Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Chủ hụi bỏ trốn, hàng chục hộ dân lâm cảnh nợ nần

Xã hội 25/03/2023 - 12:50

Hàng chục hộ dân ở Châu Đốc (An Giang) và một số xã lân cận thuộc huyện Châu Phú bỗng chốc lâm cảnh nợ nần vì chủ hụi bỏ trốn khỏi địa phương.

Bà Phạm Thị Lệ (tên thường gọi “Cô Út Tự”), 47 tuổi, thường trú tại tổ 6, ấp Mỹ Thuận, xã Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, bất ngờ bỏ trốn khỏi địa phương, khiến nhiều hộ dân cho bà Lệ mượn tiền điêu đứng.

Theo một số người dân ở xã Vĩnh Châu, bà Phạm Thị Lệ, quê ở Hà Nam cùng gia đình chồng đến TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, sinh sống hàng chục năm nay. Từ người không có tài sản, phải buôn gánh bán bưng, gia đình bà này mua nhà, đất đai và mua cả vườn bưởi trị giá hàng chục tỷ đồng...

Chủ hụi bỏ trốn, hàng chục hộ dân lâm cảnh nợ nần - ảnh 1

Phần lớn những người bị bà Lệ giật hụi là những người cho bà Lệ mượn tiền.

Những tài sản này chưa rõ có thực sự của gia đình bà đứng tên hay không, nhưng bà Lệ đã đem ra để “khoe mẽ”, “đánh bóng” về gia cảnh của mình khi muốn hốt hụi hoặc mượn tiền.

Từ việc đánh bóng đó, bà Lệ đăng ký tham gia các dây hụi, hoặc làm chủ dây hụi, được nhiều người tin theo. Chị Đặng Thị Thiên, trú tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, một xã giáp ranh với thành phố Châu Đốc, chia sẻ: "Việc chơi hụi vốn dĩ được người dân trong xóm ấp tham gia từ xưa đến nay và chưa từng có ai giật hụi, bởi những người tham gia chơi cùng dây hụi là bà con hàng xóm láng giềng, nhà cửa, đất đai ở đâu, làm gì ai cũng biết".

“Hụi ở đây từ hồi nào đến giờ người dân chơi vẫn bình thường. Hụi 3 triệu thì bỏ hụi cũng chỉ 500.000-600.000 đồng. Bà Lệ đã sinh sống ở đây mấy chục năm rồi; năm 2019 bà Lệ bắt đầu tham gia chơi hụi và cũng đã từng làm chủ hụi nữa. Từ hồi đó đến giờ sống ở đây ai cũng biết, thấy bà ấy làm ăn đàng hoàng, chị em ở đây tin tưởng nên không giữ gì của bà ấy hết. Bà ấy có vườn bưởi mười mấy công, mà khi bể nợ ra rồi, nghe nói vườn bưởi này đã sang tên cho người khác, nền nhà bà ấy cũng có mấy nền, khi bể nợ thì nền nhà toàn của người ta đứng tên, bà ấy không đứng tên”, chị Thiên cho hay.

Điều đáng nói ở đây, đa phần là những người cho bà Lệ mượn tiền. Anh Lê Long Huấn, ấp Mỹ Thuận, xã Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, An Giang - một nạn nhân của bà Lệ, cho biết khi mượn tiền, bà Lệ nói là để giúp những người nghèo, gia đình đang gặp khó khăn.

Những “kịch bản” về hoàn cảnh khó khăn cần mượn tiền như: Gia đình họ đang bị siết nhà; hay có người thân bị tai nạn nguy kịch đang cấp cứu tại bệnh viện; người nhà bị bệnh hiểm nghèo phải phẫu thuật tim… Tất cả hoàn cảnh khó khăn được bà Lệ cung cấp thông tin, có chứng minh, có địa chỉ cụ thể, nên bản thân và những người cho bà Lệ mượn tiền không hề hoài nghi.

Chủ hụi bỏ trốn, hàng chục hộ dân lâm cảnh nợ nần - ảnh 2

Vỡ hụi - hàng chục hộ dân vùng biên rơi vào cảnh nợ nần.

Anh Lê Long Huấn chia sẻ tổng số tiền bà Lệ đã mượn anh là hơn 23 tỷ đồng. Khi biết bà Lệ đã bỏ trốn khỏi địa phương, anh Huấn lục lại danh sách tìm đến gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, bạn bè và bà con dòng họ mà trước đây bà Lệ cung cấp để mượn tiền, thì không ai gặp khó khăn gì về tài chính.

“Những lần đầu, bà Lệ mượn để giúp một số người đáo hạn ngân hàng. Rồi không còn diễn về vấn đề đáo hạn nữa, bà Lệ diễn về tình huống họ mượn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có một số người, bà Lệ nói cần mượn tiền để cấp cứu, mổ tim; còn có những trường hợp cần tiền để mua máy móc để sản xuất nông nghiệp… cứ kéo dài với lý do như vậy”, anh Lê Long Huấn nói.

“Lần đầu bà Lệ chỉ mượn có 60-100 triệu đồng thôi. Đưa cho người ta, bà Lệ ăn lãi bao nhiêu tôi không biết, nhưng bà ấy hỗ trợ cho em tiền cà phê; ví dụ em đưa cho bà Lệ 100 triệu, thì chiều bà ấy đưa cho em 700.000-800.000 đồng. Em không đặt vấn đề về tiêu chuẩn lãi với bà Lệ. Một khoảng thời gian tạo lòng tin với nhau như vậy, số tiền em đưa cho bà Lệ mượn ngày càng nhiều”, anh Huấn cho biết thêm.

Theo những nạn nhân, bà Lệ có chủ đích lừa đảo từ lâu; với việc cố ý dùng một số thủ đoạn gian dối để lừa đảo một cách rất tinh vi chiếm đoạt tài sản của hàng chục người dân ở tại xã và các địa phương lân cận. Việc bà Lệ bỏ trốn làm cho nhiều gia đình phải lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần, nhà tan cửa nát…

Bà Nguyễn Thị Hằng, xã Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Phải chi, chị ấy ăn diện, đeo hột xoàn, mua xe hơi… thì tụi em mới tin là chị ấy lừa đảo; đằng này, bộ đồ sang chị ấy còn chưa mặc, chồng chị lại làm bên giao thông nữa… Chị ấy đánh lừa cái tâm lý của tụi em. Tụi em là dân quê đâu có biết, hụi nổ cái bùm, người nào cũng mất tiền tỷ. Nhiều người lắm. Em chơi hụi bên chị ấy em chưa hề hốt, còn chị ấy chơi dây bên em chị ấy hốt hết rồi; chị ấy hốt ông chồng biết luôn. Em có nhắn tin cho chồng chị ấy, nói anh trả tiếp em một phần, chị ấy giựt của em quá nhiều, em không còn khả năng nữa, nhưng ông ấy không trả. Tụi em bây giờ đâu còn tiền nữa, chỉ có cách ra đứng đường, bị chị ấy lừa gạt hết rồi. Em nghĩ đây là có âm mưu”.

Ông Nguyễn Thanh Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, cho biết xã đã nắm thông tin và có một số người dân đến trình báo vụ việc liên quan đến hộ bà Phạm Thị Lệ và chồng là ông Đỗ Công Tự.

“Cán bộ tiếp dân xã đã hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan vì đây là vụ việc dân sự giữa các hộ dân với nhau, xã không đủ thẩm quyền giải quyết”, ông Vinh nói.

Bức xúc trước hành vi của bà Phạm Thị Lệ, nhiều người dân lo lắng bị mất tiền, ôm nợ, nên đã làm đơn thư tố cáo bà Lệ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi đến Công an thành phố Châu Đốc. Hiện vụ việc được Công an TP Châu Đốc nắm tình hình và tiến hành xác minh, xử lý theo quy định.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.