Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Doanh nghiệp loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu vốn

Kinh tế 24/03/2023 - 15:53

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm nhưng về tổng thể, lãi suất vẫn ở mức cao khiến doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất không dám vay.

Lãi suất giảm nhưng vẫn cao

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM (AGTEK) thông tin, đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ hiện nay giảm 30 - 40%, sang châu Âu giảm 60%. Trong quý I/2023, tổng đơn hàng xuất khẩu của ngành tiếp tục giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, đối tác yêu cầu giảm giá 50% khiến sự cạnh tranh thêm gay gắt.

“Việc lãi suất cho vay giảm là điều tốt nhưng trong bối cảnh đơn hàng giảm, đối tác ép giá như hiện nay, các doanh nghiệp không dám vay khoản mới. Doanh nghiệp mong có chính sách hỗ trợ như hoãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng”, ông Hồng nói.

Đầu năm nay, các doanh nghiệp của AGTEK rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Thông thường, đầu năm các ngân hàng đều thẩm định lại hồ sơ của doanh nghiệp để đưa ra hạn mức tín dụng. Nhưng nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây nên hạn mức cho vay giảm mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.

Vì vậy, ông Hồng kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung, không chuyển doanh nghiệp vào nhóm nợ xấu.

Doanh nghiệp loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu vốn - ảnh 1

Các doanh nghiệp tại Tp.HCM cho biết, khó khăn vay vốn sản xuất khi lãi suất chưa linh hoạt.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay, đầu tháng 10/2022, lãi suất cho vay tăng 4 - 5%/năm nhưng nay chỉ giảm 0,5 - 1%/năm, lãi suất vay trung bình vẫn trên 10%/năm nên các doanh nghiệp không dám vay khoản mới.

Nhiều doanh nghiệp được cấp hạn mức tín dụng nhưng không dám giải ngân do đơn hàng xuất khẩu ít, công ty không có lợi nhuận, càng vay sẽ càng lỗ. Các doanh nghiệp đều mong lãi suất cho vay giảm về mức 7 - 8%/năm như trước.

“Về chính sách, các doanh nghiệp rất cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT về 8% như năm 2022 và giãn thuế GTGT trong 6 tháng. Do đó, Nghị quyết 01 của Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách này trong năm nay. Các doanh nghiệp đang có nguồn hàng tốt và có đầu ra tốt rất cần nguồn vốn từ thuế GTGT được chậm lại để có vốn quay vòng nhanh hơn. Doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hiện nay có thị trường đang rất cạnh tranh gay gắt, họ có nhu cầu giảm lãi suất và liệu cơm gắp mắm, thay vì nhu cầu vay vốn mới”, ông Việt Anh nêu ý kiến.

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM cho biết, lợi nhuận của ngành lương thực thực phẩm vốn kết hợp với ngành nông nghiệp luôn ở mức thấp. Đã thế hiện nay, lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10% khiến cho lợi nhuận của các công ty bị hạ xuống đến 50 - 70% so với trước.

Ưu tiên giải ngân vốn kinh doanh sản xuất

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính thì việc giảm lãi suất hiện nay chỉ mang tính giai đoạn, tình thế. Muốn lãi suất giảm lâu dài, lạm phát phải giảm sâu, lãi suất huy động giảm. Còn hiện nay, lãi suất huy động chỉ giảm ở vài ngân hàng.

Nhìn rộng hơn, ông Hiếu dẫn chứng, lạm phát ở Mỹ vẫn còn khá cao, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM khẳng định, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đang triển khai 3 nhiệm vụ chính, gồm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục tổ chức tốt hoạt động kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) và các quận, huyện, với nội hàm gắn với gói 2% lãi suất và gắn với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong năm 2023.

“Cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn Tp.HCM”, ông Lệnh nói.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: “Về khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn chúng tôi cũng hiểu được, bản thân OCB cũng là doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp đặc thù và cũng chịu chung khó khăn trong nền kinh tế. Do đó, để triển khai dòng vốn tín dụng hiệu quả hướng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, chúng tôi đã định hướng tập trung tìm kiếm khách hàng tốt thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại - phòng kinh tế quận huyện”.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại vì thiếu vốn

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) chỉ ra, trong quý II và quý III/2022, doanh thu của các doanh nghiệp ở TPHCM đạt 64% so với trước đại dịch Covid-19. Sang quý IV/2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh chậm lại, số doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn 22% (tỷ lệ này trong quý III/2022 là 26%). Trong quý I/2023, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng giảm còn 65% (tỷ lệ này trong quý II/2022 là 80%).

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA cho rằng, lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện nay sẽ tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, HUBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

Các giải pháp khác là tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay đối với các khoản vay trung, dài hạn; áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp nợ và trả ngay trong năm sau như đã áp dụng năm 2021; kéo dài thời gian của hợp đồng vay tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng thời kỳ theo lịch trả nợ trước đó.


Tác giả: Nguyễn Thành Nhân