Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

EU lên kế hoạch thảo luận về biện pháp kiềm chế giá năng lượng

Thế giới 03/10/2022 - 15:44

Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã thông qua một loạt chính sách mới hôm 30/9 nhằm cố gắng giảm chi phí năng lượng cao, tuy nhiên, các quốc gia đang chia rẽ về việc phải làm gì tiếp theo.

EU lên kế hoạch thảo luận về biện pháp kiềm chế giá năng lượng - ảnh 1 Các phương tiện xếp hàng chờ đổ xăng tại Harfleur, miền tây nước Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo của châu Âu sẽ thảo luận về cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và các biện pháp tiếp theo để kiềm chế giá năng lượng tăng cao khi nhóm họp vào ngày 7/10 tới.

Trong thư mời họp gửi các nhà lãnh đạo EU được công bố ngày 2/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi EU phản ứng cứng rắn trước những diễn biến gần đây, bao gồm cả việc Nga tuyên bố sáp nhập bốn khu vực của Ukraine hôm 30/9.

Ông Michel, người chủ trì các cuộc họp của các nhà lãnh đạo các nước EU cho biết tại cuộc họp tới, lãnh đạo các nước sẽ thảo luận về cách tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế, quân sự, chính trị và tài chính mạnh mẽ cho Ukraine trong thời gian cần thiết.

Ông Michel nói thêm cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại Praha cũng sẽ đưa ra chỉ dẫn cho Brussels về các bước tiếp theo mà EU nên thực hiện để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao.

[Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt]

Theo ông, mục tiêu chính của EU hiện nay là đảm bảo an ninh về nguồn cung cấp và giá năng lượng hợp lý cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đặc biệt là khi mùa Đông lạnh giá đến gần.

Các Bộ trưởng Năng lượng của các nước EU đã thông qua một loạt chính sách mới hôm 30/9 nhằm cố gắng giảm chi phí năng lượng cao, bao gồm cả thuế lợi nhuận thu được đối với các công ty năng lượng.

Tuy nhiên, các quốc gia đang chia rẽ về việc phải làm gì tiếp theo, trong đó nhiều quốc gia kêu gọi mức trần giá khí đốt trên toàn EU, nhưng những quốc gia khác, bao gồm cả cường quốc kinh tế của châu Âu là Đức, phản đối.

Cũng tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về cách bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở biển Baltic, được thiết kế để đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu đã gặp sự cố vào tuần trước, đã thúc đẩy một số quốc gia cử quân đội đến để đảm bảo các hệ thống năng lượng có khả năng bị tổn thương./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)