Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Đừng bận mà vẫn nghèo

Chính trị 30/06/2022 - 15:17

Ở mỗi giai đoạn trưởng thành khác nhau, chúng ta có những nỗi lo lắng khác nhau. Bạn của năm 40 tuổi có thể vừa bận rộn vừa nghèo túng và gặp phải nguy cơ tuổi trung niên.

Nếu cuộc đời tuân theo quy luật cứ cách 10 năm lại phải nhìn lại và tổng kết thì: Từ năm 11 tuổi đến năm 20 tuổi, từ khóa của cuộc đời tôi là học tập và nếm trải; từ năm 21 tuổi đến năm 30 tuổi, từ khóa của cuộc đời tôi là đạt được và theo đuổi; từ năm 31 tuổi đến năm 40 tuổi, từ khóa cuộc đời tôi là thu hoạch và phát triển. Vậy thì, từ khóa mà tôi dành cho 10 năm sau tuổi 40 sẽ là: Mất đi và buông bỏ.

Trong mấy năm chuẩn bị cán mốc tuổi 40, cơ thể tôi đã có nhiều thay đổi, thay đổi lớn nhất là bắt đầu có tóc bạc, chúng mọc lên nhanh chóng ở hai bên tóc mai và đỉnh đầu. Tiếp đó là tần suất sử dụng sổ tay ngày một tăng cao, bạn cũng có thể nói rằng tôi đã học được cách thanh lọc cho não bộ, nhưng chỉ mình tôi biết, có nhiều chuyện nếu không viết vào sổ tay thì loáng cái là tôi quên mất.

[…]

Tôi không thể dừng lại mãi ở tuổi 16 để sống tùy hứng dưới sự chở che của bố mẹ được. Tôi không thể đối đầu với cả thế giới chỉ dựa vào gai góc trên thân mình, giữ thái độ “như thế mới là tôi”, giả vờ sống thật kiên cường được.

Trước kia, tôi cho rằng chống đối là sợ sau khi bị thế giới này đồng hóa sẽ biến thành kiểu người lớn mà tôi coi thường nhất. Bây giờ tôi mới hiểu, sự chống đối thực sự là khi bạn đã hiểu rõ được thế giới của người lớn, hiểu rõ được trách nhiệm của người trưởng thành, mà vẫn có thể giữ lại được một góc nhỏ thuần khiết cho mình.

Vị trí cho góc nhỏ thuần khiết ấy phải được duy trì bằng thu nhập và thời gian của bạn, chứ không phải nhờ vào bố mẹ chu cấp hay người nào đó động viên. Tôi coi tuổi 30 như một khởi điểm để thay đổi chính mình.

Sau đó, trong vòng 10 năm, từ năm 31 tuổi đến năm 40 tuổi, tôi liều mạng để tranh đoạt và phát triển, đây là một bài học nâng cao, cũng là một cách để hoàn thiện mình. Loại bỏ hết tự ti trong tâm hồn, để sống có cảm giác an toàn, sống có tôn nghiêm. 10 năm này, mức lương của tôi đã nhân lên vài lần, tôi đã bắt đầu có cái thế của mình mỗi khi nói chuyện.

Tiền tiết kiệm trong tài khoản của tôi từ con số khiến tôi thấy bình an ban đầu, giờ đây đã thành con số làm cho tôi thấy hoàn toàn yên tâm. Từ một người băn khoăn không biết có nên kết hôn hay không, giờ đây tôi lại đang suy xét vấn đề có nên có con cái hay không.

Tôi rất biết ơn khả năng dự đoán của mình, tiên liệu được những chướng ngại trong tính cách cùng những vấp váp trong cuộc đời. Tôi biết ơn chính mình khi đó đã kịp thời tìm đến sự trợ giúp từ các nhà tư vấn tâm lý, để sớm đưa ra các biện pháp khắc phục vấn đề. Và sau đó, tôi bước vào tuổi 40.

Đừng bận mà vẫn nghèo - ảnh 1

Bạn của năm 40 tuổi có thể vừa bận rộn vừa nghèo túng và gặp phải nguy cơ tuổi trung niên. Nguồn: esan.

10 năm tiếp theo, tôi dự đoán rằng, rất có khả năng mình sẽ bắt đầu mất đi. Thứ mà tôi đánh mất rất có thể là tiền bạc, địa vị, danh tiếng, cũng có thể là sức khỏe, gia đình, người thân. Tôi sẽ nhìn thấy được toàn bộ quá trình một cuộc đời dần dần già đi, sẽ được trải nghiệm quá trình con tàu lượn lao xuống dốc.

Có một loại hình tàu lượn chạy theo đường gấp khúc chữ U, nghĩa là lúc xuống đến điểm thấp nhất cũng chính là lúc bắt đầu đi lên. Tôi coi giai đoạn 40 tuổi như bên trái của đường gấp khúc hình chữ U, bắt đầu từ điểm cao nhất đi xuống điểm thấp nhất, còn việc khi nào sẽ tới điểm thấp nhất thì tôi vẫn chưa biết… […]

Tôi bắt đầu học cách sắp xếp, đồng thời đọc một số cuốn sách về thời trang, thử nhiều phong cách ăn mặc khác nhau để tìm ra phong cách phù hợp với mình nhất và duy trì nó. Tôi quyết định sẽ không mua quần áo trong vòng 365 ngày, định kỳ phối quần áo của mình rồi chụp ảnh đăng lên mạng, tổng hợp thành một album, đến hôm nay đã hoàn thành được hơn 180 ngày.

Tôi muốn xem xem, nếu như phải duy trì sinh hoạt cơ bản thì rốt cuộc tôi cần phải có bao nhiêu bộ quần áo. Tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bố mẹ, đưa họ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tháng nào cũng đóng tiền bảo hiểm y tế cho họ.

Tôi cũng bắt đầu hy vọng có thể giải quyết được nỗi lo lắng trong lòng mình, mong muốn có được tâm thái tĩnh tại, thậm chí vì chuyện này tôi còn tới giáo hội Cơ đốc giáo 7, 8 lần để xem thử tín ngưỡng tôn giáo có thể giúp ích cho mình hay không.

Tôi bắt đầu suy xét xem mình đã có được những gì, với mình cái gì là quan trọng nhất. Sau khi khoanh vùng được những điều ấy, tôi sẽ chú trọng đến chúng hơn. Với tiền đề phải bảo đảm được sinh hoạt cơ bản, tôi thử tập làm quen với mất mát. Dần dần, tôi lĩnh ngộ được rằng, thứ mà mất mát đem tới không phải là thiếu thốn, mà là sự tập trung tinh thần và sức lực.

Tôi còn mua một vài cuốn sách về tuổi 40, trong đó, cuốn sách 40 Sai no tame no korekara-jutsu (Khởi đầu mới mẻ gửi tuổi 40) của tác giả Yataro Matsura đã giúp tôi lĩnh hội nhiều điều. Mặc dù mỗi người có một cách xử lý lo âu khác nhau, nhưng ít nhất một số phương pháp của Yataro Matsura rất hữu dụng đối với tôi. 40 tuổi, đối với tôi mà nói vẫn là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, chưa từng trải qua, tất nhiên sẽ dè dặt.

Sau khi tự rèn luyện và tiến hành chuẩn bị trước nhiều thứ, giờ đây, cuối cùng tâm thế của tôi cũng bình thản được một chút. 10 năm tiếp theo đây, có lẽ đối với tôi chính là lời tự nhắc nhở: Nhắc nhở mình phải chú trọng sức khỏe, nhắc nhở mình phải tập trung vào trọng điểm, nhắc nhở mình phải tìm lại lý tưởng thuở ban sơ, nhắc nhở mình phải biết hưởng thụ cuộc sống. Tôi nghĩ, tôi sẽ từ từ yêu thích bản thân trong thời gian tới.