Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Người đàn ông suýt mất mạng vì mổ lợn chết cho cá ăn

Sức khoẻ 27/11/2022 - 10:35

Chỉ 2 ngày sau khi mổ lợn chết cho cá ăn, người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, rối loạn ý thức.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây đơn vị đã tiếp nhận 1 bệnh nhân nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn.

Theo đó, nam bệnh nhân ở Hà Nội có tiền sử khỏe mạnh. Cách thời điểm vào viện vài ngày, nhà hàng xóm có lợn ốm và chết, ông đã tham gia mổ lợn để lấy thịt cho cá ăn. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, người đàn ông này bị sốt và rơi vào rối loạn ý thức rất nhanh. Sau khi đưa tới cơ sở y tế gần nhà, ông được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nặng.

Tại bệnh viện, nam bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, rơi vào hôn mê. Bệnh nhân có xuất huyết tại tay và chân. Do tình trạng nguy cấp, bệnh nhân lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy. Hiện sau 4 ngày, ông được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, tuy nhiên, ý thức chưa trở lại bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - Phó Trưởng khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, nếu tình hình được kiểm soát, bệnh nhân này dự kiến mất thêm khoảng 10 ngày điều trị mới có thể ra viện. "Tuy nhiên, việc nhiễm liên cầu khuẩn diễn biến nặng sẽ khiến bệnh nhân phải gánh chịu những di chứng lâu dài như mất thính giác. Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm", bác sĩ Phúc lưu ý.

Người đàn ông suýt mất mạng vì mổ lợn chết cho cá ăn - ảnh 1 Ban xuất huyết hoại tử dưới da ở người bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn. (Ảnh minh họa).

Tại Hà Nội, cơ quan chức năng ghi nhận ít nhất 3 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 9, ông N.T.M. ở Chương Mỹ phát hiện mắc liên cầu lợn dù không ăn lòng lợn, tiết canh, không giết mổ lợn và gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Ông vốn là người thường xuyên nấu ăn tong gia đình. Chỉ hơn 1 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, người đàn ông 60 tuổi đã rơi vào tình trạng kích động, khó tiếp xúc, cứng gáy. Ông được đưa tới Bệnh viện Quân y 103, xét nghiệm chẩn đoán mắc liên cầu lợn.

Trước đó, cuối tháng 8, một người đàn ông 48 tuổi quê Thanh Oai ăn tiết canh, lòng lợn tại một quán ăn ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng bị nhiễm liên cầu lợn. Hai ngày sau ăn, ông sốt cao, đi khám, phải chuyển tuyến gấp vì đau đầu nhiều, giảm nhận thức.

Liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococus Suis (S.suis), là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh lên người. Loài vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn, ngoài ra nó cũng tồn tại ở một số động vật khác như bò, dê, cừu, thậm chí là chó, mèo... Loài vi khuẩn này không chỉ có ở lợn bị bệnh mà ngay cả con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa liên cầu khuẩn lợn. Liên cầu khuẩn lợn có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, viêm khớp… Bệnh diễn biến nhanh, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 7%.

Theo bác sĩ Phúc, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Cụ thể, người bệnh ở thể nhiễm trùng huyết sẽ diễn biến rất nặng, nhanh. Bệnh nhân đi vào rối loạn đa cơ quan và có nguy cơ tử vong. Trong khi đó, người bệnh ở thể viêm màng não có tiên lượng điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ đứng trước những nguy cơ về biến chứng lâu dài như liệt, điếc, hệ thần kinh bị ảnh hưởng...

Người đàn ông suýt mất mạng vì mổ lợn chết cho cá ăn - ảnh 2 Ăn tiết canh sống là một trong những nguyên nhân gây nhiễm liên cầu khuẩn lợn.  

Theo thống kê, đặc biệt từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đa số bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân "chỉ mổ lợn thôi cũng nhiễm bệnh" như trường hợp của người đàn ông nói trên.

Để phòng bệnh, liên cầu lợn, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần chú ý tiêm phòng cho lợn chăn nuôi; phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với lợn, thịt lợn, dịch tiết của lợn; không ăn tiết canh và các món ăn chế biến sống hoặc chưa chín và không giết mổ và chế biến lợn bị bệnh. Nếu có tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch chân tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn.

TÚ ANH (T/h theo Dân trí, Zing.vn)