Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Ngành du lịch thay đổi hậu Covid-19, thí sinh nên lựa chọn thế nào?

Giáo dục 17/03/2023 - 06:16

Dù là ngành có cơ hội việc làm cao, song do thời gian ảnh hưởng của đại dịch khiến ngành du lịch không phát triển, điều này ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh.

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch, dịch vụ đang dần phục hồi, thu hút sự quan tâm của các thí sinh, tuy nhiên thời điểm hiện nay ngành nghề này đã có nhiều sự thay đổi.

Mục tiêu đến năm 2030 lĩnh vực du lịch cần 8,5 triệu lao động và thu hút số lượt khách quốc tế là 50 triệu và lượt khách nội địa là 160 triệu lượt. Trước bối cảnh này, rất nhiều trường đào tạo ngành du lịch đang tái cấu trúc các chương trình đào tạo.

Trên cả nước có khoảng 4 mã ngành đào tạo gồm du lịch, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch có tính chuyên môn hóa rất cao, nên các trường đi theo hướng đào tạo chuyên ngành.

Việc làm vẫn mang tính thời vụ

Đánh giá về những tác động của đại dịch với vị trí việc làm ngành du lịch hiện nay ông Vũ Hoài Phương - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế bày tỏ, hiện nay chi tiêu du lịch giảm, khách hàng thay đổi về mặt tiêu dùng, hình thức du lịch thay đổi nên có ảnh hưởng lớn đến nhân sự.

“Thay vì thuê dịch vụ thì giờ đây nhờ có công nghệ du khách có thể tự mua vé, đặt chỗ ở. Khi nhu cầu của khách thay đổi thì hệ thống phân phát dịch vụ cũng thay đổi, người mua và người bán có thể liên hệ trực tiếp, người bán cũng tự cung cấp, giới thiệu những dịch vụ bổ sung ngay tại điểm đến”, ông Phương phân tích.

Chính vì vậy hệ thống trung gian không còn, những người làm ở các vị trí này cũng bớt đi. Bên cạnh đó, theo ông Phương khách hàng có thể tự tìm hiểu trước thông tin điểm đến và cảm nhận tại chỗ vì vậy thời gian ở du lịch sẽ ngắn hơn khiến giảm bớt các đầu mối dịch vụ, từ đó giảm nhu cầu về lao động.

Ngành du lịch thay đổi hậu Covid-19, thí sinh nên lựa chọn thế nào? - ảnh 1 Ông Vũ Hoài Phương - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế.

Tuy nhiên, điều khó khăn ở đây là nhu cầu lao động lúc thừa, lúc thiếu. Do thị trường vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, lượt khách quốc tế và nội địa vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Nhu cầu cần có nhân sự thường xuyên chưa quá bức thiết. Các doanh nghiệp chỉ tuyển một cơ số người cơ bản, lượng việc không đều, có thời điểm cao vẫn có thời điểm thấp, mang tính thời vụ, chứ chưa trải đều việc trong năm”, ông Phương đánh giá.

Nhưng theo chuyên gia, điều cần quan tâm hơn cả là việc người dân nói chung và người lao động trong ngành du lịch nói riêng vẫn chưa tin tưởng về tính ổn định của ngành. Điều này tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh, đào tạo. 

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng có khoảng 30-40% người lao động ngành du lịch chuyển sang những ngành khác. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý chọn nghề của phụ huynh và học sinh.

Ngành du lịch thay đổi hậu Covid-19, thí sinh nên lựa chọn thế nào? - ảnh 2 Lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch (Ảnh: Hữu Thắng).

Về việc này ông Phương đưa ra giải pháp: “Cần có những chính sách phục hồi ngành du lịch. Đối với đào tạo, hệ thống các trường phải truyền thông, có phương án cụ thể để học sinh hiểu học du lịch không chỉ đi làm du lịch mà có thể tham gia vào nhiều vị trí khác trong xã hội”.

Mặt khác, chuyên gia cho rằng cần phải chia nhỏ chương trình đào tạo, có những chương trình trong 3 tháng, 6 tháng và nhiều hơn để phục vụ nhu cầu người học cũng như đáp ứng vị trí việc làm, bởi có nhiều công việc không cần thời gian đào tạo dài.

“Quá trình học sẽ tăng dần sơ cấp, trung cấp, học liên thông và có tính chất kế thừa. Doanh nghiệp cần năng lực gì chúng ta đào tạo năng lực đó, tránh đào tạo dàn trải gây lãng phí”, ông Phương nói.

Chủ động thông tin đến người học

Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm nay ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội cho biết ngay từ đầu năm trường đã sớm xây dựng phương án tuyển sinh, phát huy tối đa các kênh thông tin đến người học để các em nắm rõ về ngành học.

Năm nay trường sẽ sử dụng 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ có 2 với khoảng 2.200 chỉ tiêu.

Ngành du lịch thay đổi hậu Covid-19, thí sinh nên lựa chọn thế nào? - ảnh 3 Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội.

“Mặc dù là một trong những nhóm ngành có cơ hội việc làm cao, nhưng do thời gian ảnh hưởng của đại dịch khiến ngành du lịch không phát triển cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh. Đến nay, sau khi tình hình được ổn định sẽ giúp thí sinh mạnh dạn chọn nghề mình ưu thích”, ông Khải đánh giá.

Vì vậy ngoài chuẩn bị các quy chế tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cần tập trung tư vấn kỹ cho thí sinh hiểu rõ tính ổn định của nghề nghiệp.

Ông Khải cho biết, các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Kỹ thuật nấu ăn, Hướng dẫn viên du lịch, Lữ hành vẫn sẽ là những ngành “hot”, đứng đầu nhu cầu trong thị trường lao động. Thông qua kinh nghiệm nhiều năm, tỉ lệ sinh viên sau khi ra trường có việc làm ra rất cao, đa dạng các vị trí để có thể lựa chọn, nhất là đối với những em có kỹ năng thực tế nghề nghiệp ngay từ khi còn trong trường.

“Để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, trường có hợp tác với hệ thống các khách sạn 3 sao trở lên trên địa bàn và các nhà hàng để cho sinh viên được làm việc trực tiếp, vì là ngành đặc thù nên các em phải triển khai được kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, các nghiệp vụ cụ thể”, ông Khải chia sẻ.