Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Ngân hàng Nhà nước đang họp với doanh nghiệp bất động sản

Kinh tế 08/02/2023 - 11:30

Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại đang họp bàn với các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Ngân hàng Nhà nước đang họp với doanh nghiệp bất động sản - ảnh 1

Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đến cuối năm 2022 đã ở mức cao nhất 5 năm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chủ trì hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú, cùng sự tham gia của các lãnh đạo vụ, cục quản lý trực thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản lớn.

Không siết tín dụng bất động sản

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thời gian qua có một số báo cáo của các hiệp hội, đơn vị cho rằng NHNN siết chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, Phó thống đốc khẳng định đến nay chưa có văn bản nào, phát ngôn nào nói rằng NHNN siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản.

“Có chăng chỉ là kiểm soát chặt chẽ những rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực, phân khúc có độ rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản, như đầu cơ, doanh nghiệp kinh doanh mang tính đầu cơ, kinh doanh phân khúc hạng cao cấp, giá trị lớn, có tính chất thị trường bong bóng, đóng băng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống”, Phó thống đốc chia sẻ.

Theo lãnh đạo NHNN, những vấn đề này cơ quan quản lý cần phải kiểm soát vì tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới mỗi tổ chức tín dụng trong hệ thống và an toàn tài chính quốc gia.

Ông Tú cũng khẳng định với nhu cầu tín dụng của người dân trong việc mua nhà tự sử dụng, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn được ngân hàng xem xét bình đẳng như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Thông tin tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho biết năm 2022, qua theo dõi diễn biến ghi nhận thị trường bất động sản có nhiều biến động.

Ngân hàng Nhà nước đang họp với doanh nghiệp bất động sản - ảnh 2

NHNN cùng nhóm ngân hàng thương mại, đang họp bàn với các doanh nghiệp bất động sản để tìm hướng gỡ khó thị trường này. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đó, đầu năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng nóng của một số phân khúc bất động sản tại một số địa phương, nhưng đến cuối năm thị trường lại có xu hướng ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản lại gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa các phân khúc cao cấp, nhưng lại thiếu các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai, đầu tư và quy hoạch…

Theo bà Giang, dòng vốn vào thị trường bất động sản hiện đến từ nhiều nguồn, như vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng.

Đối với ngành ngân hàng, những diễn biến trên thị trường cũng như những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, NHNN luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.

Tỷ trọng dư nợ bất động sản cao nhất 5 năm

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,3% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất 5 năm qua.

Trong đó, tín dụng vào bất động sản chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng với tỷ trọng 68,7% tổng dư nợ, tăng 31,1% năm qua; tín dụng vào kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 31,3%, tăng 11,5%.

Nếu chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,2%, quyền sử dụng đất chiếm 20,7%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,7%, nhà ở xã hội 0,7% và các lĩnh vực khác là 13,7%.

“Như vậy, có thể thấy hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Trong đó, các dự án, phương án vay vốn khả thi vẫn được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định”, bà Giang nhấn mạnh.

CƠ CẤU DƯ NỢ TÍN DỤNG TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN
Nguồn: NHNN; Tổng hợp.
NhãnNhà ởQuyền sử dụng đấtKhu công nghiệp, khu chế xuấtNhà ở xã hộiNhu cầu khác
Tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản % 62.220.72.70.713.7

Cũng theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng sẽ hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

Bà Hà Thu Giang cũng cho biết thêm NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp, đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Chia sẻ về vấn đề room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết room tín dụng vẫn là một công cụ quản lý cần thiết của NHNN. Trong đó, công cụ này vẫn đang phát huy hiệu quả trong điều kiện quản lý của ngành ngân hàng với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2022, chỉ số room tín dụng đến cuối năm cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đã gần đáp ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, cũng như nhu cầu vốn kỳ vọng cho tất cả lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực bất động. Ở thời điểm nhiều doanh nghiệp đề nghị nới room tín dụng thì thực tế các ngân hàng vẫn chưa hết room. Đến cuối năm 2022, khi gần hết room, NHNN đã quyết định nới thêm 1,5-2% hạn mức tăng trưởng, nhưng thực tế hệ thống cũng không dùng hết mức tăng thêm này.

“Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng thực tế của nền kinh tế so với dự báo NHNN đưa ra đầu năm cũng không có nhiều sai số, và nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn được đáp ứng đủ”. Về room tín dụng năm nay, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết định hướng của NHNN là tăng khoảng 14-15%. Trong số này, không có room cho các lĩnh vực ngành kinh tế cụ thể và chỉ có room chung đặt ra để định hướng điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với thực trạng của thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Đầu năm không ngân hàng nào thiếu room, nên hiện tại nếu doanh nghiệp không vay được vốn không phải câu chuyện của room tín dụng”, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.