Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Công ty tài chính chờ… hấp dẫn trở lại

Kinh tế 08/12/2022 - 17:37

Một loạt kế hoạch bán vốn hoặc bán cả các công ty tài chính cho đối tác nước ngoài đứng trước khả năng phải dừng vô thời hạn do thị trường thay đổi bất ngờ.

Công ty tài chính chờ… hấp dẫn trở lại - ảnh 1

Nhiều thương vụ bị trì hoãn

Bất chấp dịch bệnh, năm 2021, thị trường M&A công ty tài chính diễn ra tưng bừng với thương vụ kỷ lục là VPBank bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản, thu về gần 1,4 tỷ USD. Tiếp đó, SHB cũng thoái vốn thành công khỏi SHB Finance, thu về khoảng 3.500 tỷ đồng.

Cuối năm 2021, nhiều chuyên gia đánh giá, hoạt động M&A trên thị trường tài chính tiêu dùng tiếp tục sôi động trong năm 2022, bởi lĩnh vực này tại Việt Nam được coi là còn nhiều dư địa phát triển, không ít công ty tài chính đóng góp lợi nhuận rất lớn cho các ngân hàng mẹ, được coi là “gà đẻ trứng vàng”.

Triển vọng đó đã thay đổi khá bất ngờ do nhiều yếu tố. Từ đầu năm đến nay, không có thương vụ M&A nào trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nào diễn ra, dù trước đó một số thương vụ tưởng chừng sắp được “chốt sổ”.

Theo kế hoạch dự kiến, năm nay, MSB sẽ chuyển nhượng một phần hoặc chuyển nhượng 100% vốn khỏi Công ty Tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM). Thế nhưng, kế hoạch này khả năng bất thành và MSB đã tiếp xúc thêm với vài đối tác ngoại quan tâm.

Lãnh đạo MSB cho biết, thương vụ đàm phán với đối tác Nhật Bản đã thất bại dù đã gần tới bước cuối cùng, do Covid-19 ảnh hưởng xấu đến thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam, nên đối tác xem lại lộ trình mua công ty tài chính này. 

Không chỉ FCCOM, mà một công ty tài chính khác là HAFIC (Công ty cổ phần Tài chính Handico) cũng trong cảnh tương tự. Năm 2021, khi thị trường M&A công ty tài chính sôi động, HAFIC từng nằm trong tầm ngắm của một loạt định chế tài chính như TPBank, AFS (Nhật Bản), KB Kookmin Card (Hàn Quốc). Dù vậy, tình hình kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động năm nay đã khiến các định chế tài chính này thận trọng hơn trong kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Không chỉ các công ty tài chính, mà ngay cả ngân hàng cũng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược. Theo kế hoạch, năm nay, VPBank sẽ hoàn tất bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy vậy, thương vụ này khả năng sẽ lùi sang năm sau.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho hay, mặc dù việc đàm phán với đối tác ngoại diễn ra tích cực, song trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay, khó tránh việc nhà đầu tư có trì hoãn, thận trọng, vì vậy tiến trình đàm phán chậm hơn so với dự kiến bán đầu.

Kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động khiến các nhà đầu tư đang ngại ngần rót vốn đầu tư mới. Đặc biệt, vốn đầu tư từ các nước phát triển đổ vào các thị trường mới nổi có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh đó, diễn biến xấu của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam 2 năm qua cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư ngần ngại. Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tệp khách hàng của công ty tài chính, vốn là những người yếu thế, thu nhập thấp, dễ bị tổn thương. Nợ xấu của nhóm công ty này đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đến hết tháng  6/2022, nợ xấu của nhóm công ty tài chính là 11,8% (cuối năm 2021 là 12,2%). Như vậy, so với thời điểm trước dịch (nợ xấu chỉ 5-6%), tỷ lệ nợ xấu của nhóm công ty tài chính đã cao gấp đôi. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ thu hồi nợ cho các công ty tài chính vẫn chưa có. Điều này mang lại rủi ro cho hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng.

Tiềm năng vẫn hấp dẫn

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 30/9/2022, tín dụng cho vay tiêu dùng tăng 16%, chiếm 2,42 triệu tỷ đồng, (gần 21% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế). Trong đó, dư nợ cho vay nhóm các công ty tài chính đạt 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 6% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Tính riêng trong 5 năm qua, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng 1,8 lần và tăng hơn 10 lần trong vòng 10 năm qua.

Công ty tài chính chờ… hấp dẫn trở lại - ảnh 2tài chính tiêu dùng vẫn là mảnh đất lớn đầy hấp dẫn với các tổ chức tài chính nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Công ty tài chính chờ… hấp dẫn trở lại - ảnh 3

Như vậy, nhóm các công ty tài chính đang dần phục hồi trở lại sau dịch, tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn khá tốt. Song thực tế khó chối cãi là trước mắt, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức hậu Covid-19. Theo các chuyên gia, đây là lý do các nhà đầu tư trong nước và quốc tế thận trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ khó tăng nhanh trong bối cảnh nợ xấu tăng, người dân cắt giảm chi tiêu. Nhóm khách hàng chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến các công ty tài chính đối mặt nguy cơ lợi nhuận giảm (do tín dụng tăng chậm, nợ xấu tăng, trong khi áp lực lãi suất đầu vào ngày một tăng).

“Một thách thức nữa của tài chính tiêu dùng là khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, khả năng sinh lời, hoạt động chính và nguồn thu quan trọng của các công ty tài chính. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh của nhóm công ty này cũng gia tăng do ảnh hưởng của xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới (fintech và cho vay ngang hàng - P2P lending)”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Sau giai đoạn phát triển thần tốc năm 2017-2018 với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm, tăng trưởng lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã chậm lại trong giai đoạn 2019-2021 do sự kiểm soát chặt dòng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, cũng như yếu tố dịch bệnh. Mặc dù vậy, quy mô thị trường đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, chứng tỏ nhu cầu thị trường vẫn rất lớn. 

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance cho rằng, tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất tốt, nhưng thách thức lớn nhất đang là vấn đề nợ xấu, hiện đã cao gấp đôi thời điểm trước dịch.

“Tài chính tiêu dùng vẫn là mảnh đất lớn đầy hấp dẫn với các tổ chức tài chính nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này còn rất nhiều, bởi chính sách đúng đắn của Chính phủ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh sau dịch, nhóm dân số thuộc độ tuổi lao động chín muồi (25-49 tuổi) - là nhóm khách hàng tiềm năng của công ty tài chính - chiếm 40% dân số. Tuy vậy, tháo gỡ các vấn đề như nợ xấu, room tín dụng, giải ngân tiền mặt… đang là vấn đề cấp bách”, bà Tường Vy cho biết.

Theo các công ty tài chính, nếu cơ quan quản lý có hành lang pháp lý bớt khắt khe hơn với công ty tài chính, điều chỉnh tỷ lệ giải ngân tiền mặt phù hợp với nhu cầu thị trường, bổ sung các quy định ngăn chặn tín dụng đen, có chế tài xử lý nghiêm khắc với những người chây ỳ, có tình trốn trách trả nợ…, thì thị trường cho vay tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh chóng hơn, đồng thời cũng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại hơn.