Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới thám hiểm Mặt trăng

Khoa Học 30/12/2022 - 20:42

Tàu thăm dò Mặt Trăng Danuri của Hàn Quốc đã ổn định trước tác động từ trọng lực của Mặt Trăng và bắt đầu quay theo quỹ đạo hành tinh này hôm 27/12.

Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới thám hiểm Mặt trăng - ảnh 1 Tên lửa Falcon 9 mang theo tàu thăm dò Danuri của Hàn Quốc được phóng từ Trạm vũ trụ Cape Canaveral ở Florida, Mỹ ngày 5/8/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tàu thăm dò Mặt trăng do Hàn Quốc tự chế tạo đã di chuyển thành công vào quỹ đạo Mặt trăng trong ngày 27/12. Sự kiện đã cho phép Hàn Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một cường quốc toàn cầu về chinh phục vũ trụ.

Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông (MSIT) cùng Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) cho biết hôm 28/12 rằng tàu Danuri, còn được gọi là Tàu quỹ đạo Mặt trăng Người tìm đường của Hàn Quốc, đã bị hút bởi lực hấp dẫn của Mặt trăng.

Con tàu hiện đang hoạt động ổn định quanh quỹ đạo Mặt trăng, ở khoảng cách 100km so với bề mặt thiên thể này. Nó hoàn thành một vòng bay quanh quỹ đạo sau mỗi hai giờ.

Kết quả này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới khám phá Mặt trăng, sau Nga, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ. Giới chức Hàn Quốc đã lập tức lên tiếng ca ngợi sự kiện.

“Tàu Danuri rời Trái đất 145 ngày trước đã đi vào quỹ đạo của Mặt trăng thành công," Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol viết trên mạng xã hội Facebook. Đây là một khoảnh khắc lịch sử, cho thế giới thấy sự xuất sắc của công nghệ khoa học và vũ trụ Hàn Quốc, đánh dấu bước nhảy vọt (của Hàn Quốc) lên vị trí 1 trong 7 cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới." Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà nghiên cứu đã chịu trách nhiệm phát triển tàu Danuri.

[Tàu vũ trụ của Hàn Quốc sẽ bay vào quỹ đạo của Mặt Trăng]

Tàu Danuri được tên lửa đẩy Falcon 9 của công ty SpaceX phóng lên vũ trụ từ bãi phóng Cape Canaveral ở Florida vào ngày 5/8/2022. KARI ban đầu lên kế hoạch thực hiện 5 thao tác đi vào quỹ đạo Mặt trăng (LOI), để giảm tốc độ của Danuri từ khoảng 8.000 km/h xuống còn 5.800 km/h.

Tuy nhiên, ngay khi Danuri thực hiện thao tác đầu tiên vào ngày 17/12, KARI đã thu được dữ liệu cho thấy con tàu đang hoạt động ổn định. Do đó, KARI quyết định bỏ qua 4 thao tác còn lại, giúp con tàu tiến vào quỹ đạo ổn định của Mặt trăng sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Theo KARI, Danuri sẽ thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong khoảng một năm, tính từ tháng 2/2023, sau khi kết thúc hoạt động thử nghiệm trong tháng 1. Các nhiệm vụ của tàu bao gồm tìm địa điểm hạ cánh trên Mặt trăng, đo từ trường và tia gamma cũng như thử nghiệm liên lạc Internet trong không gian.

Dựa trên dữ liệu khoa học được gửi đi từ Danuri, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét việc phóng một module đổ bộ xuống Mặt trăng vào năm 2032, thông qua việc sử dụng tên lửa vũ trụ được phát triển trong nước. Đất nước này cũng đang xem xét khả năng thám hiểm sao Hỏa vào năm 2045.

Trong ngày thông báo sự thành công của tàu Danuri, bộ trưởng MSIT cũng đã thông báo cho Tổng thống Yoon về các kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp vũ trụ của Hàn Quốc trong năm 2023.

Theo đó, để Cơ quan hàng không vũ trụ Hàn Quốc có thể bắt đầu hoạt động từ nửa sau năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc sẽ vận động để triển khai một dự luật đặc biệt liên quan đến việc thành lập cơ quan quản lý hàng không quốc gia.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ thành lập một quỹ trị giá 50 nghìn tỷ won (39 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp nội địa trong lĩnh vực hàng không, không gian. MSIT sẽ hợp tác với các công ty tư nhân nội địa để phát triển tên lửa đẩy Nuri trong nửa đầu năm tới, cũng như việc phát triển các phương tiện phóng vào không gian thế hệ tiếp theo./.

Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới thám hiểm Mặt trăng - ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong-ho báo cáo với Tổng thống Yoon Suk-yeol về hoạt động của tàu thăm dò Mặt trăng Danuri. (Nguồn: Korea Times)
(Vietnam+)