Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Nên có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp lớn?

Kinh tế 14/08/2022 - 10:53

Có nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng chưa thực sự mạnh. Bức tranh 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam công bố mới đây đưa ra nhiều thông điệp chính sách.

Nên có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp lớn? - ảnh 1
Nhóm nghiên cứu Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia công bố kết quả nghiên cứu về kết quả hoạt động của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500)

Những con số biết nói

Thống kê từ danh mục nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do nhóm nghiên cứu Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, có hơn 820 doanh nghiệp đã vào/ra danh mục này. Số doanh nghiệp có mặt trong VPE500 năm trước không có mặt trong năm sau đó là khoảng 18 - 20 doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF), biến động trong danh mục giữa các năm của VPE500 là khá lớn và có sự khác nhau giữa các ngành. Trong ngành khách sạn - nhà hàng, xây dựng, tỷ lệ rút khỏi danh mục VPE500 là trên 50%, nhưng với ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ khoảng 32,8%. Giá trị đầu tư ban đầu, chu kỳ đầu tư cùng tính ổn định của thị trường của 2 lĩnh vực khác nhau là nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Cũng theo ông Thắng, “phép thử” từ Covid-19 cho thấy, VPE500 không có sức chống chịu tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân. Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VPE500 trong 3 năm trở lại đây có chung xu hướng giảm của các doanh nghiệp, có thể do tác động của đại dịch. Tuy vậy, xét trên bình diện chung, doanh nghiệp lớn vẫn có khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn doanh nghiệp niêm yết nói chung.

Tài sản và doanh thu của nhóm VPE500 mở rộng nhanh nhất so với các nhóm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vốn FDI và các doanh nghiệp tư nhân khác.

Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của VPE500 không cao hơn nhiều nhóm doanh nghiệp tư nhân còn lại, cho thấy, tăng trưởng của nhóm này vẫn dựa trên mở rộng nguồn lực, tăng quy mô hơn là tăng năng suất lao động.

Để doanh nghiệp lớn có thể dẫn dắt

Theo ông Trần Toàn Thắng, thời gian và tích lũy là 2 yếu tố khá quan trọng trong định hình VPE500. Số liệu từ nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu không kể các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, giai đoạn thành lập các doanh nghiệp tư nhân lớn ở thời điểm hiện tại tập trung ở khoảng thời gian 2005 - 2010. Luật Doanh nghiệp 2004 ban hành, tác động tích cực từ việc gia nhập WTO cùng khoảng thời gian tích luỹ đủ dài đã giúp gây dựng nên lực lượng doanh nghiệp lớn hiện nay.

Nên có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp lớn? - ảnh 2Các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay đang thiên về giảm chi phí gia nhập thị trường. Nên có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp lớn? - ảnh 3

- TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF)

Nghiên cứu trên nhóm VPE500 cho thấy, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tư nhân lớn và nhóm còn lại hiện có sự tương tác tích cực khi lan tỏa về năng suất, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tác động âm do cạnh tranh về thị trường hoặc đầu vào.

Với vai trò dẫn dắt được chứng minh tại nhiều quốc gia công nghiệp hóa thành công, một câu hỏi còn nhiều tranh cãi hiện nay là việc nên hay không nên có các chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp lớn. Như quá trình hình thành và phát triển của nhiều doanh nghiệp lớn của Đài Loan gắn với chính sách phát triển ngành công nghiệp điện tử khi Đài Loan thúc đẩy sự hình thành Tập đoàn Vi điện tử hợp nhất (UMC) từ ERSO, TSMC từ ITRI và khuyến khích sự cạnh tranh trong khu vực tư nhân trong ngành bán dẫn.

TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay đang thiên về giảm chi phí gia nhập thị trường, từ đó giúp thành lập nhiều doanh nghiệp mới, nhưng lại chưa chú trọng tới tăng trưởng và hình thành các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, bài học từ việc hỗ trợ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc (chaebol) và các chương trình cải cách phải thực hiện sau khủng hoảng tài chính 1998 cũng là kinh nghiệm Việt Nam nên học hỏi. Mục tiêu là một mặt có các doanh nghiệp lớn vươn tầm thế giới, một mặt kiểm soát độc quyền đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhưng chưa thực sự mạnh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, điều cần thiết nhất cho doanh nghiệp tư nhân là sự cạnh tranh bình đẳng, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, tài sản trí tuệ; đảm bảo phân bổ tiếp cận nguồn lực công bằng. Ngoài ra, rất cần các chính sách khuyến khích theo hướng phát triển công nghệ, tập trung vào một số ngành trong các giai đoạn nhất định, khuyến khích liên kết tham gia chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp lớn nhỏ, giữa doanh nghiệp lớn và nhóm FDI, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.