Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Giá dầu thô lao dốc gần 11% trong tuần, chạm đáy 6 tháng

Kinh tế 08/08/2022 - 10:56

Tuần qua, giá dầu giảm gần 11%, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, cho thấy nỗi sợ suy thoái đang bao trùm thị trường dầu mỏ. Tình hình giá xăng dầu trong nước theo đó ghi nhận tín hiệu khả quan, có khả năng giảm lần thứ 5 liên tiếp trong kỳ điều chỉnh sắp tới.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng nhẹ thêm 0,8 USD lên 94,86 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng tăng thêm 0,47 USD lên 89,01 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu thô Brent đã trượt dốc tới 11%, trong khi đó dầu thô WTI giảm 8% do lo ngại suy thoái có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Như vậy, giá của cả 2 loại dầu tiêu chuẩn này đều đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây và quay trở về mốc trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Giá dầu thô lao dốc gần 11% trong tuần, chạm đáy 6 tháng - ảnh 1

Giá dầu thô Brent trong 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)

Mức giá trên dưới 90 USD/thùng vẫn là mức rất cao, nếu so với con số 69,09 USD/thùng cùng thời điểm này một năm trước, tuy nhiên đây vẫn là một chỉ dấu tích cực đối với các nước tiêu thụ dầu.

Dầu thô đã giảm giá trong 2 tháng liên tiếp 6, 7 và từ đầu tháng 8 đà giảm còn mạnh hơn. Hiện nay, nguồn cung dầu gần như không thay đổi, vì theo các chuyên gia mức tăng 100.000 thùng/ngày cho tháng 9 mà OPEC mới đưa ra vài ngày trước gần như chỉ mang tính biểu tượng. Nó chỉ tương đương khoảng 0,1% nhu cầu dầu hàng ngày của thế giới.

Có thể thấy nhiều nước OPEC đã bội thu nhờ giá dầu thời gian qua, nhưng điều họ muốn là giá dầu cao như vậy cũng chỉ trong một giai đoạn, chứ không phải kéo quá dài, trở thành động lực thúc đẩy thế giới quay lưng với dầu mỏ.

OPEC đã không đưa ra một tuyên bố chính thức nào về mức giá tối ưu, nhưng từ lâu họ đã nhắc tới mốc 80 USD/thùng như mục tiêu để định hướng chính sách. Trong khi giới phân tích cho rằng giá dầu vượt quá 90 USD/thùng sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ giảm sút.

Giá dầu thô lao dốc gần 11% trong tuần, chạm đáy 6 tháng - ảnh 2

Opec tăng sản lượng 'thấp nhất trong lịch sử' 100.000 thùng/ngày.

Tại Hoa Kỳ, dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô hoạt động tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 5/8 đã giảm 7 giàn khoan. Đây là tuần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm số lượng giàn khoan giảm xuống trong vòng 10 tuần trở lại đây.

Tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng được nhận định có thể sẽ tăng lên khi mùa Đông đang đến gần. Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.

Theo Reuters, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định: "Rõ ràng, mọi người đang xem mối đe dọa suy thoái nghiêm trọng hơn vì những gì chúng ta thấy là một thị trường thắt chặt và các nhà sản xuất không có khả năng thay đổi điều đó".

Vào thời điểm này, giá dầu thậm chí còn thấp hơn thời điểm trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, tuy nhiên vẫn còn cao hơn rất nhiều so với bối cảnh thông thường, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong năm 2019, giá dầu WTI cao nhất chỉ ở mức khoảng 65 USD/thùng.

Dự báo về giá dầu trong thời gian tới cũng có nhiều luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm nhận được sự đồng thuận lớn nhất đó là giá dầu sẽ duy trì quanh mức 90 USD/thùng, thậm chí là cao hơn, ngay cả khi suy thoái toàn cầu có thể xảy ra và cũng phải mất một thời gian dài dầu mới có thể ổn định ở mức giá như trước đại dịch.

Với tình hình trong nước, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố nâng sản lượng lên 100.000 thùng/ngày, giá dầu thô toàn cầu đã hạ nhiệt.

Giá dầu giảm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và châu Âu, những nước đang thúc giục các nhà sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung khan hiếm và chống lại lạm phát đang hoành hành.

Giá dầu thô lao dốc gần 11% trong tuần, chạm đáy 6 tháng - ảnh 3

Giá xăng trong nước có thể sẽ giảm lần thứ 5 trong kỳ điều chỉnh tới.

Thời gian qua, giá xăng nhập đã giảm liên tục. Mới đây nhất ngày 4/8, giá xăng nhập đã giảm xuống 112 USD/thùng. Mức này tương đương với giữa tháng 2, khi đó giá xăng chạm mốc 25.332 đồng/lít. Nếu giảm thêm 3.300 đồng thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng chỉ tương đương khoảng 22.032 đồng.

Như vậy, xăng nhập giảm, kết hợp với giá dầu thô đang giảm mạnh mở ra kỳ vọng giá xăng trong nước sẽ có kỳ giảm lần thứ 5 liên tiếp vào kỳ điều chỉnh ngày 11/8 tới.

Ngày 1/8 vừa qua, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường trong nước giảm lần thứ 4 liên tiếp, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 2. Hiện xăng A95 ở mức 25.600 đồng/lít, E5 ở mức 24.620 đồng. So với cuối tháng 6, hiện mỗi lít xăng A95 giảm gần 7.300 đồng, xăng E5 giảm khoảng gần 6.700 đồng.

  https://m.cafef.vn/gia-dau-tho-lao-doc-gan-11-trong-tuan-cham-day-6-thang-2022080708445668.chn
Khánh Vy
  • giá dầu thô
  • giá xăng dầu
  • phiên giao dịch
  • nhà sản xuất
  • nước xuất khẩu
  • bảo vệ môi trường
  • Giá xăng dầu bán lẻ
  • dầu thô
  • OPEC+
  • Liên minh châu Âu
  • nguồn cung khan hiếm
  • suy thoái
  • giá xăng nhập
  • thuế bảo vệ môi trường

Nhịp sống kinh tế