Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Lao động thời vụ dịp Tết rao đầy, người lao động không màng

Giới trẻ 05/12/2022 - 03:39

TTO - Nhiều bản tin tuyển dụng, trang mạng xã hội các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh liên tục đăng tin tìm lao động thời vụ đi làm ngay, nhưng vẫn khó tìm người.

Lao động thời vụ dịp Tết rao đầy, người lao động không màng - ảnh 1

Người lao động tìm việc làm ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Trong khi lao động chính tại một số công ty bị giảm giờ làm, không tăng ca vì thiếu đơn hàng, một số chủ lao động chỉ tuyển nhân công thời vụ. Tuy vậy, việc tìm người mới không hề dễ dàng.

Trên trang Facebook của Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), tài khoản Giang Ngô ghi rõ lương cơ bản làm thời vụ hơn 5 triệu đồng/tháng, kèm hứa hẹn tăng ca, phụ cấp thêm, xăng xe… nhưng phản hồi rất ít. 

Trên trang Việc làm Khu công nghiệp Khắc Niệm (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), có rất nhiều bài đăng tuyển công nhân thời vụ với số lượng lớn, chỉ cần căn cước công dân gốc là đi làm ngay, thậm chí còn thưởng giới thiệu người làm với mức 300.000 đồng/công nhân. Tuy nhiên, do chỉ tuyển thời vụ vài tháng, rất ít người hứng thú.

Trong khi đó, tài khoản Diễm Quỳnh đăng bài viết tìm công việc ở Khu công nghiệp Quang Châu, chưa đầy một giờ, có 69 lời mời nhưng phần lớn là việc thời vụ. Tương tự, nick Tiên Bé tìm việc cho hai lao động nữ, khoảng 130 lời mời làm việc nhưng cũng chỉ tuyển thời vụ, không tuyển chính thức.

Lao động thời vụ dịp Tết rao đầy, người lao động không màng - ảnh 2

Một thông báo tìm việc thời vụ trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Theo T.T.L. - nhân viên tuyển dụng tại Bắc Ninh, phần lớn công ty chỉ tuyển thời vụ để bù đắp cho số lao động nghỉ việc. Nếu muốn có việc lâu dài, lao động phải đợi đầu năm sau.

"Cuối năm, các công ty không muốn tuyển chính thức để bớt tiền thưởng lễ Tết, thuế, bảo hiểm", L.H.N. - nhân viên tuyển dụng ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) - cho hay.

Nguyễn Huyền Vũ - một lao động lâu năm ở Khu công nghiệp Quang Minh - chia sẻ từng làm thời vụ tại nhiều công ty trước khi làm chính thức. Vũ cho biết lao động thời vụ làm trực tiếp cho công ty và làm qua nhà thầu tuyển dụng.

"Làm thời vụ cũng thuận lợi là đi làm ngay, lĩnh lương theo tuần, theo tháng. Tuy vậy, chế độ bảo hiểm xã hội, khen thưởng, chế độ thâm niên không có. Thiệt thòi nhất là không được làm thêm cuối tuần và có thể bị cho nghỉ bất cứ lúc nào nếu công ty hết việc.

Nếu làm qua công ty còn đỡ, còn làm qua nhà thầu thì lương và các chế độ sẽ bị ăn bớt, nhất là lương làm thêm giờ cuối tuần, nên lương không bao giờ bằng lương người làm chính. Có người còn bị nhà thầu quỵt tiền khi nghỉ việc, dù nghỉ đúng ngày. Vì vậy, tôi đi tìm việc lâu dài ở công ty", Vũ bộc bạch.

Còn Lương Ánh Phương (25 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết dù nộp hồ sơ được nửa tháng nhưng vẫn chưa có việc chính thức ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Theo Phương, các công ty chỉ có 1-2 đợt tuyển công nhân chính thức mỗi năm, thường sau Tết hoặc giữa năm nên cô chấp nhận làm công nhân thời vụ rồi tìm cơ hội sau.

Tại sao doanh nghiệp tăng tuyển lao động thời vụ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Sơn - giám đốc vận hành toàn quốc, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động (ManpowerGroup Việt Nam) - cho biết khảo sát trên 100 nhà tuyển dụng thuộc 21 ngành nghề vừa qua cho thấy 45% doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn trong 6 tháng cuối năm 2022.

Theo ông Sơn, doanh nghiệp tăng tuyển lao động thời vụ do muốn đảm bảo chi phí vận hành ở mức tối thiểu, trường hợp có đơn hàng đột xuất thì vẫn có thể đáp ứng nhu cầu.

Trường hợp kinh tế bị ảnh hưởng kéo dài, doanh nghiệp có thể dừng sử dụng nhóm này. Điều này tránh trường hợp doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn và giảm thiểu thiệt hại đến thương hiệu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động có nhiều cơ hội việc làm thời vụ, ngắn hạn, linh hoạt hơn.

"Thực chất, việc sử dụng lao động thời vụ, ngắn hạn đã có tại Việt Nam một vài năm, đặc biệt trong khối sản xuất. Qua trao đổi với một số khách hàng, công ty có thể giảm được 30% chi phí vận hành cho nguồn nhân lực", ông Sơn nhấn mạnh.