss và Bộ trưởng Simon Clarke đã cười trong phần lớn thời gian, như thể họ đã tìm ra công thức kỳ diệu để khởi động sự tăng trưởng.

Giờ đây, họ thấy mình rơi tự do trong các cuộc thăm dò, với thị trường tài chính hỗn loạn, và các nghị sĩ của chính họ tuyệt vọng.

Trong khoảng hơn hai tuần, một số ít nghị sĩ đảng Bảo thủ đã nói rằng tốt nhất là đảng của họ có thể thua trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Chi tiết về tuyên bố của bộ trưởng Tài chính đã vượt xa những gì mà bất kỳ nghị sĩ đảng Bảo thủ nào từng dự kiến. Ông Kwarteng không chỉ xác nhận rằng sẽ đảo ngược quyết định tăng mức bảo hiểm quốc gia và hủy bỏ kế hoạch áp thuế doanh nghiệp vào năm tới, mà còn cắt giảm thêm thuế.

Điều đó có thể khiến một số người vui mừng, nhưng lại khiến phần lớn các nghị sĩ của đảng Bảo thủ chết lặng.

Mỗi biện pháp đều là một quả bom, và bản thân nó là một rủi ro khổng lồ, vào thời điểm lạm phát leo thang. Thuế suất cơ bản sẽ được cắt giảm vào năm tới, sớm hơn 12 tháng so với quy định trước đó.

10 ngày làm rung chuyển chính trường Anh - ảnh 2

Giá trị đồng bảng Anh đã lao dốc sau thông báo của ông Kwarteng. Ảnh: AP.

Điều đó nhằm kích thích doanh nghiệp nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho những người có thu nhập thấp nhất.

Tối 23/9, Công đảng bắt đầu cảm nhận được cơ hội chính trị đang mở ra. Vài giờ sau phát biểu của ông Kwarteng, tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, khi các nhà đầu tư lo sợ.

Nguy cơ khổng lồ của "ngân sách ngắn hạn" (mini-budget) đang dội xuống thị trường, và các nghị sĩ của đảng Bảo thủ đã rơi vào nỗi tuyệt vọng ngày càng lớn.

Khi Công đảng bắt đầu hội nghị vào hôm 24/9 với việc hát quốc ca và một phút mặc niệm nữ hoàng quá cố, điều đó báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc so với khoảng thời gian lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn. "Chúng tôi hiện là đảng yêu nước bây giờ!", một quan chức nói.

Cơ hội bất ngờ ập đến với đảng Bảo thủ

Tuy nhiên, chính kinh tế và quản lý tài chính, vốn là một điểm yếu đối với Công đảng, đã đột nhiên trở thành thế mạnh của họ.

Đảng viên tham dự hội nghị cảm thấy lạc quan về một kế hoạch tăng trưởng xanh đầy tham vọng và một sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Điều đó sẽ cung cấp năng lượng rẻ hơn trong dài hạn.

Một cách tình cờ, vào sáng 26/9, khi ông Kwarteng được nhìn thấy đến văn phòng và từ chối bình luận về cuộc khủng hoảng thị trường, đó cũng là ngày tranh luận về kinh tế của Công đảng.

Trong cuộc tranh luận hôm 26/9, quan chức phe đối lập Ed Miliband đã được cổ vũ hết mình khi ông tuyên bố rằng “đảng Bảo thủ tin vào thị trường, nhưng thị trường không còn tin vào đảng Bảo thủ".

Khi lãnh đạo Công đảng Keir Starmer phát biểu, ông tuyên bố rằng thời của đảng này đang đến gần và tuyên bố rằng đảng Bảo thủ đã “mất quyền kiểm soát nền kinh tế Anh”.

Đối với bà Truss và ông Kwarteng, những đòn giáng vào mức độ tín nhiệm của họ xảy đến mỗi ngày. Vào hôm 27/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ trích các kế hoạch cắt giảm thuế của Anh và kêu gọi chính phủ của bà Truss xem xét lại điều đó. Theo họ, điều đó có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng, Politico đưa tin.

Hôm 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo họ sẽ mua trái phiếu chính phủ Anh để "khôi phục trật tự thị trường", ngăn chặn sự rối loạn sau sự lao dốc của đồng bảng Anh, theo Reuters.

Sáng hôm đó, ông Kwarteng gặp gỡ nhiều nhà tài chính để thảo luận về kế hoạch ngân sách của chính phủ. Họ đến với mong đợi được nghe ông lên kế hoạch khôi phục trật tự như thế nào sau 48 giờ căng thẳng. Nhưng thay vào đó, ông Kwarteng đã quay sang các vị khách để tìm câu trả lời, khi hỏi chính phủ có thể làm gì để trấn an thị trường.

Đến nay, việc bà Truss vắng mặt trên sóng đang bắt đầu gây khó khăn cho các nghị sĩ.

Bi kịch của cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng khi nhiều người gọi chiến dịch cắt giảm thuế của bà Truss là chiến dịch Rolling Thunder (sấm rền). Nhiều nghị sĩ mất niềm tin vào bà Truss, đến mức một số đã công khai dự tính gửi một lá thư bất tín nhiệm tối 28/9.

Khi thủ tướng Anh tái xuất, bà phải trả lời một loạt cuộc phỏng vấn, trong đó tập trung vào sự can thiệp về giá năng lượng và đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng là do “chiến dịch quân sự” của Nga.

Khi nhiều nghị sĩ đã cố gắng suy nghĩ thấu đáo thực tế về những gì mà nhà lãnh đạo mới của họ đang lên kế hoạch, tối 29/9 lại mang đến một vụ việc gây xôn xao khác.

Nếu các nghị sĩ còn nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng khó khăn của đảng họ, thì một cuộc thăm dò trên YouGov cho thấy Công đảng đã dẫn trước 33 điểm phần trăm.

10 ngày làm rung chuyển chính trường Anh - ảnh 3

Thủ tướng Liz Truss đến hội nghị đảng Bảo thủ hôm 2/10. Ảnh: Reuters.

Vào hôm 30/9, các nghị sĩ đã yêu cầu biết các quy tắc về việc loại bỏ một nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, cho biết rằng bà Truss được bảo vệ trong một năm.

Bên cạnh đó, bà Truss còn hứng thêm chỉ trích khi quyết định sa thải những người ủng hộ đối thủ Rishi Sunak, cũng như bổ nhiệm những người thân cận vào các chức vụ hàng đầu.

Một nghị sĩ khác sắp đệ trình một lá thư bất tín nhiệm nói rằng bà Truss không được phép sử dụng ông Kwarteng làm "con cừu hiến tế".

Cuối tuần qua, đảng Bảo thủ bắt đầu hội nghị đảng ở Birmingham. Lẽ ra đây là dịp để bà Truss ăn mừng chiến thắng, song thay vào đó, bà đang chiến đấu cho chiếc ghế của chính mình chỉ sau một tháng làm thủ tướng.

Theo CNN, đây có thể trở thành một thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà.

Đảng Bảo thủ hiện bị chia rẽ một cách cay đắng. Kể từ khi trở thành thủ tướng, mức độ tín nhiệm cuộc thăm dò đã giảm xuống thấp hơn người tiền nhiệm Boris Johnson.