Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Ngợi ca Linh giới

Văn hoá 04/10/2022 - 11:31

Triển lãm hội hoạ Ngựa. Ngựa-Người. Người- Ngựa bao gồm 63 tác phẩm hội hoạ giá vẽ chất liệu bút chì màu trên giấy của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp. Những tác phẩm này được tác giả thực hiện từ 2014 đến 2022, là một nhánh nghệ thuật ông đã dày công xây dựng, lần đâu tiên công bố với công chúng yêu nghệ thuật.

Triển lãm khai mạc lúc 16h30 ngày 2/10 tại Không gian nghệ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến ngày 9/10/2022.
Sải vó trên cánh đồng thời gian
ngựa hoang cất tiếng ngợi ca Thần thánh
là lúc trút lốt vật thành Người
kẻ săn tìm nó
nhặt bộ da bỏ lại
khoác lên mình
lại sải vó… tìm tiếng ca…
(Khuyết danh)
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Ngợi ca Linh giới - ảnh 1 Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp
Loạt tranh bút chì màu trên giấy với chủ đề: Ngựa. Ngựa-Người. Người- Ngựa bắt đầu từ năm 2014 tới 2022 là một nhánh nghệ thuật khác lạ của hoạ sĩ Nguyễn XuânTiệp. Hình tượng Ngựa đã từng xuất hiện thấp thoáng trong các chất liệu khác, lần nàyđược Tiệp tập trung khai thác cùng hình tượng Người ở nhiều góc nhìn: Thuần tính thú, lai tạp, hợp nhất tính Người.
Trong các chất liệu: Giấy dó, acrylic, sơn dầu… không gian tranh của Tiệp luôn được tạo dựng bằng việc thẩm thấu, trôi chảy, hòa quyện. Ở chất liệu chì trên giấy, “thể sương của Nguyễn Xuân Tiệp”(*) lại được tạo nên bằng sự chồngnhiều lớp bởi vô số nét vẽ với nhiều trạng thái của nét. Những bức họa này là kết quả của việc: Tiệp có rất nhiều nhánh sáng tạo song hành vốn là căn cốt ông trên hành trình nghệ thuật. Chúng có thể khởi từ rất lâu, được ông nuôi dưỡng để thực hành nghệ thuật theo dòng thời gian. Tiệp dùng nghệ thuật để phù sinh.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Ngợi ca Linh giới - ảnh 2 “Ngựa. Ngựa-Người. Người- Ngựa” (số 4). 2014. Chì màu trên giấy.  21 x 29,5 cm
Ngựa trong tranh Tiệp đến từ đâu? Tiệp nói: Ngựa đến từ văn chương phim ảnh, qua bộ lọc cảm tính, được tạo hình bởi cảm quan đặc biệt của Tiệp khi bắt được những biểu hiện nhân tính của Ngựa. Không chỉ là sự yêu thích cá nhân, Ngựa đã được Tiệp tạo dựng thành hình tượng có cấu trúc dị biệt, biến ảo. Tiệp càng vẽ, Ngựa càng thoát khỏi giới hạn hình ảnh xác động để bước sang những không gian huyền nhiệm, mang nhiều trạng thái hình dong và tâm lý của Người hơn.
Người trong tranh Tiệp đến từ đâu? Người vốn sẵn có trong tâm trí Tiệp. “Ngựa. Ngựa - Người. Người - Ngựa” đến từ ba cảnh giới “Thiên giới”, “Hạ giới”, “Địa phủ”, những cõi tinh thần Tiệp trụ lại bấy lâu nay nhờ việc vẽ.
***
Chì trên giấy là chất liệu cơ bản. Người mới vẽ hay vẽ lâu đều dùng chì để sơ phác, ghi chép, hoặc đẩy sâu nghiên cứu. Vẽ chì trở thành tác phẩm là một việc khó bởi đặc tính: rất chi tiết để tạo tổng thể, hành vi vẽ đều đặn từng chặng dễ làm người ta “buồn ngủ”, muốn thể hiện sự mất cân bằng người vẽ vẫn phải cân bằng,… dẫn đến bỏ cuộc hoặc vội vàng kết thúc. Trong khoa học tạo hình phương Tây mặc dù việc đẩy sâu chất liệu chì đã có bề dày thời gian nghiên cứu, hệ thống lý thuyết, có công thức thực hành nhưng số lượng nghệ sĩ có phát hiện mới, cống hiến thêm ở vùng chất liệu này là số ít.
Tiệp có cách vẽ chì gần với thao tác của một người thợ thêu phương Đông: Từng nét luôn được kiểm soát, nét tạo nên mảng nhưng vẫn giữ sự độc lập, chi tiết tạo nên tổng thể. Xem thật gần các nét như tóc tơ rõ ràng, lúc đều đặn khó ngờ, lúc rối bời hoang hoải. Xem bao quát các lớp lưới nét theo mảng tạo hình chủ định hòa sắc, phân định các tầng gần xa. Các vùng tạo hình còn được nhân lên trong trạng thái “nhắc lại hoàn hảo” vốn là bè trầm của nhịp điệu bố cục, bộc lộ sự "tĩnh" trong "động" ở Tiệp. Vượt xa tính thợ là không gian trong veo chứa đựng mọi trạng thái tinh thần mà Tiệp muốn biểu hiện. Mật độ của nét, kết cấu mảng, lớp lưới nét là ba yếu tố tạo nên sự vận động của "khí" trong loạt tranh này. Đó chính là điều Tiệp đã cống hiến cho chất liệu chì, ông thoát khỏi sự tự giới hạn ở hành vi “drawing”.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Ngợi ca Linh giới - ảnh 3 “Ngựa. Ngựa-Người. Người- Ngựa” (số 30). Tranh Nguyễn Xuân Tiệp, 2015, chì màu trên giấy, 42 x 29,7 cm
Kích thước của loạt tranh này bao gồm nhiều kích cỡ: A4, A3, A1, A0 và lớn hơn nữa. Khuôn khổ tăng dần theo nhu cầu sáng tạo của Tiệp là điều làm ta hiểu rõ cách ông phát triển dòng chảy ý tưởng, phương pháp thực hành để vượt thoát sự ghi chép, vượt thoát không gian cũ.
Khi vẽ chì trên diện tích giấy lớn, tư thế vẽ của Tiệp buộc phải: Vững chắc dưới chân, thân trên vận động, cổ tay linh hoạt, trụ bằng ngón út. Đây là một tư thế vẽ không tự nhiên, khó khăn, nếu khôngcó sự luyện tập dày công hoặc cá nhân phù hợp. Ông đã thiết lập được một hệ thống thực hành riêng biệt cho chì trên giấy, rất có thể còn mở ra một hướng khác cho ý tưởng khác.
***
Mặc dù trước giấy trắng tinh khôi, trước những hoạch định khoa học,Tiệp trong tĩnh tại luôn tôn trọng dấu chỉ tâm linh để gìn giữ mối liên hệ với cõi khác đã cho ông sự sáng tạo. Tâm linh và thực tế là các chiều không gian người làm nghệ thuật đắm chìm để khai thác. Trong quá khứ, Hieronymus Bosch (danh họa Hà Lan, thế kỷ 15-16) với trí tưởng tượng kỳ bí cũng đã tạo nên một vũ trụ thần quyền trong toàn bộ các tác phẩm của mình bằng cách nhìn sự vật ba chiều ở nhiều lớp không gian.
Ở hiện tại, Tiệp cũng tạo nên không gian thần quyền ẩn mật kiểu khác. Thần xuất hiện trong tranh Tiệp rõ ràng chi tiết cấu trúc ở góc nhìn hai chiều, cách nhìn của tạo hình cổ điển Đông phương. Thần có thể mang tính Nữ, mang tính Thú, mang tính Người, biểu lộ quyền lực chi phối toàn bộ không gian của tranh. Thần đồng hiện là lý do thỏa đáng để Ngựa có thể thành Người và ngược lại…
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Ngợi ca Linh giới - ảnh 4 “Ngựa. Ngựa-Người. Người- Ngựa” (số 50) - (Thiên giới, Hạ giới, Địa phủ). Tranh Nguyễn Xuân Tiệp, 2015 - 2019, chì màu trên giấy, 78,7 x 109,5 cm
Dù mô tả Thần ở cõi nào thì Tiệp luôn bày ra một không gian nảy nở, trong trẻo để người xem có thể nhìn thấy từ lúc khởi đầu cho tới khi Tiệp kết thúc nó.
Ông tin vào Linh giới để tạo tinh thần mình. Thẳm sâu trong Tiệp là tâm hồn trẻ thơ đã và đang hiện hữu nhờ nghệ thuật. Điều này giúp ông phân tách, lọc bỏ tạp niệm hoang tưởng, chỉ giữ lại sự trong lành.