Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc

Tuổi Teen 15/03/2023 - 20:25

Đây là 3 ngôi đền, chùa cầu duyên nổi tiếng miền Bắc,

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 1

Ngôi chùa "xin duyên" nổi tiếng nhất miền Bắc

Chẳng biết từ bao giờ, chùa Hà đã trở thành một chốn thiêng "gánh" trên mình bao hứa hẹn về những mối lương duyên của những người trẻ. Dù ở gần hay ở xa, người ta cứ tâm niệm rằng, đến chùa Hà "xin vía" người yêu, cùng với hy vọng "Chùa Hà khi đi lẻ bóng, khi về có đôi".

Chùa Hà, còn gọi là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà lập thành cụm di tích đình - chùa Hà thuộc làng Vòng xưa, nay là số 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là nơi ghi dấu văn hiến của xứ Đoài xưa.

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 2 3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 3
3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 4 3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 5

Cứ mỗi mùng 1, ngày Rằm hoặc sắp đến ngày lễ Tình nhân 14/2, chùa Hà luôn tấp nập những nam thanh, nữ tú chuẩn bị hương hoa, trà quả để dâng lễ xin cho mình gặp được một "tấm chân tình" như ý. Người ta đến chùa Hà xin bình an, xin tài lộc và xin duyên lành. Chốn thiêng chùa Hà trở thành nơi gửi gắm những điều tốt đẹp, là điểm tựa tâm linh để san sẻ nỗi lòng với những bạn trẻ lận đận trong con đường nhân duyên.

Đôi khi, cầu duyên ở đây chỉ là việc mở rộng tấm lòng để đón nhận những điều mới mẻ sẽ xuất hiện trong cuộc sống của mình. Tiếng lành đồn xa, dù có được như ý nguyện hay không, nhiều người cũng khởi phát tâm thành, về thăm chùa Hà để mong đổi cho mình được chút "vía, hanh thông hơn trên con đường tìm kiếm nhân duyên.

Đến chùa Hà thế nào?

Địa chỉ: số 86, phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Chùa Hà nằm trong nội thành Hà Nội, rất thuận với các phương tiện giao thông, từ xe bus, xe máy hay ô tô đều đến được chùa Hà một cách dễ dàng.

Thời gian mở cửa: Từ 8h sáng đến 18 giờ tối. Những ngày Rằm, mùng 1, chùa sẽ mở muộn hơn một chút.

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 6

Cổ tự nghìn năm se duyên lành 

Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cổ tuyệt đẹp của mảnh đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Nhắc đến những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nếu không nhắc đến chùa Duyên Ninh sẽ là một thiếu sót lớn. 

Chùa Duyên Ninh được khởi dựng từ thế kỷ X, thời Đinh-Tiền Lê. Toạ lạc ở thành Nội của Cố đô Hoa Lư, chùa Duyên Ninh còn có tên gọi cũ là chùa Thủ. Nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Duyên Ninh là một trong những ngôi chùa cổ còn sót lại đến ngày nay. 

Hơn 1000 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Duyên Ninh được biết đến là nơi thờ Phật cùng các nhà sư từ thế kỷ X như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh. Nhưng điều thu hút du khách thập phương cùng giới trẻ đến chiêm bái chùa Duyên Ninh chính là để cầu mong khởi sự cho mình một mối duyên đẹp.

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 7

Ảnh: clementbrz

Chùa Duyên Ninh gắn liền với mối tình đẹp của Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ) và Phất Ngân công chúa (Lập Giáo hoàng hậu). Năm 1009, sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ) lập sáu hoàng hậu, nhưng với người vợ cả luôn có sự ưu ái và nhiều tình yêu thương hơn. 

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Lập sáu hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là Lập Giáo Hoàng Hậu, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác. Sách lập con trưởng là Phật Mã làm Hoàng thái tử, các con khác đều phong tước hầu".

Cũng theo thần tích tại chùa, chùa Duyên Ninh là nơi Phất Ngân công chúa (con gái vua Lê Đại Hành) cùng phu quân Lý Công Uẩn hẹn ước nên duyên vợ chồng và hạ sinh hoàng tử Lý Phật Mã sau này. 

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 8

Sau khi dời đô về Thăng Long, Lập Giáo hoàng hậu cũng thường lui về Cố đô để giúp đỡ người con trai Lý Long Bồ trấn thủ vùng đất này. Tại Hoa Lư, hoàng hậu đã giúp dân xây dựng nhiều ngôi chùa và tận hiếu lăng mộ vua cha Lê Đại Hành. Khi vua Lý Thái Tông trở về Cố đô dẹp loạn Khai Quốc Vương, đổi tên chùa thành Duyên Ninh. 

Tại chùa Duyên Ninh, tương truyền Lập Giáo hoàng hậu cũng đã tác hợp cho nhiều người nên duyên vợ chồng. Từ ấy, nơi đây trở thành ngôi chùa cầu duyên ở Cố đô. Bên cạnh sự nỗ lực của con người, việc xin duyên lành từ các bậc tiền nhân giúp các cặp đôi cảm thấy yên tâm và hy vọng hơn vào tương lai tốt đẹp. Những người đơn côi lẻ bóng đến đây dâng hương xin cho đường nhân duyên của mình được may mắn, toại ý đẹp lòng. Nhiều người hiếm muộn cũng đến đây xin con cầu tự.

Hiện tay, các kiến trúc cổ của chùa mặc dù không giữ lại được nhiều nhưng nơi đây vẫn thu hút khách du lịch thập phương cùng các phật tử về chiêm bái và dâng lời ước nguyện. 

Đến chùa Duyên Ninh thế nào?

Chùa Duyên Ninh toạ lạc tại thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Nằm cách trung tâm TP. Ninh Bình khoảng 10km, cũng thuận tiện cho việc di chuyển đến chùa. Tuy nhiên, để tiện hơn cho việc đi lại, nên đi bằng các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô hoặc taxi. Hiện tại, điểm dừng xe bus khá xa chùa và thời gian đợi cũng lâu, sẽ không tiện bằng các phương tiện đi lại khác.

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 9

Mối duyên lành nên thơ, diễm lệ trở thành thiên cổ tình ca

Nhắc về những mối tình đẹp trong dân gian, có lẽ là không ai quên được mối tình thơ mộng giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung ngày xưa ấy. Xuôi dòng sông Hồng, dừng chân tại Khoái Châu, Hưng Yên là ngôi đền Đa Hòa linh thiêng. Đây là nơi thờ phụng Đức thánh Chử Đồng Tử (một trong Tứ Bất Tử của thần Việt) và phu nhân là Tiên Dung công chúa (con gái vua Hùng Vương thứ 18). 

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 10

Từ đền Đa Hòa nhìn ra sông Hồng.

Khác với chùa Hà và chùa Duyên Ninh, nơi thờ phụng Chử Đồng Tử - Tiên Dung là hai ngôi đền nằm tại xã Bình Minh và Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền Đa Hòa tương truyền là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Còn đền Dạ Trạch là nơi hóa của hai người. Hai đền cách nhau không xa. Du khách hoàn toàn có thể đến thăm hai ngôi đền cùng thời điểm trong ngày. 

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 11

Đền thờ Chử Đồng Tử cùng hai vị phu nhân là công chúa Tiên Dung và Tây Sa

Đền Đa Hòa nằm trên khu đất cao rộng, bằng phẳng có diện tích gần 19 nghìn mét vuông, mặt quay hướng chính Tây nhìn sang bãi Tự Nhiên (nơi có đền Dạ Trạch). Duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, mối tình đẹp sắt son thuở nào cùng với duyên lành gặp gỡ cùng công chúa Tây Sa, ba người cùng nhau giúp đỡ dân lành, tạo phước cho bách gia trăm họ là một mối duyên đẹp.

3 điểm đến tâm linh nổi tiếng ''khi đi lẻ bóng khi về có đôi'' ở miền Bắc - ảnh 12

Đền Dạ Trạch. Ảnh: iVIVU

Chính vì thế, hai ngôi đền thu hút nhiều du khách về tham quan, chiêm bái, cảm động trước mối tình đẹp mà cũng mong cầu bản thân có thể gặp được duyên lành trong tương lai. 

Đến đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung thế nào?

Cách Hà Nội khoảng 25 km theo đường đê sông Hồng, 2 đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung nằm cách nhau không xa.

- Đền Đa Hòa (nơi gặp gỡ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung) nằm tại thôn Đa Hoà, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

- Đền Dạ Trạch (nơi thờ Chử Đồng Tử cùng hai vị phu nhân, nơi hóa của Chử Đồng Tử-Tiên Dung) nằm tại thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Phương tiện di chuyển: Từ TP. Hà Nội đi khoảng 25km xuôi theo đê sông Hồng, du khách có thể di chuyển bằng xe bus, đến điểm trung chuyển thuê taxi hoặc đi bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô.