Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Mức hình phạt nào hành vi sát hại người thân rồi dựng hiện trường giả?

Pháp Luật 05/10/2022 - 13:16

ANTD.VN - Những vụ giết chồng rồi dựng hiện trường giả như bị cướp, bị giang hồ sát hại…đã gây rúng động dư luận. Theo các chuyên gia pháp lý, đối tượng thực hiện hành vi này cần bị xử phạt thích đáng để đảm bảo tính răn đe.

Từ dựng chuyện tự tử đến “giang hồ” đòi nợ

Mới đây tại xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Trong lúc chồng ngủ trưa, đối tượng Trần Thị Hoanh (53 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước) đã dùng dao chuẩn bị sẵn đâm nhiều nhát vào đầu, ngực ông H. (51 tuổi) khiến ông này tử vong. Sau đó, Hoanh dựng chuyện bị giang hồ đòi nợ sát hại rồi đến cơ quan công an trình báo.

Tuy vậy, kết quả xác minh ban đầu của Phòng CSHS - Công an tỉnh Quảng Ngãi cho thấy bà Hoanh là người đâm ông H nhưng cố tình xóa dấu vết hiện trường và dựng chuyện. Nguyên nhân là do 2 vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã từ trước đó.

Cách đây không lâu tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra sự việc tương tự. Bị chồng đánh, Đào Thị Mình (39 tuổi) đã gọi điện cho người tình là Lý Văn Quân (48 tuổi, cùng trú tại huyện Ea Súp) lên kế hoạch giết chồng. Sau khi gây án, cả hai chở nạn nhân đến nơi rẫy vắng dựng lên hiện trường giả một vụ tự tử bằng hình thức treo cổ.

Mức hình phạt nào hành vi sát hại người thân rồi dựng hiện trường giả? - ảnh 1

Đào Thị Mình cùng người tình sau khi giết chồng đã dựng lên hiện trường giả một vụ tự tử

Ngày 15-9, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử sơ thẩm, vụ án hình sự đối với 2 bị cáo trên về tội “Giết người” và "Cướp tài sản". HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lý Văn Quân tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuyên phạt bị cáo Đào Thị Mình mức án chung thân về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Còn tại TP.HCM, do mâu thuẫn vợ chồng về chuyện nợ nần, đối tượng Trịnh Thị Vẽ (53 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế) đã dùng chày đánh liên tục vào chồng mình là ông N.V. B, rồi dùng dao chém ông B tới chết.

Để che giấu hành vi phạm tội, Vẽ đã giả danh bị hại viết 1 lá thư tuyệt mệnh để gần nơi bị hại chết. Sau đó, Vẽ gọi điện thoại thông báo cho con gái về việc có người lạ đột nhập vào nhà và sát hại ông B, đồng thời đứng trước nhà giả vờ khóc và tri hô để mọi người biết. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định Vẽ chính là hung thủ đã sát hại ông B. Tại phiên toà xét xử, Vẽ đã bị tuyên phạt mức án tù chung thân.

Cần xử lý nghiêm kẻ giết người còn dựng hiện trường giả

Hiện trường là nơi xuất hiện và tồn tại của vật chứng, dấu vết phản ánh tổng thể về vụ việc. Tại đây các dấu vết phản ánh chân thực nhất hành vi của tội phạm, hay một số diễn biến của vụ án. Vì vậy hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập các thông tin, tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc điều tra, làm rõ vụ việc.

Thông qua hiện trường, cơ quan điều tra có thể nhận định, đánh giá được tính chất của vụ án xảy ra, như về các hoạt động, hành vi của thủ phạm; Có thể xác định được công cụ, phương tiện mà thủ phạm sử dụng khi phạm tội - Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Còn dựng hiện trường giả là nơi thủ phạm cố ý sắp đặt tạo lập dấu vết sau khi gây án để đánh lạc hướng điều tra của cơ quan điều tra nhằm che đậy hành vi phạm tội của chúng. Trong đó, giả tạo hiện trường một vụ tự sát hoặc một vụ tai nạn giao thông để che giấu một vụ giết người chỉ là một trong rất nhiều dạng ngụy tạo hiện trường mà bọn tội phạm thường sử dụng .

Ngoài ra, đối tượng phạm tội còn có những dạng ngụy tạo khác như sau khi giết người thì đốt xác tạo ra hiện trường một vụ cháy hoặc sau khi giết người thì cắt rời thi thể nạn nhân ra làm nhiều phần rồi phi tang để xóa bỏ hiện trường với mong muốn sẽ đánh lạc hướng CQĐT và nhờ đó mà chúng thoát tội.

Mặc dù với trình độ khoa học kỹ thuật hình sự ngày càng phát triển như hiện nay, CQĐT có thể phát hiện ra hiện trường bị dàn dựng, song điều này cũng khiến lực lượng chức năng mất thêm thời gian và công sức để xác minh do các dấu vết thực tế đã bị xóa.

Trong các vụ giết người rồi dựng hiện trường giả, đối tượng thực hiện hành vi hành vi phạm tội thể hiện thái độ coi thường pháp luật, quyết tâm che giấu tội phạm đến cùng, tìm cách đánh lạc hướng nhằm “qua mặt” cơ quan tiến hành tố tụng nên thường bị áp dụng mức hình phạt khá nghiêm khắc là chung thân, thậm chí tử hình để đảm bảo tính răn đe – Luật sư Thu nhấn mạnh.