Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình

Chuyện lạ 02/10/2022 - 20:19

Do am hiểu đa số phong cách nội thất và có nhiều ý tưởng, kiến trúc sư luôn phải tiết chế để không biến nhà mình thành một "nồi lẩu thập cẩm".

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 1

Ngay cả kiến trúc sư cũng có những khó khăn và bối rối riêng khi tự thiết kế nhà ở.

Kiến trúc sư là những người am hiểu về kiến trúc, nội thất, lại có gu thẩm mỹ riêng. Bởi vậy, không ít người cho rằng với kinh nghiệm làm nghề, quá trình tự thiết kế nhà của họ sẽ đỡ vất vả, gian nan hơn những người khác.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, kiến trúc sư cũng có những bối rối riêng khi tự thiết kế căn nhà của chính mình. Dưới đây, Zing chia sẻ lại câu chuyện của 3 nhân vật như vậy về quá trình hoàn thiện không gian sống của họ.

'Tham' nhiều phong cách, chi tiết
Đoàn Mạnh (Hà Nội)

Kiến trúc sư tự thiết kế nhà của mình chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế. Có sẵn gu thẩm mỹ cùng kinh nghiệm, tôi dễ dàng chọn lựa, kết hợp đồ nội thất, trang trí sao cho phù hợp với căn nhà.

Nhưng cũng vì am hiểu nhiều phong cách nội thất, tôi gặp khó khăn khi phải lựa chọn đâu là thứ mình thích nhất. Tôi tự nhắc bản thân không được tham lam nhiều vật liệu, màu sắc, nếu không ngôi nhà sẽ giống như một nồi lẩu thập cẩm.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 2
Căn hộ 60 m2 được thiết kế theo phong cách hiện đại, sử dụng tông màu xanh bạc hà tươi mát.

Đặc biệt, diện tích căn hộ của bản thân khiêm tốn, chỉ khoảng 60 m2 buộc tôi càng phải tiết chế hơn.

Chi phí có hạn cũng là yếu tố khiến tôi phải cân nhắc kỹ từng món đồ trước khi mua. Tôi chỉ có ngân sách cho nội thất khoảng 300 triệu, đành mua sắm đồ dần dần chứ chưa thể mua ngay tất cả những gì mình thích.

Sau khi cân nhắc, tôi lựa chọn tông màu chủ đạo là trắng giúp căn hộ thêm rộng rãi và tạo điểm nhấn bằng màu xanh bạc hà tươi mát. Kệ tivi đồng thời là kệ trưng bày nên vừa tiết kiệm diện tích, vừa có không gian lưu trữ. Ngoài ra, tôi kết hợp thêm những món đồ như thảm trải sàn họa tiết, gương lớn, tranh và cây cối giúp không gian sinh động hơn.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 3 Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 4
Từng góc nhỏ đều mang dấu ấn riêng và có sự liên kết về màu sắc.

Muốn thử nghiệm, song ngân sách hạn chế
Tuấn Nguyễn (Hà Nội)

Căn hộ gác lửng của tôi chỉ rộng 28 m2, nằm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi cải tạo, tôi cùng đồng nghiệp lên ý tưởng và triển khai bản vẽ. Kinh nghiệm làm việc của một kiến trúc sư giúp tôi nắm rõ từng ngóc ngách trong nhà, biết được các vấn đề cần khắc phục cũng như điểm nổi bật của không gian.

Tuy đã có kiến thức và kinh nghiệm, tôi vẫn mất khá nhiều thời gian ở khâu thiết kế.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 5
Căn hộ Pháp cổ được Tuấn Nguyễn cải tạo thành nơi sinh hoạt và làm việc.

Với tôi, tự thiết kế nhà là một dịp để kiến trúc sư thử nghiệm các ý tưởng mới như vật liệu, hình khối, hiệu ứng thị giác... Đây là điều khá xa xỉ khi thiết kế nhà cho khách, bởi thử nghiệm có thể dẫn đến bất tiện hoặc thiệt hại cho khách hàng, phải sửa chữa, đền bù, thậm chí làm mất uy tín của công ty.

Trái lại, khi thiết kế nhà của mình, tôi có thể tự do thử các ý tưởng mới. Nếu gặp rủi ro, tôi cũng sẵn sàng đón nhận và lên phương án sửa chữa.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 6 Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 7
Căn hộ ngập tràn ánh sáng tự nhiên, đồ nội thất đơn giản nhưng được chọn kỹ lưỡng.

Cũng vì "thích đủ thứ" và muốn thử nhiều nên quá trình chọn lựa của tôi không thể nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, vì ngân sách không quá dư dả, tôi đành từ bỏ một số ý tưởng và đợi cơ hội được thử ở những công trình khác.

Với căn hộ này, tôi chia thành 3 khu vực chính với chức năng riêng biệt, gồm không gian mở (phòng khách, bàn ăn), khu vực cá nhân (phòng ngủ ở gác lửng) và không gian phụ (bếp, WC và phòng tắm). Ba khu vực này được liên thông với nhau, không có sự cản trở nào nên nắng và ánh sáng có thể vào sâu mọi ngóc ngách.

Ngoài ra, tôi kết hợp cây xanh với tone xám trắng, vật liệu bê tông và gỗ để tạo cảm giác tối giản nhưng vẫn ấm cúng. Chi tiết đặc sắc nhất của căn hộ là lò sưởi và ống khói từ thời Pháp. Nó được tôi giữ gìn và bảo vệ trong suốt quá trình cải tạo.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 8
Chi phí cải tạo căn hộ rơi vào khoảng 200 triệu đồng.

Áp lực kỳ vọng từ người khác
Trần Đình Pho (TP.HCM)

Căn hộ của tôi rộng 150 m2, nằm tại quận 7, TP.HCM. Với kinh nghiệm và chuyên môn sẵn có, quá trình thiết kế và thi công căn hộ của tôi được rút ngắn đáng kể.

Lợi thế rõ ràng nhất là tôi có thể dễ dàng cảm nhận không gian, hình dung được chất liệu và dự toán ngân sách tương đối chính xác. Hiểu rõ quy trình làm việc cũng giúp tôi tiết kiệm được thời gian thi công. Ngoài ra, vì đã làm việc với nhiều nhà cung cấp nên tôi có thể tham khảo nhiều nơi và mua đồ với một mức giá tốt.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 9
Căn hộ duplex được thiết kế theo phong cách hiện đại.

Khó khăn của tôi chủ yếu là do bản thân có yêu cầu cao với từng chi tiết. Thêm vào đó, kiến trúc sư tự thiết kế nhà còn bị áp lực bởi những kỳ vọng của người ngoài nên tôi càng không muốn căn hộ của mình giống với những công trình từng hoàn thiện trước đó.

Để giúp không gian mới lạ hơn, tôi đã tạo điểm nhấn bằng một chiếc cầu thang xoắn độc đáo. Thi công chiếc cầu thang này đòi hỏi tôi phải thay đổi mặt bằng của căn hộ.

Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 10
Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 11 Kiến trúc sư cũng bối rối khi thiết kế nhà mình - ảnh 12

Chiếc cầu thang xoắn là điểm nhấn tốn nhiều thời gian và tâm huyết của KTS.

Đặc biệt, quá trình đập bỏ chiếc cầu thang cũ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mặc dù đã che chắn kỹ, việc đục bỏ cũng làm ảnh hưởng đến các nhà bên cạnh vì rất ồn và bụi. Cuối cùng, chiếc cầu thang đúng như kỳ vọng của tôi và là điểm nhấn độc đáo cho căn hộ.