Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Khiêu vũ với bầy ong

Khoa Học 01/12/2022 - 06:28

"Người ta mê các vũ điệu samba, rumba còn tôi lại bị mê hoặc bởi vũ điệu của ong", tiến sĩ Nguyễn Quang Tấn của trường Đại học Nông lâm TP.HCM thừa nhận.

Khiêu vũ với bầy ong - ảnh 1 Phóng to

Như là một người si tình, tiến sĩ Nguyễn Quang Tấn đã theo chân đàn ong từ mùa hoa nhãn ở miền Tây đến mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên với mục đích: trị bệnh cho đàn ong và tăng năng suất cũng như chất lượng mật.

"Người ta mê các vũ điệu samba, rumba còn tôi lại bị mê hoặc bởi vũ điệu của ong", tiến sĩ Nguyễn Quang Tấn của trường Đại học Nông lâm TP.HCM thừa nhận.

Về nước chưa được một năm mà anh đã xuôi ngược khắp nơi. Lúc ở trường tham gia giảng dạy nghiên cứu, khi xuống Vĩnh Long hướng dẫn kỹ thuật mới cho nông dân, thoắt cái lại thấy anh ở rừng U Minh "săm soi" đàn ong từ Campuchia di tản qua... Anh mê đàn ong và cũng chăm chỉ không kém nó.

Bác sĩ của ong

Học chuyên ngành bác sĩ thú y nhưng mê ong nên anh tập trung nghiên cứu sâu về loài động vật nhỏ bé nhưng nổi tiếng chăm chỉ này. “Người ta mê các vũ điệu samba, rumba còn tôi lại bị mê hoặc bởi vũ điệu của ong. Khi cần phải truyền tin cho nhau thì chúng... múa, mỗi thông tin là một điệu múa khác nhau và chúng tuyệt vời không kém gì các điệu múa của con người”, anh cười cho biết vì sao anh mê ong đến như vậy.

Mê ong, mê vũ điệu ong nên khi thấy những “vũ sư” này đau ốm, bệnh tật, không còn nhảy múa hay thậm chí bị chết khiến anh xót cả lòng. Thế là anh kiêm luôn việc nghiên cứu cách chữa trị cho chúng. Con ong cũng thật lắm bệnh, hết bị chí rận lại đến tiêu chảy rồi chết non. Nhiều lúc bệnh phát thành dịch, cũng lây lan làm ong chết hàng loạt.

Anh nhớ lại: “Những năm 80, ong bị dịch ve ký sinh mà dân gian gọi nôm na là bị chí, gây ảnh hưởng đến năng suất, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu”. Lúc đó, mới chỉ là cậu sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng thương con ong, anh đã bắt đầu tìm tòi nghiên cứu cách chữa trị bệnh này cho chúng.

Nhưng trị bệnh cho ong cũng không phải là dễ. Anh phải liên tục di chuyển theo chúng, hết mùa hoa nhãn miền Tây lại qua mùa hoa cà phê Tây Nguyên. Ong đi đâu, anh theo đó như một chàng trai si tình, ăn ở luôn cả trong rừng. Theo đuổi cả thời sinh viên, ra trường lại tiếp tục nghiên cứu, ròng rã thêm mấy năm nữa, cuối cùng năm 1989 anh cũng đã tìm ra được biện pháp chữa trị.

“Nghiên cứu ong, nghiên cứu cả nguồn gây bệnh, tôi tìm ra được rằng loại ve ký sinh này lúc còn nhỏ không thể sống thiếu ấu trùng và nhộng ong quá 3 ngày. Từ đó tôi nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm, tài liệu trong và ngoài nước để tìm cách thức tạo ra một giai đoạn thời gian đàn ong không có ấu trùng và nhộng trong 3 ngày để ve chết đói”, anh giải thích.

Bạn của người nuôi ong

Sau khi báo cáo và nghiệm thu đề tài ở trường xong, anh bắt đầu chuyển giao kỹ thuật này cho bà con nông dân, hiệu quả đạt được khá cao. Năm 1992, Thái Lan mời anh qua báo cáo đề tài và hướng dẫn cách chữa trị cho nông dân của họ. Đây cũng là khoảng thời gian anh có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài và cùng làm việc với các chuyên gia Hà Lan mà theo như anh tự nhận: “Đó là bước ngoặt của cả cuộc đời tôi”.

Anh chia sẻ: “Tôi học được cách làm việc, nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp của các chuyên gia nước ngoài. Thời gian này tôi bắt đầu tham gia các khoá huấn luyện ngắn hạn, dự các hội nghị khoa học, tiếp thu các công nghệ mới. Chúng thực sự bổ ích cho tôi”. Anh nghiên cứu, đúc tỉa kinh nghiệm và lần lượt cho xuất bản các sách về Nuôi ong Ý ở miền Nam Việt Nam và hiệu quả kinh tế năm 1992, Nuôi ong nội điạ ở miền Nam Việt Nam và hiệu quả kinh tế năm 1994 và hàng loạt ấn phẩm tương tự xuất bản ở nước ngoài.

Càng đi, học được nhiều, anh càng cảm thấy chưa đủ. Thế là năm 1995 anh lấy học bổng học thạc sĩ khoa học nông nghiệp ở Malaysia. Mục đích là để lý giải vì sao nguồn nuôi ong ở Việt Nam dồi dào mà sản lượng mật xuất khẩu còn rất ít, chưa được thế giới chấp nhận. Và khi về nước anh đi đến từng nơi, tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho người nuôi ong, từng bước nâng cao chất lượng.

Năm 2002, giá mật tăng từ 1 lên 2 USD/kg, xuất khẩu vượt qua con số 15.000 tấn (so với năm 1988 là 1.000 tấn). Khi đó anh mới tạm yên tâm và tiếp tục lấy bằng tiến sĩ về sinh học và môi trường tại ĐH Oxford, cũng chuyên về ong (đã hoàn tất và về nước vào tháng 8 năm ngoái).

Sắp tới, anh đang có một lịch làm việc khá dày với các dự án tiếp tục nghiên cứu về các bệnh của ong, đưa biện pháp kỹ thuật mới nuôi ong bằng thùng nhiều tầng nhằm tăng năng suất vào thực tế. Và tiếp tục cho sự nghiệp “trồng người, đào tạo một lớp trẻ kế thừa”, cũng là một phần trong kế hoạch làm việc của anh tiến sĩ trẻ Nguyễn Quang Tấn.