Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Điều chỉnh đợt 2 lấy nước: Đảm bảo trạm Sơn Tây thấp nhất 1,8m

Đời sống 07/02/2023 - 23:49

Tổng cục Thủy lợi thông báo điều chỉnh đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2022-2023, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; theo đó đảm bảo Trạm Thủy văn Sơn Tây thấp nhất 1,8m từ 7/2.

Điều chỉnh đợt 2 lấy nước: Đảm bảo trạm Sơn Tây thấp nhất 1,8m - ảnh 1 Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra tình hình lấy nước đợt 2 tại trạm bơm Đại Định, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Bnews/TTXVN)

Trên cơ sở tiến độ lấy nước, kết quả kiểm tra thực tế của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hà Nội và Vĩnh Phúc chiều 6/2 và trao đổi với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố, Tổng cục Thủy lợi thông báo điều chỉnh đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2022-2023, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Cụ thể, giảm lượng xả từ các hồ chứa thủy điện xuống mức duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây thấp nhất 1,8m trở lên từ 0 giờ ngày 7/2 đến 24 giờ ngày 8/2.

Đồng thời, tùy thực tế tiến độ lấy nước sau đợt 2 của thành phố Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét đề xuất của địa phương, quyết định kế hoạch bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, bảo đảm cung cấp đủ phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng lúa.

Qua kiểm tra tại Hà Nội và Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết còn 2 ngày là kết thúc lấy nước đợt 2. Hiện có 3 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hưng Yên còn chưa đảm bảo việc hoàn thành lấy nước.

Tỉnh Hưng Yên và Vĩnh Phúc cam kết sẽ lấy đủ nước trong đợt 2. Hà Nội cũng sẽ cơ bản đủ nước trong đợt này.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, có phát sinh hai vấn đề trong đợt này. Một là để đảm bảo cho Hà Nội và Vĩnh Phúc lấy nước bình thường cần duy trì mực nước ở trên mực nước tối thiểu với thời gian dài hơn vì phụ thuộc vào công suất của một số trạm bơm.

Hai là vào giữa tháng Hai, lúa sẽ cần được tưới dưỡng nên cần tính toán việc vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình phù hợp để các tỉnh thành có thể lấy nước để tưới dưỡng.

[12 ngày lấy nước cho vụ Đông Xuân khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ] 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các địa phương tiếp tục duy trì các trạm bơm để đảm bảo lấy đủ nước.  Khi vào giai đoạn tưới dưỡng cho cây lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều hành để các trạm bơm có thể hoạt động bình thường.

Qua kiểm tra cho thấy các trạm bơm Trung Hà (Hà Nội) và Đại Định (Vĩnh Phúc) đều ở trong tình trạng khi thiết kế là mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội tối thiểu 2m. Tuy nhiên, hiện trong điều kiện bình thường, mực nước ở Hà Nội chỉ duy trì được từ 1,5-1,6m - dưới mức thiết kế 0,4-0,5m. Chính vì vậy, để kéo dài thời gian nước cho những thời điểm cần lấy nước có thể tăng phát điện cho các trạm bơm lấy nước mà không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước cho mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết trong những ngày còn lại của đợt 2, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc lấy nước cho gieo cấy. Tuy nhiên, vào giai đoạn tưới dưỡng, nhu cầu nước sẽ tăng nên tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuẩn bị các phương án như sẵn sàng các trạm bơm chuyển tiếp để có thể đảm bảo đủ nước cho tưới dưỡng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, đến 16 giờ ngày 6/2, diện tích có nước để gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 446.886ha, đạt 89,7% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.

Một số địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước như Thái Bình (100%), Nam Định (100%), Hà Nam (100%), Ninh Bình (97%), Phú Thọ (97%), Hải Dương 92%, Hải Phòng 88%, Bắc Ninh 86%, Vĩnh Phúc 84%, Hưng Yên 79% và Hà Nội 66%.

Về nguồn nước, tính đến 16 giờ ngày 6/2, mực nước trung bình ngày tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,75m, cao nhất lúc 11 giờ đạt 2,04m.

Để hoàn thành kế hoạch lấy nước theo nhu cầu gieo cấy, Tổng cục Thủy lợi đề nghị với các địa phương chưa hoàn thành kế hoạch lấy nước tăng cường các giải pháp, vận hành tối đa công trình thủy lợi để đẩy nhanh tiến độ lấy nước cho các diện tích gieo cấy phụ thuộc nguồn nước điều tiết bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi lấy nước lên ruộng, giữ nước chặt chẽ, sớm tổ chức làm đất và gieo cấy để tránh gây thất thoát, lãng phí nước. Tranh thủ tổ chức trữ nước trong ao, hồ, hệ thống kênh mương, vùng trũng… để dành tưới dưỡng lúa thời gian tới./.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)