Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Đưa đầu tàu kinh tế Đông Nam bộ phát triển đột phá

Kinh tế 27/11/2022 - 12:10

Nhiều giải pháp, chính sách sẽ được triển khai, nhằm đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Đưa đầu tàu kinh tế Đông Nam bộ phát triển đột phá - ảnh 1
Vùng Đông Nam bộ phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực

“Thúc” đầu tàu tăng tốc

Chỉ một tuần sau khi Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên được tổ chức, Chính phủ tiếp tục tổ chức một hội nghị tương tự, dự kiến vào ngày mai (26/11), tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng lần này là để triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ.

Vẫn là một hội nghị “ba trong một”, với hai nội dung quan trọng khác là triển lãm ảnh và xúc tiến đầu tư vùng, nhưng dù là “ba trong một”, thì chắc chắn mục tiêu bao trùm vẫn là đưa vùng Đông Nam bộ phát triển đột phá. “Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Đông Nam bộ, mở ra cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà hội nghị lần này có chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”. Vùng Đông Nam bộ, bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đã luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian qua.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Nhưng một cách thẳng thắn, khi tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển vùng Đông Nam bộ, rất nhiều ý kiến chỉ ra rằng, Đông Nam bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị được tổ chức cách đây hơn 1 tháng để quán triệt Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó cũng chính là một trong những lý do quan trọng nhất để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra 3 câu hỏi quan trọng, rằng “Vì sao vào lúc này, Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?”; “Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết lần này là gì?”; “Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?”.

Tư duy mới chính là điểm mấu chốt của Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết. Bởi lần này, cả Bộ Chính trị và Chính phủ đều quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu và tầm nhìn rất rõ ràng. Đó là phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”.

Còn tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ…

Trong đó, TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; là nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới...

Tư duy mới, tầm nhìn mới này hứa hẹn sẽ đưa Đông Nam bộ có bước phát triển đột phá trong tương lai.

Giải bài toán “hiện thực hóa tầm nhìn”

Khát vọng lớn đã được đặt ra. Nhưng điều quan trọng, như câu hỏi thứ ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “cần làm gì và làm như thế nào” để hiện thực hóa được những khát vọng và kế hoạch nói trên?

Câu hỏi này không dễ trả lời, bởi các mục tiêu đặt ra là rất lớn. Không chỉ là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt bình quân 8-8,5% trong giai đoạn 2021-2030, giữ vững vai trò vùng kinh tế động lực, mà còn là đạt GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 380 triệu đồng (tương đương 14.500 USD); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%); tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75%...

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải vì sao Đông Nam bộ phát triển chưa xứng với tiềm năng. Liên kết vùng yếu, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có thể chế, chính sách vượt trội… là điều đã được nhắc tới lâu nay.

Thậm chí, theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, chiếc áo thể chế đã quá chật hoặc không được thiết kế phù hợp với yêu cầu phát triển của vùng. “Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng, nếu có, chỉ là sự hợp tác liên kết phát triển riêng rẽ giữa các địa phương, thiếu sự kết nối tổng thể của vùng về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng”, ông Phạm Viết Thanh nói.

Điều ông Thanh trăn trở còn là, mặc dù Đông Nam bộ là khu vực chủ lực về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa, nhưng vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng; thiếu hẳn một tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xuống cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhắc đến việc thiếu các cơ chế đặc thù cho các địa phương trong vùng; kết cấu hạ tầng dù được đầu tư khá lớn, đồng bộ, nhưng ngày càng quá tải, chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao…

Bởi thế, để hiện thực hóa khát vọng đưa vùng Đông Nam bộ phát triển đột phá, phải bắt đầu bằng việc gỡ bỏ những rào cản nói trên.

“Cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh liên kết vùng. Cùng với đó, triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3-4, các cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Đồng Nai - Lâm Đồng, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng đô thị TP.HCM…”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đề xuất việc phải đổi mới phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nhất là thẩm quyền tự quyết đối với một số vấn đề hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng hoặc các bộ, ngành. Đồng thời, thiết kế thể chế cho liên kết và điều phối vùng, trong đó có việc lập cơ quan điều phối vùng có đủ thẩm quyền và nguồn lực.

“Chúng ta đang đứng trước xu hướng chuyển dịch của các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đang tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng trong thu hút các dòng vốn quốc tế. Nếu không có sự liên kết và hợp tác trong chiến lược phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, việc cạnh tranh nội vùng sẽ có nguy cơ làm lãng phí nguồn lực tài nguyên, đất đai, giảm tính hấp dẫn của từng địa phương nói riêng và cả vùng Đông Nam bộ nói chung”, ông Thanh nhấn mạnh.

Một cách rất rõ ràng, để vùng Đông Nam bộ có thể phát triển đột phá, cũng giống như các vùng khác, mấu chốt vẫn là liên kết vùng, là thể chế vượt trội, là phát triển hạ tầng kết nối, là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Bài toán càng khó hơn với Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM, bởi mục tiêu đề ra không chỉ là trở thành đầu tàu, thành động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam, mà còn là tầm nhìn khu vực, trở thành một thị trường năng động nhất khu vực Đông Nam Á, một điểm đến đầu tư được lựa chọn của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, là một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Đông Nam Á…

Nhưng có Nghị quyết 24-NQ/TW và có Chương trình Hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết, với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 35 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 29 dự án kết cấu hạ tầng cần hoàn thành trước năm 2030, cơ hội phát triển của vùng Đông Nam bộ đang được mở rộng hơn bao giờ hết.

Hơn thế, cả Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình Hành động của Chính phủ đều nhấn mạnh việc sẽ nghiên cứu để áp dụng các thể chế, chính sách đặc thù cho vùng. Hiện nay, TP.HCM đã tiếp tục được thí điểm cơ chế đặc thù. Đây sẽ là “cú hích” cho sự phát triển đột phá của vùng Đông Nam bộ.

 

Vùng Đông Nam bộ đã hình thành được trung tâm công nghiệp hàng đầu, với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước. Kinh tế tư nhân cũng phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Đặc biệt, TP.HCM từng bước đã trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của vùng cùng cả nước…