Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Cuộc chiến "tiền-tình" ngã ngũ: Hóa ra tiền hoàn toàn mua được hạnh phúc, giá còn rẻ bất ngờ

Kinh tế 08/12/2022 - 11:43

Trong một cuộc thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng với một số tiền nhất định, con người hoàn toàn có thể mua được hạnh phúc, ít nhất là trong 6 tháng.

Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 200 người và được công bố kết quả trên tạp chí PNAS. Các tình nguyện viên đã được nhận một khoản tiền mặt trị giá 10.000 USD (gần 240 triệu đồng). Số tiền này đến từ hai nhà tài trợ giàu có ẩn danh và được thanh toán qua PayPal.

Những người nhận tiền (nhóm A) được yêu cầu tiêu hết 240 triệu trong vòng 3 tháng. 100 người tham gia còn lại sẽ không nhận được khoản tiền nào (nhóm B). Các nhà nghiên cứu sẽ đo lường và ghi chép mức độ hạnh phúc của họ theo từng tháng cụ thể.

Họ yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ hài lòng đối với cuộc sống theo thang điểm từ 1 đến 7, tần suất họ trải qua cảm xúc tích cực (hạnh phúc) và cảm xúc tiêu cực (ví dụ như nỗi buồn) theo thang điểm từ 1 đến 5.

Nhóm người nhận được 240 triệu đã cho ra kết quả tích cực với mức độ hạnh phúc cao hơn những người không nhận được khoản tiền đó. Thậm chí, kể cả khi họ (nhóm A) không được nhận thêm tiền trong 3 tháng tiếp theo thì mức độ hạnh phúc của họ vẫn cao hơn so với trước khi cuộc thử nghiệm bắt đầu.

Cuộc chiến

Ảnh: shutterstock

Tuy nhiên đối với chỉ số hạnh phúc của những người có thu nhập hộ gia đình trên 123.000 USD/năm (gần 3 tỷ đồng) thì không có quá nhiều thay đổi. Điều này phần nào cho thấy, tiền thật sự mua được hạnh phúc nếu bạn kiếm được gần 3 tỷ một năm.

Theo kết quả nghiên cứu, những người tham gia phải ghi lại hoạt động chi tiêu của họ. Vì vậy đội ngũ ban tổ chức đã phân tích dữ liệu để xem liệu có hình thức giao dịch mua bán nào khiến họ cảm thấy hạnh phúc hay không?

Những người trong nghiên cứu đến từ ba quốc gia có thu nhập thấp là Brazil, Indonesia, Cộng hòa Kenya và bốn quốc gia có thu nhập cao là Úc, Canada, Anh, Mỹ.

Kết quả chỉ ra rằng những người tham gia từ các quốc gia có thu nhập thấp đã đạt được mức độ hạnh phúc cao gấp ba lần so với những người từ các quốc gia có thu nhập cao. Và những người kiếm được 10.000 USD (240 triệu/năm) cảm thấy hạnh phúc gấp đôi so với những người kiếm được 100.000 USD (2,4 tỷ đồng/năm) dù cho số tiền họ nhận là hoàn toàn miễn phí.

Tiến sĩ tại đại học Columbia Ryan Dwyer, đồng tác giả của dự án nghiên cứu này cho biết: “10.000 USD ở thế giới này có thể làm được rất nhiều thứ”. Theo kết quả thu được, một số người đã chi phần lớn số tiền để trả nợ thế chấp hoặc sửa sang lại nhà cửa.

Những người tham gia nghiên cứu lúc đầu không biết họ đang đăng ký cái gì. Vào tháng 12 năm 2020, tổ chức TED đã cập nhật thông tin trên Twitter và mời mọi người đăng ký một "thí nghiệm” bí ẩn, thú vị, đầy bất ngờ, sẽ mất thời gian nhưng có thể khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Vài tháng sau, những người được chọn đã nhận được email thông báo rằng họ sẽ có 10.000 USD một cách miễn phí.

Dwyer cho biết nếu người tham gia nhận được một số tiền lớn hơn, ví dụ như giải xổ số Powerball độc đắc trị giá 2,04 tỷ USD (hơn 48 nghìn tỷ đồng) thì mức độ hạnh phúc thậm chí sẽ cao hơn nhiều. Ông nói, thông thường những người trúng xổ số sẽ hạnh phúc hơn vào nhiều năm sau đó.

Cuộc chiến

Ảnh: Getty

Nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy những lần trúng xổ số lớn làm tăng mức độ hài lòng trong cuộc sống của mọi người. Và một nghiên cứu năm 2007 cũng kết luận rằng những người trúng xổ số lên tới 200.000 USD (4,8 tỷ đồng) có sức khỏe tâm lý tốt hơn những người hoàn toàn không trúng.

Tuy vậy, Ania Jaroszewicz - nhà khoa học hành vi tại đại học Harvard cho biết các nghiên cứu khoa học vẫn chưa đồng ý về quan điểm tiền mua được hạnh phúc. Cô đã giám sát một thử nghiệm để kiểm chứng điều này. 5000 người có thu nhập thấp ở Hoa Kỳ sẽ được nhận một “tấm vé” có thể thanh toán miễn phí bất kỳ thứ gì trị giá 500 USD (nhóm 1) hoặc 2.000 USD (nhóm 2). Nhưng sau 15 tuần từ khi họ nhận được khoản tiền này, cả hai nhóm đều không có cải thiện nào về tình trạng tài chính hoặc thay đổi về mặt tâm lý.

Jaroszewicz cũng cho biết có rất nhiều nghiên cứu tổng hợp về tiền và hạnh phúc. Tuy nhiên mối tương quan giữa hai đối tượng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số tiền cho đi, cho ai và cách sử dụng nó.

Một nghiên cứu nổi tiếng được công bố vào năm 2010 cho thấy rằng đối với những người có thu nhập khoảng 75.000 USD/năm (1,8 tỷ đồng), tình cảm hạnh phúc sẽ được cải thiện khi có thêm thu nhập. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy không tồn tại mức tiêu chuẩn như vậy. Nó cho rằng cảm xúc hạnh phúc khi có thêm tiền chỉ đúng với những người kiếm được 80.000 USD/năm (1,92 tỷ đồng) trở lên.

Với con số 123.000 USD theo khảo sát của tiến sĩ Dwyer, ông cho rằng có sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu này là do chỉ số cảm giác hạnh phúc được báo cáo trong nghiên cứu của ông có liên quan đến sự phấn khích ban đầu của mọi người vì họ chỉ được nhận khoản tiền thử nghiệm trong 3 tháng cũng như số tiền nhiều hơn mức trung bình.

Vì vậy, việc so sánh kết quả của khảo sát này với kết quả của các thử nghiệm thu nhập cơ bản (thử nghiệm với số tiền thấp) sẽ chênh lệch nhiều.

Các chương trình thí điểm khác với của Dwyer chủ yếu tập trung vào những người có thu nhập thấp, thất nghiệp hoặc vô gia cư. Ví dụ, một thử nghiệm tiên phong tại thành phố ở Stockton, California đã cấp cho mọi người 500 USD (12 triệu đồng/tháng). Những người tham gia là những người sống trong các khu dân cư có thu nhập hộ gia đình trung bình 46.000 USD trở xuống (1,1 tỷ đồng/năm). Kết quả họ đã có nhiều cải thiện về tình cảm, giảm lo lắng, trầm cảm và tích cực đi làm toàn thời gian hơn.

Còn trong nghiên cứu của Dwyer, thu nhập của người tham gia giao động từ 0 đến 400.000 USD/năm, trung bình khoảng 54.000 (1,2 tỷ đồng/năm). Và đa số những người tham gia đều có bằng cử nhân thậm chí cao hơn.

Jaroszewicz nhấn mạnh rằng trong bất kỳ nghiên cứu nào về tiền bạc và hạnh phúc, kết quả đều có thể phụ thuộc vào hoàn cảnh sống cụ thể của mỗi người cũng như kỳ vọng của họ.

Một số người có thể lầm tưởng rằng số tiền trợ cấp đó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống nhưng thực sự hạnh phúc hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các mối quan hệ cá nhân hay sự hài lòng trong công việc.

Tham khảo: NBC News

Được dự báo vượt Nhật Bản và Đức, quốc gia châu Á nổi lên là thị trường số 1 cho các nhà đầu tư
Thùy Trang
  • người có thu nhập thấp
  • tiền trợ cấp
  • thị trường số

Theo Nhịp sống thị trường