Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Người lớn lơ là, nhiều trẻ bị tai nạn, ngộ độc trong dịp Tết nguyên đán

Sức khoẻ 27/01/2023 - 07:34

GĐXH – Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi TƯ, trong dịp Tết nguyên đán mỗi ngày tiếp nhận 4-5 ca bị ngộ độc, tai nạn thương tích... trong đó có những trường hợp nguy kịch đến tính mạng.

Bé N.G.H (3 tuổi) mới đây đã phải vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu và Chống độc của Bệnh viện Nhi TƯ. Theo lời kể của gia đình, khi chơi tại nhà ông bà, bé đã chui vào gầm bàn gấp chơi, trong lúc vui đùa ngực của trẻ bị kẹp giữa hai chân bàn gây ra chẹn vào ngực, không thở được. Khi người nhát phát hiện bé H đã trong trạng thái tím tái, được gia đình đưa bé đến cơ sở y tế trong tình trạng suy hô hấp, mạch bắt yếu, huyết áp thấp, hôn mê.

Chuyển tới bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh nhi đã trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ thở bằng bóp bóng qua Nội khí quản, hôn mê, huyết áp thấp. Rất may bé đã được cấp cứu kịp thời. Sau khi ổn định đã được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để thở máy, chăm sóc đặc biệt.

Trước đó, khi đang chơi cùng hai bé khác, bé L.A, 10 tuổi ở Nghệ An đã thấy ống nước màu đỏ đã bẻ ra uống. Sauk hi uống khoảng 30 phút, trẻ nôn, lơ mơ, co giật. Gia đình đã đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện và nhanh chóng được chuyển tuyến lên Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi TƯ). Tại đây sau khi xử trí ban đầu, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ xác định bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột. Điều kì diệu đã không tới với bệnh nhi. Sau gần 1 ngày vào viện, bệnh nhi đã không thể qua khỏi.

Theo chia sẻ của BS Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi T.Ư), hàng năm vào các dịp nghỉ lễ, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn. Dịp Tết nguyên đán, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ. Trẻ bị tai nạn thương tích với nhiều hình thái từ chảy máu vết thương ngoài da, tới gẫy xương, bỏng, ngộ độc, hóc dị vật…

Bởi trẻ nhỏ thường hiếu động, thích khám phá, chưa có nhận thức phản xạ bảo vệ bản thân hoặc thích thể hiện cái tôi ở lứa tuổi vị thành niên. Trong khi đó, người lớn nhiều khi vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ khiến trẻ gặp phải các tình huống đáng tiếc gây hại cho sức khỏe, tính mạng.

Người lớn lơ là, nhiều trẻ bị tai nạn, ngộ độc trong dịp Tết nguyên đán - ảnh 1 Cấp cứu cho bệnh nhi bị tai nạn. BVCC

Các bác sĩ cũng cho rằng, trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi là lứa tuổi thường dễ bị chấn thương sọ não vì bản tính hiếu động, nghịch ngợm, chưa có kỹ năng phòng tránh nên dễ bị tai nạn trong sinh hoạt. Ngày nghỉ Tết, đi du xuân, các hoạt động đi lại, ăn uống diễn ra liên tục… Trẻ nhỏ có thể gặp rất nhiều nguy cơ tai nạn thương tích trong những ngày nghỉ, đi chơi du Xuân như bị bỏng, hóc dị vật, ngộ độc phực phẩm, tai nạn giao thông… Người lớn càng cần để mắt đến trẻ nhiều hơn để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Khi trẻ bị ngã hay gặp tai nạn giao thông, cần đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh gây thêm thương tích cho trẻ. Quan sát vết thương toàn thân của trẻ, nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu, việc đầu tiên cần làm là băng vết thương, nếu trẻ gãy xương cần cố định xương gãy. Không được di chuyển trẻ nhanh, mạnh như bế trẻ chạy, gập hay ngửa cổ để tránh cho trẻ bị tổn thương cột sống cổ gây nên tình trạng liệt về sau.

Trường hợp trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt… Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách, nhanh chóng đưa tới cơ sở ý tế để cấp cứu kịp thời.

Sức khoẻ