Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Giá dầu trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất trong năm nay

Kinh tế 08/12/2022 - 18:54

Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,18 USD (2,8%) xuống 77,17 USD/thùng, trong khi mức đóng cửa thấp nhất của năm ngoái là 78,98 USD/thùng được ghi nhận vào ngày đầu tiên của năm 2022.

Giá dầu trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất trong năm nay - ảnh 1 Giá dầu trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất trong năm nay. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 7/12, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay và đánh mất toàn bộ đà tăng sau xung đột tại Ukraine.

Đà giảm của giá dầu diễn ra sau khi Mỹ công bố dự trữ nhiên liệu tăng cao hơn dự kiến. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng 6,2 triệu thùng, vượt xa ước tính tăng 2,2 triệu thùng.

Lượng xăng tồn kho cũng tăng 5,3 triệu thùng, cao hơn nhiều so với ước tính tăng 2,7 triệu thùng trước đó.

Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,18 USD (2,8%) xuống 77,17 USD/thùng, trong khi mức đóng cửa thấp nhất của năm ngoái là 78,98 USD/thùng được ghi nhận vào ngày đầu tiên của năm 2022.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,24 USD xuống 72,01 USD/thùng, một trong những mức thấp nhất trong năm.

[Giá dầu Brent lần thứ hai xuống dưới ngưỡng 80 USD mỗi thùng trong năm]

Hồi tháng Ba, giá dầu đã tăng lên xấp xỉ 140 USD/thùng, gần với mức cao chưa từng có trong lịch sử, sau khi Nga tiến hành dịch đặc biệt tại Ukraine. Giá “vàng đen” đã giảm dần trong những tháng cuối năm khi các nhà kinh tế dự báo về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, một phần do chi phí năng lượng tăng cao.

Đà giảm của giá dầu gần đây đang đi ngược với những nhân tố hỗ trợ cho giá mặt hàng này. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã công bố những thay đổi sâu rộng đối với chính sách kiểm soát dịch COVID-19.

Số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11/2022 đã tăng 12% so với một năm trước đó lên mức cao nhất trong 10 tháng.

Bên cạnh đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bắt đầu thực hiện chính sách áp giá trần để hạn chế xuất khẩu dầu của Nga. Động thái này có thể làm giảm sản lượng dầu của Nga trong năm tới.

Tuy nhiên, ông Claudio Galimberti, quan chức cấp cao của công ty tư vấn Rystad Energy, cho rằng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn trên thị trường và sản lượng dầu thô tại Nga có thể không giảm nhiều như dự kiến trước đó.

Hơn nữa, lời cảnh báo từ các ngân hàng lớn của Mỹ về khả năng xảy ra suy thoái vào năm tới vẫn có sức nặng đối với thị trường./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)