Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Dịch COVID-19: Tiêm mũi 3, mũi 4 để dự phòng biến chủng mới

Sức khoẻ 01/07/2022 - 18:19

Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định vaccine vẫn là vũ khí chiến lược giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh với biến chủng SARS-CoV-2.

Dịch COVID-19: Tiêm mũi 3, mũi 4 để dự phòng biến chủng mới - ảnh 1 Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Để làm rõ hơn vai trò của vaccine - một vũ khí chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch, sáng 1/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?”

Thông tin được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Tọa đàm cho thấy biến chủng BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang giám sát. Tỷ lệ tử vong hay tỷ lệ mắc bệnh nặng không có sự khác biệt với các chủng trước, nhưng vẫn phải lưu ý đến tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền. Cùng với sự gia tăng số mắc mới là sự gia tăng về số người nằm viện.

Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. “Trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, mạnh như hiện nay với biến chủng SARS-CoV-2, biện pháp chống lây lan nhanh hoặc các biện pháp hành chính xã hội, hoặc thuốc, gần như cơ bản khó đáp ứng được một cách lâu dài. Do đó, vaccine tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn,” Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khẳng định.

Theo ông Phan Trọng Lân, biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội thường không tạo sự đồng thuận, hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy, vaccine là một yếu tố rất quan trọng. Tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm sẽ nhẹ hơn. Tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác.

Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân khẳng định vaccine được nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là sự ổn định. Ví dụ, hạn sử dụng của vaccine là 9 tháng có nghĩa đảm bảo được hiệu quả trong vòng 9 tháng là như nhau, không có chuyện 7 tháng tốt hơn 9 tháng. Các hoạt động, từ phân bổ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng vaccine, được giám sát rất đầy đủ của các bên: Bộ Y tế, chính quyền các cấp. Do đó, chất lượng vaccine rất bảo đảm an toàn, người dân yên tâm đi tiêm.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tuyên truyền chống dịch phải đúng hướng]

Ghi nhận Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh tốt, điều này có thể giúp Chính phủ phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới, Tiến sỹ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết các biện pháp đang triển khai là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. Việt Nam đã tiêm chủng được với tỷ lệ rất cao. Vaccine hiện tại đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. Đây chính là lý do Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi nhắc lại, tăng cường để phòng COVID-19.

Cũng theo Tiến sỹ Socorro Escalante, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người suy giảm miễn dịch phải được mũi tiêm thứ 3, 4, bởi ở họ, khả năng tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác. Hiện tại, mức độ sẵn có vaccine đã được cải thiện, đặc biệt là Việt Nam áp dụng thêm các cách rất hiệu quả để tiêm mũi 3, mũi nhắc lại cho mọi người. Khi còn những chủng virus lưu hành, biến chủng mới có khả năng xuất hiện và con người có thể mắc bệnh, nên phải tiêm vaccine để dự phòng.

“Cần tiếp cận với đối tượng có tuổi chẳng hạn, những nhóm nhỏ nhưng là những người dễ bị tổn thương. Chúng ta cũng cần tiếp cận tất cả những nhóm chưa được tiêm vaccine với liều cơ bản; tiếp tục làm việc với Chính phủ cũng như ngành Y tế để làm sao đưa vaccine đến được những khu vực nguy cơ cao, những người ở khu vực này phải được tiêm vaccine để bảo vệ từng người, bảo vệ từng hộ gia đình và bảo vệ cả cộng đồng,” bà Socorro Escalante nêu quan điểm.

Tiến sỹ Socorro Escalante cho hay đối với liều thứ 4, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người có tuổi, họ vẫn phải là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Vaccine giúp phòng được các tác động nguy hiểm của bệnh, cũng như làm giảm áp lực phòng, chống dịch. Vaccine đang sử dụng là an toàn, hiệu quả và có chất lượng.

Đề cập đến lợi ích của việc của việc tiêm mũi nhắc lại, Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân thông tin biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Ở Việt Nam, với sự nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương, đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản và miễn dịch đối với họ đã giảm. Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.

Dịch COVID-19: Tiêm mũi 3, mũi 4 để dự phòng biến chủng mới - ảnh 2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bên cạnh đó, cần tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.

Nhấn mạnh trẻ em hoàn toàn có thể mắc COVID-19 trở lại nếu không bổ sung kháng thể, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2, để tạo miễn dịch cộng đồng. Việt Nam ưu tiên chế phẩm Pfizer dành cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 đến 10 tuổi chúng ta có chế phẩm riêng. Đây là những ưu tiên rất lớn của Chính phủ đối với trẻ em.

“Chúng ta đã qua đỉnh dịch ở tháng Ba, tháng Tư đến bây giờ là ngày 01/7, đã qua 3 đến 4 tháng rồi, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội của chúng ta thời gian qua, nhất là trong những tháng Hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để nghỉ Hè và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó, trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay. Với tỷ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch,” Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Minh Điển cũng cho rằng cần bảo vệ cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine bằng cách đưa trẻ ở nhóm đã có vaccine từ 5 tuổi trở lên đi tiêm trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Nếu cả gia đình đã có vaccine có nghĩa trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn rất nhiều và sẽ bảo vệ cho cả cộng đồng.

Nêu thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một ngày có 5-7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C là hội chứng viêm đa cơ quan, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Minh Điển khuyến nghị phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tư vấn các bác sỹ để tiêm chủng. Chính phủ đã dành những vaccine tốt nhất, an toàn nhất cho các cháu./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)