Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

‘Con nhà người ta’ - Khi so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui

Sức khoẻ 01/07/2022 - 12:29

So sánh con mình với ‘con nhà người ta’ là một sự so sánh độc hại, có thể khiến đứa trẻ bị tổn thương, mất tự tin và khiến cha mẹ rơi vào căng thẳng.

Trong quá trình nuôi dạy con, có không ít người thường lấy thành tích của những đứa trẻ khác để so sánh với con mình như một cách để khuyến khích, động viên các con "tiến bộ" hơn.

Họ có thể so sánh điểm số ở trường học của con mình với con người khác, sau đó kết luận thành tích học tập của con mình là "bình thường", tốt hay xuất sắc.

Không ít đứa trẻ đã từng nghe những câu nói này từ cha mẹ mình:

- Nhìn kìa, con của bà A. được 9 điểm môn toán đấy!

- Xem anh B. hàng xóm nhà mình đi, anh ấy được giải quán quân cuộc thi ca hát kìa!

- Hãy học hỏi con nhà người ta đi. Đừng đi lang thang khắp xóm nữa!

Những câu nói này hoàn toàn không có mục đích làm tổn thương các con, nhưng vô tình, những câu nói ấy lại gây hại nhiều hơn là lợi.

So sánh con mình với con người khác thực sự không chỉ khiến con bạn mà còn khiến chính bản thân bạn rơi vào căng thẳng. Đây là một hành động không nên có nhưng nhiều cha mẹ vẫn áp dụng trong quá trình nuôi dạy con.

Tại sao bạn nên ngừng so sánh?

‘Con nhà người ta’ - Khi so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui - ảnh 1

"Cha mẹ thường so sánh con mình với con người khác để khuyến khích các con học tập, làm việc chăm chỉ hơn bởi việc dạy con tại nhà của họ không hiệu quả".

Đôi khi, mục đích duy nhất của việc so sánh con bạn với những đứa trẻ khác là nhằm khơi dậy tinh thần cạnh tranh ở trẻ, từ đó thúc đẩy trẻ thực hiện hết khả năng của mình và xuất sắc hơn. Sự cạnh tranh là động lực thúc đẩy hiệu suất. Nhưng liệu điều này có hiệu quả với con bạn?

Không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau về tài năng, sở thích, sự phát triển và có những điểm mạnh khác nhau. Trên thực tế, cha mẹ có thể giúp con mình có được sự tự tin và lòng tự trọng, nhưng cha mẹ cũng có thể phá vỡ hoàn toàn những điều đó ở con.

Thể hiện thái độ không vui khi con mình có thành tích học tập kém hoặc khoe khoang về thành tích của con mình, tất cả đều là 'con dao 2 lưỡi'.

Tiến sĩ Yang Chien-Hui, một giảng viên cao cấp của Chương trình Giáo dục Mầm non tại Học viện Quản lý Singapore, giải thích: "Cha mẹ thường so sánh con mình với con người khác để khuyến khích các con học tập, làm việc chăm chỉ hơn bởi việc dạy con tại nhà của họ không hiệu quả".

Tiến sĩ Yang cho biết thêm so sánh là một việc làm phổ biến trong văn hóa châu Á, nơi các bậc cha mẹ "sử dụng so sánh như một cách để khen ngợi những đứa trẻ khác".

Ảnh hưởng tiêu cực của việc so sánh

‘Con nhà người ta’ - Khi so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui - ảnh 2

So sánh thường mang lại những điều tiêu cực. Ảnh minh họa.

Việc bị so sánh với các bạn cùng trang lứa có thể có tác động xấu đến đứa trẻ. Dưới đây là một số tác động tiêu cực của việc so sánh con mình với 'con nhà người ta':

1. Khiến con bị căng thẳng

Con cái sẽ cảm thấy áp lực nếu chúng thường xuyên bị lấy ra để so sánh với những đứa trẻ khác.

2. Làm con mất tự tin

Khi bạn so sánh con mình và con người khác, vô tình con của bạn có thể nghĩ rằng người khác giỏi hơn chúng và chúng không có khả năng đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ mình. Cảm giác này rất độc hại đối với sự phát triển cá nhân cũng như vấn đề học tập của đứa trẻ.

Tiến sĩ Yang lưu ý rằng việc so sánh một chiều có thể khiến con bạn cảm thấy bị đánh giá tiêu cực và bố mẹ của chúng có cách nhìn nhận không tích cực về mình. Nếu sự so sánh là giữa anh chị em trong nhà, các con thậm chí có thể cảm thấy rằng cha mẹ mình thích anh/chị/em của mình hơn hoặc chúng có thể nghĩ rằng mình không có giá trị. Tiến sĩ Yang chỉ ra: "Nếu việc so sánh xảy ra thường xuyên, con trẻ có thể cảm thấy thiếu tự tin hơn về con người và khả năng của chúng".

3. Khiến con trở nên nhút nhát

Nếu con bạn thường xuyên bị chế giễu khi bị lấy ra so sánh, chúng sẽ bắt đầu thu mình lại và trở nên nhút nhát.

4. Khiến con có thái độ bất cần

Nếu tài năng hoặc thành tích của con liên tục bị phớt lờ, chúng có thể không bận tâm đến việc làm hài lòng bạn nữa, vì rõ ràng bạn đang ưu ái 1 đứa trẻ khác có thành tích "phù hợp" hơn.

5. Kìm hãm sự phát triển tài năng của con

Nếu con bạn yêu thích hội họa nhưng thay vì khuyến khích con tham gia các lớp học vẽ, bạn lại ép buộc con chơi các môn thể thao. Khi ấy, đứa trẻ sẽ phải đối mặt với một tình huống khó xử. Nếu tài năng hội họa không được đánh giá cao và chúng chơi thể thao một cách nửa vời, chúng có thể không đạt điểm cao. Cuối cùng, tài năng hội họa sẽ không có chỗ để phát triển và sẽ bị mai một.

6. Hình thành khoảng cách giữa cha mẹ và con cái

‘Con nhà người ta’ - Khi so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui - ảnh 3

So sánh có thể khiến hình thành khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Ảnh minh họa.

Nếu các con thường xuyên bị so sánh với những đứa trẻ khác, chúng sẽ biết rằng điều gì ở chúng là không thể chấp nhận được đối với bạn và bạn không hài lòng về điều đó. Lúc này, bạn chính là người làm tổn thương các con của mình và có thể khiến chúng cố gắng giữ khoảng cách với bạn và mất lòng tin vào bạn. Đây có thể là cội nguồn của các vấn đề về hành vi khi con bạn trưởng thành.

7. Khiến con mất đi các mối quan hệ xã hội

Khi bạn so sánh đứa trẻ khác với con mình, bạn có thể khiến con ghen ghét hoặc đố kỵ với những đứa trẻ đó. Điều này có thể khiến chúng cư xử hung hăng, gây gổ, chọc ghẹo và thậm chí đánh nhau. Bạn cũng đang truyền đi thông điệp rằng đứa trẻ có thành tích tốt hơn sẽ được ưu ái và yêu thương hơn. Do đó, con bạn có thể bắt đầu coi thường bản thân.

Nếu so sánh, hãy là so sánh 'tích cực'

So sánh, nếu được thực hiện đúng cách có thể giúp ích cho trẻ. Phó Giáo sư Cheah Horn Mum, hiệu trưởng Trường Phát triển Con người và Dịch vụ Xã hội thuộc Học viện Quản lý Singapore, cho biết những hệ quả của so sánh mới là vấn đề quan trọng. Ông nói: "So sánh như một tiền đề để khuyến khích con cái trở nên xuất sắc hơn. Do đó, so sánh không hoàn toàn là một điều xấu, miễn là nó không dẫn đến những kỳ vọng không thực tế và những hậu quả là sự thất vọng".

Điều quan trọng là hãy khuyến khích con bạn sau khi bạn tạo ra sự tương phản. Đừng chỉ tập trung vào một khía cạnh (chẳng hạn như kết quả học tập) mà trẻ A không làm tốt bằng trẻ B. Hãy nhớ chỉ ra một khía cạnh khác (chẳng hạn như sự tốt bụng) mà trẻ A làm tốt hơn trẻ B. Hãy hỏi con bạn xem bé nghĩ mình đã làm tốt điều gì và con có thể làm gì khác trong lần tới.

Tiến sĩ Yang nói: "Điều này mang lại sự so sánh cân bằng cho cả hai đứa trẻ. Đây là một cơ hội giáo dục tốt để bọn trẻ biết rằng chúng đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng và chúng có thể thực hiện những hành động để cải thiện bản thân".

‘Con nhà người ta’ - Khi so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui - ảnh 4

Hãy đánh giá cao sự nỗ lực của con. Ảnh minh họa.

Thay vì so sánh, cha mẹ hãy làm những việc sau đây:

1. Đánh giá cao sự nỗ lực của con

Hãy đánh giá cao sự nỗ lực, ngay cả khi điểm thi của con chỉ an toàn hơn 1 chút so với kỳ thi trước. Điều này sẽ giúp hình thành sự tự tin ở con.

2. Khuyến khích con đối mặt với điểm yếu của mình

Thay vì so sánh, hãy ngồi nói chuyện với con và hỏi xem có điều gì làm ảnh hưởng tới kết quả học tập của con hay không và cùng đưa ra giải pháp.

3. Khen ngợi những điểm mạnh của con

Hãy đánh giá cao bất cứ nhiệm vụ nào mà con bạn thực hiện tốt.

4. Đừng thiết lập những kỳ vọng không thực tế

Nếu con gái của bạn muốn trở thành một nhà văn, đừng ép con theo học ngành kỹ thuật. Con bạn có thể là một đứa trẻ thông minh và lanh lợi, nhưng lại thiếu năng khiếu và sở thích, điều này không tốt cho sự thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.

5. Luôn ở bên hỗ trợ, giúp đỡ con

Nếu con bạn không thể đạt điểm cao, đừng khiến chúng cảm thấy rằng chúng đã làm bạn thất vọng hoặc làm bạn xấu hổ. Hãy luôn ủng hộ con bạn. Hãy có 1 buổi nói chuyện ngắn với con, khuyến khích con luyện tập nhiều hơn và luôn đánh giá cao những nỗ lực của con trước đám đông.

Cha mẹ đừng 'lấy dây buộc mình'

Đừng để bản thân và con bạn phải chịu áp lực quá lớn về thành tích.

Hãy nhớ rằng, bạn không thể trở thành một người cha, người mẹ hoàn hảo và con bạn không thể trở thành một đứa trẻ hoàn hảo bao gồm sự xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực học tập, thể thao hoặc giao tiếp xã hội. Mọi người đều phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Hãy tự hào về con cái của bạn vì những gì chúng đang có. Hãy trao cho chúng tình yêu thương của bạn và cố gắng xây dựng sự tự tin cho con mình.

Như Theodore Roosevelt, vị Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ, đã nói một cách khéo léo: "So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui". Vì vậy, đừng cướp đi niềm vui tuổi thơ của con bạn mà hãy cho chúng không gian để phát triển.

(Theo Smartparents, Beingtheparent )

‘Con nhà người ta’ - Khi so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui - ảnh 5
https://soha.vn/con-nha-nguoi-ta-khi-so-sanh-la-ke-danh-cap-niem-vui-20220701093718779.htm
Sức khoẻ