Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Bộ trưởng Tài chính: Nhìn nhận lại và chấn chỉnh kênh bancassurance

Kinh tế 01/06/2023 - 09:50

Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) giúp hoạt động khai thác bảo hiểm đa dạng hơn, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn cho thị trường thời gian gần đây.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc liên quan định hướng phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, đánh giá về thị trường bảo hiểm hiện nay, Bộ trưởng Tài chính cho biết thị trường bảo hiểm trong nước đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với tăng trưởng cao và tương đối ổn định, bình quân khoảng 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng ngày càng thể hiện vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; khung khổ pháp lý, chính sách quản lý thị trường ngày càng hoàn thiện; cùng với đó các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả…

Tới cuối tháng 4 năm nay, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.400 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 708.400 tỷ đồng, tăng 14,4%. Trong 4 tháng, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.300 tỷ đồng (+1,1%), trong đó các doanh nghiệp đã chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 23.500 tỷ đồng (+20,7%).

Bộ trưởng Tài chính: Nhìn nhận lại và chấn chỉnh kênh bancassurance - ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi.vn.

Chấn chỉnh hoạt động bancassurance

“Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình tăng trưởng nhanh về lượng, thì chất chưa có sự phát triển tương xứng”, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh và dẫn chứng thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Người đứng đầu ngành Tài chính cho biết nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance).

“Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá riêng về kênh bancassurance, Bộ trưởng Phớc cho biết đây là kênh phân phối tiềm năng. Đây là cơ hội cho thị trường bảo hiểm đa dạng hóa kênh phân phối, nhưng trong triển khai thực tế còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi, hoàn thiện.

Bộ trưởng Tài chính: Nhìn nhận lại và chấn chỉnh kênh bancassurance - ảnh 2

Bộ trưởng Tài chính cho biết các cơ quan quản lý sẽ có biện pháp chấn chỉnh lại kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Ảnh: Chí Hùng.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã nhìn thấy các vấn đề phát sinh và khẩn trương vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần làm việc, đồng thời đưa ra các văn bản chấn chỉnh các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi tư vấn không đầy đủ, ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường quản lý, giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng của NHNN để đảm bảo sự quản lý song hành từ phía các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Đối với công tác hoàn thiện pháp lý, Bộ trưởng Phớc cho biết Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm (bao gồm cả bancassurance) theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

“Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để chấn chỉnh hoạt động, tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng của kênh phân phối này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xử nghiêm doanh nghiệp bảo hiểm có sai phạm

Liên quan hoạt động đại lý bảo hiểm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết dù chất lượng đại lý đã có sự cải thiện, không thể phủ nhận một số đại lý thời gian qua hoạt động với chất lượng chưa cao.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng bán được sản phẩm, nghĩa là đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng, hơn là chú trọng kiến thức nền và kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Mặt khác, một số doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết vẫn có tình trạng đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm nên đã ảnh hưởng tới chất lượng phát triển chung của thị trường bảo hiểm. “Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm”, Bộ trưởng Phớc cho biết.

Với thực trạng trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng thị trường bảo hiểm phải thực sự thay đổi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý.

Về phía cơ quan quản lý, sẽ có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm.

Với những tiềm năng phát triển đi kèm tồn tại thực tế, Bộ Tài chính cho rằng đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng về quy mô, chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.

Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, xu hướng phát triển công nghệ... nền tảng pháp lý được kỳ vọng góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về lượng và chất.

“Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam cần đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả cơ quan quản lý, sự vào cuộc của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, Hiệp hội Bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.