Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Du lịch Ninh Thuận: Phát triển bền vững từ những tiềm năng riêng có

Du lịch 02/10/2022 - 21:13

Đẩy mạnh đặc tính hoang sơ với những giá trị văn hóa Chăm đậm đà, đặc sắc cùng các sản phẩm nông nghiệp, du lịch Ninh Thuận đặt kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.

Du lịch Ninh Thuận: Phát triển bền vững từ những tiềm năng riêng có - ảnh 1 Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Trung Lương nói về những điểm khác biệt và tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tỉnh Ninh Thuận đang đặt ra lộ trình để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tầm nhìn đến năm 2025 và 2030. Hướng đến đích đó, tỉnh tập trung phát triển dựa trên những đặc điểm đồng thời chính là sự khác biệt mà chỉ Ninh Thuận mới có.

Gắn du lịch với văn hóa bản địa

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội, chiều ngày 30/9, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch) cho hay Ninh Thuận thường được nhắc đến là địa phương còn khó khăn, là vùng đất khô cằn của nắng và gió, nhưng chính vẻ hoang sơ đặc sắc, phát triển sau lại trở thành một đặc trưng đáng chú ý cho du lịch tỉnh. 

"Đây chính là khả năng xây dựng điểm đến xanh, một trong những ưu tiên lớn nhất của phát triển của du lịch hiện nay," ông Lương nói.

Về thiên nhiên, Ninh Thuận không chỉ sở hữu khí hậu nhiệt đới xavan, được coi là vùng sa thảo độc nhất tại Đông Nam Á, mà còn là một trong số các địa phương hiếm hoi hội tụ hai vườn quốc gia lớn của Việt Nam, đó là Phước Bình và Núi Chúa. Trong số đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, mở ra những chuyến khám phá, tour trekking (đi bộ leo núi) đáng nhớ.

[Vườn quốc gia Núi Chúa: Gắn bảo tồn sinh học với phát triển du lịch]

Bên cạnh thiên nhiên, nơi đây còn có văn hóa Chăm đậm đà và được các nhà nghiên cứu đánh giá là đặc sắc nhất cả nước, để lại cho ngày nay làng nghề gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nổi tiếng, những tháp Chăm đẹp, vĩ đại, hấp dẫn.

Theo ông Phạm Trung Lương, các sinh hoạt bản địa, tri thức truyền thống không thể tách rời khỏi đời sống của người dân. Song song với đó là các sản phẩm nông nghiệp gồm nho và cừu nổi tiếng, tọa lạc trong vùng tam giác du lịch Khánh Hòa-Lâm Đồng-Bình Thuận... Tất cả điều này giúp tô đậm cho bản sắc vùng đất Ninh Thuận.

"Ninh Thuận đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, không phải vì những tiềm năng đã được nghe, được thấy mà chính là nằm ở những sự khác biệt này," ông Lương nhận định.

Du lịch Ninh Thuận: Phát triển bền vững từ những tiềm năng riêng có - ảnh 2 Khách du lịch tới thăm Tháp Chăm Poklong Garai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trung Lê Đô-đại diện một doanh nghiệp du lịch tại Ninh Thuận, cũng cho rằng tiềm năng phát triển du lịch chính là những đặc điểm riêng có của thiên nhiên, văn hóa của vùng đất này.

"Tôi khát khao những khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Ninh Thuận phải thốt lên rằng không chỉ người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch mà còn là cả tỉnh làm du lịch. Đó sẽ là niềm an ủi rất lớn với những người làm công tác quản lý, người dân của tỉnh Ninh Thuận chúng tôi," ông Lê Đô nói thêm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định rằng hợp tác và liên kết về mặt du lịch giữa Hà Nội và Ninh Thuận có ý nghĩa quan trọng để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh riêng có của du lịch mỗi địa phương.

"Hà Nội cam kết hợp tác một cách mạnh mẽ và hiệu quả với tỉnh Ninh Thuận trong hoạt động phát triển du lịch, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của hai địa phương nói riêng và cả nước nói chung," ông Nguyễn Mạnh Quyền bày tỏ.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Nói về sự kiện hội nghị xúc tiến du lịch của tỉnh Ninh Thuận lần này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh Ninh Thuận có vị trí địa lý quan trọng, nằm trên ngã ba nối liền nền kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong những năm qua, du lịch Ninh Thuận đã ghi nhận những bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều dư địa để địa phương phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn. Trên cơ sở đó, ông Khánh đề xuất 4 giải pháp cụ thể.

Đầu tiên là dựa trên thế mạnh của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn, dễ chịu cho khách du lịch sau COVID-19, bao gồm trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp sang trọng, du lịch gắn liền di sản chăm, du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa...

Thứ hai là tỉnh cần quan tâm chú trọng truyền thống, ứng dụng công nghệ thông tin để phục hồi du lịch. Thứ ba là thúc đẩy, khuyến khích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thị trường lao động. Cuối cùng là đẩy mạnh liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch theo cơ chế linh hoạt, thực chất.

"Tổng cục Du lịch cam kết sẽ luôn đồng hành và ủng hộ các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp, trong đó có tỉnh Ninh Thuận, trong các hoạt động nhằm tạo điều kiện để ngành du lịch được phục hồi, phát triển bền vững," ông Nguyễn Trùng Kháng nói thêm.

Du lịch Ninh Thuận: Phát triển bền vững từ những tiềm năng riêng có - ảnh 3 Hoạt động trekking (đi bộ đường dài) trên Vườn Quốc gia Núi Chúa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ninh Thuận đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch theo lộ trình đến năm 2025 và 2030 theo hướng toàn diện, cơ bản đồng thời trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh.

Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận được kỳ vọng sẽ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.

[Ninh Thuận: Liên kết với các tỉnh để kết nối, quảng bá du lịch]

Để thực hiện mục tiêu này, trong năm nay, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, các hội nghị xúc tiến và quảng bá du lịch Ninh Thuận đã và đang được triển khai để vươn kết nối tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, giới thiệu các sản phẩm địa phương hấp dẫn tới cho những vị khách du lịch tiềm năng.

Tại Thủ đô, trong các ngày từ 30/9 đến 2/10, trên tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm sẽ diễn ra sự kiện Ngày Văn hóa và Du lịch Ninh Thuận. Khách tham quan sẽ được chào đón bằng 51 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩn đặc thù, ẩm thực, sản phẩm du lịch và các hoạt động đặc sắc của địa phương gồm trình diễn chế tác gốm, dệt thổ cẩm, trình diễn chế tác đàn Chapi, chơi mả la...

Tại sự kiện cũng diễn ra nhiều hoạt động ký kết hợp tác giữa ủy ban nhân dân hai tỉnh Ninh Thuận, Cần Thơ và Thành phố Hà Nội, giữa các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển cho du lịch Ninh Thuận./.

Minh Anh (Vietnam+)