Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Miền Trung tự làm mới để đón sóng đầu tư nước ngoài

Kinh tế 01/06/2023 - 00:23

Đã đến lúc các địa phương miền Trung cần chủ động tự làm mới để có hướng đi riêng hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Miền Trung tự làm mới để đón sóng đầu tư nước ngoài - ảnh 1 Miền Trung tự làm mới để đón sóng đầu tư nước ngoài - ảnh 2

Chủ động “làm mới”

Các địa phương miền Trung nhìn nhận rõ sự tương đồng về điều kiện phát triển có thể là lợi thế cho khu vực, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với từng địa phương trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Giải pháp thực tế nhất hiện nay là các địa phương phải tự “làm mới”, lựa chọn chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp.

Định hướng trên đã được UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện khi xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó, chiến lược rõ nét nhất của tỉnh này là xây dựng lộ trình để tạo ra sự khác biệt với các địa phương khác. Đặc biệt, tỉnh xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên thu hút, cách tiếp cận nhà đầu tư, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan để tạo nên môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Với Bình Định, ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho rằng, các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng rất trông đợi vào quy hoạch của các địa phương, bởi quy hoạch giúp họ nhận diện rõ điều kiện cần trước khi tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Quy hoạch tỉnh vừa công bố đã định hướng rõ những ngành kinh tế mũi nhọn mà địa phương cần phát triển, qua đó giúp nhà đầu tư nhìn nhận rõ tính hiệu quả khi lựa chọn đầu tư vào địa phương.

“Riêng Khu kinh tế Vân Phong, Quyết định điều chỉnh quy hoạch của Chính phủ mở ra hàng loạt cơ hội đầu tư. Với định hướng là một khu kinh tế phát triển tổng hợp, Vân Phong có sức hút lớn với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài” ông Hoàng nhìn nhận.

Theo kế hoạch, thời gian tới, hàng loạt địa phương khu vực miền Trung sẽ công bố quy hoạch. Dự kiến từ ngày 26 đến 28/5, Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Hiện tại, sức hút về sự quan tâm của nhà đầu tư đến sự kiện này rất lớn.

Lĩnh vực nào hút vốn?

Gần đây, các địa phương miền Trung liên tục đón nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, một số địa phương đã cấp phép những dự án lớn. Trong tình hình kinh tế đang gặp không ít khó khăn, tín hiệu này mang lại “luồng sinh khí mới” cho các tỉnh miền Trung.

Gần đây nhất, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn. Với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy chuyên sản xuất tai nghe không dây, dây kết nối, sạc không dây, loa, đầu kết nối… tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (Nghệ An).

Nghệ An cũng cấp phép nhiều dự án quan trọng khác, như Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT (140 triệu USD); Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Goertek (500 triệu USD), Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD), Dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD)...

Trước đó, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, với vốn đầu tư 2 tỷ USD, quy mô 500 ha.

Cũng thời điểm này, UBND tỉnh Bình Định tiếp nhận đề xuất của Tập đoàn PNE (Đức) đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi, với công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD. Bình Định đang xem xét kiến nghị đưa Dự án vào quy hoạch và tiến hành xúc tiến để nhà đầu tư triển khai.

Thực tế trên thể hiện phần nào sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế với miền Trung trong một số lĩnh vực như sản xuất linh kiện, công nghiệp phụ trợ, năng lượng, hóa dầu…

Đánh giá sơ bộ về định hướng quy hoạch của một số địa phương miền Trung, có thể thấy, phần lớn các địa phương xác định ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghệ cao. Chẳng hạn, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn vào công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ...

Một lĩnh vực đầy tiềm năng mà các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm là logistics. Điểm mạnh của các địa phương miền Trung là kinh tế biển, các trục giao thông gắn liền với biển, hệ thống hạ tầng ven biển khá mạnh. Vì vậy, các địa phương đều đưa lĩnh vực logistics vào quy hoạch, nhất là các khu kinh tế ven biển.