Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho doanh nghiệp

Kinh tế 10/12/2022 - 05:49

Các chuyên gia cho rằng có thể sẽ chưa ngay lập tức, việc giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt nhưng nhiều khả năng khoảng tháng 2/2023, lãi suất sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh giảm.

Ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho doanh nghiệp - ảnh 1 Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng với việc được nới room, đã có thêm 5 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nối tiếp theo 2 ngân hàng của tuần trước.

Đây là tín hiệu tích cực với người vay vốn, bởi giảm lãi vay sẽ ngay lập tức giúp giảm bớt gánh nặng chi phí hàng tháng. Động thái này cũng mở ra kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng hơn cùng vào cuộc giảm lãi suất cho vay, để tăng sức cạnh tranh.

Sẽ có thêm nhiều nguồn vốn rẻ

Đại diện Agribank cho hay 2,2 triệu khách hàng đang vay vốn của ngân hàng này sẽ được giảm 20% trên mức lãi suất đang vay, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng. Những khoản vay mới trong tháng 12 cũng được giảm tối đa đến 20%, tập trung chủ yếu cho nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 và nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "Điều chỉnh giảm trên hệ thống kế toán của ngân hàng, khách hàng không cần đến ngân hàng để làm thủ tục. Chúng tôi đã dành nguồn lực từ việc tiết giảm chi phí đồng thời giảm một phần lợi nhuận kinh doanh của năm 2022 để đồng hành cùng khách hàng. Riêng đợt này, dự kiến có 1.000 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ cho khách hàng. Khách hàng không phải thực hiện bất kỳ hồ sơ nào, chi nhánh chủ động điều chỉnh giảm trên hệ thống kế toán của ngân hàng.”

[Nới thêm 2% room tín dụng: Bước đi phù hợp của Ngân hàng Nhà nước]

Đại diện VIB cũng cho hay ngân hàng không chỉ ưu đãi về lãi suất và phí trả nợ trước hạn mà còn hỗ trợ khách hàng thủ tục vay đơn giản, quy trình giải ngân nhanh chóng, hạn mức tối đa lên đến 100% nhu cầu vốn. Chương trình áp dụng đến hết ngày 30/6/2023. Khách hàng chỉ cần duy trì tỷ lệ số dư tài khoản thanh toán trung bình 3 tháng gần nhất trên số tiền giải ngân từ 2,5% là có thể được giảm đến 1,5% lãi vay và miễn phí trả nợ trước hạn.

Giảm lãi suất cho vay cũng đang lan tỏa khi ACB cũng vừa đưa ra thông báo từ 6/12 đến 31/1/2023, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.

Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng.

MB cũng có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5%-1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu... Ngân hàng cho biết, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, đã giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn, có lãi suất thấp, có điều kiện giảm lãi vay.

"Dòng tiền không kỳ hạn tăng lên nên giảm được chi phí huy động chung, từ đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay và khi chuyển đổi số thì chi phí vận hành cũng giảm đáng kể, từ đó chúng tôi tiết kiệm được chi phí hoạt động khác," ông Phạm Như Ánh, thành viên ban điều hành MB cho hay.

Trước đó, 2 ngân hàng là Vietcombank và HDBank đã tiên phong giảm lãi suất cho khách hàng từ ngày 1/11-31/12 với mức giảm từ 1%-3,5%/năm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5%-2%, tương đương sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng được đưa ra thị trường trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khát vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bằng giải pháp này, cơ quan điều hành thể hiện sự nỗ lực khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Động thái trên giúp các ngân hàng tăng khả năng cung cấp vốn cho doanh nghiệp, do thời gian qua nhiều ngân hàng đã hết chỉ tiêu tín dụng. Quan trọng hơn, việc nới room tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để chuẩn bị nguồn hàng, nguyên vật liệu phục vụ việc sản xuất hàng hóa cho thị trường đang bước vào mùa Tết và chuẩn bị những đơn hàng cho năm 2023.

Doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả

Theo các chuyên gia, có thể sẽ chưa ngay lập tức, việc giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt nhưng nhiều khả năng khoảng tháng 2/2023, lãi suất sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh giảm. Bởi hiện nay biên lợi nhuận chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng vẫn ở mức khoảng 4,4% nên các ngân hàng còn dư địa để giảm hoặc giữ lãi suất cho vay.

Cũng theo thống kê của công ty chứng khoán SSI, lãi suất cho vay cũng đã tăng chậm hơn so với lãi suất huy động nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho doanh nghiệp - ảnh 2 Việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay là cơ hội để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn rẻ để phục vụ sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)

Vì vậy hầu hết doanh nghiệp đều đánh giá cao khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này và việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng đều hướng vào sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cũng cần chủ động, có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả, tránh lãng phí.

Để sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty máy tính Thánh Gióng cho biết: “Các doanh nghiệp sẽ nỗ lực chuẩn bị bộ hồ sơ đúng quy định của ngân hàng, tuy nhiên bắt đầu có thể vay được từ nguồn vốn này như chúng tôi và các doanh nghiệp khác sẽ cố gắng lưu ý chỉ sử dụng nguồn vốn này cho việc phục hồi ngay lập tức, không mua hàng không có nhu cầu ngay trên thị trường và không tích trữ hàng hóa.”

Các doanh nghiệp cũng mong muốn được đơn giản thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cho vay, đặc biệt với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước để giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phải 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm giúp tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn tiền gửi. Từ đó, giúp các ngân hàng có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Thống đốc, thời điểm này các áp lực về lãi suất, lạm phát và tỷ giá ít nhiều cũng đã dịu đi, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ./.

Thúy Hà (Vietnam+)