Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Nhật tăng xuất khẩu bò wagyu để phục vụ giới nhà giàu

Ẩm thực 18/03/2023 - 00:24

Các nhà sản xuất thịt bò wagyu ở thành phố Matsuzaka, tỉnh Mie (Nhật Bản) đang có kế hoạch tăng hạn ngạch xuất khẩu gia súc.

Nhật tăng xuất khẩu bò wagyu để phục vụ giới nhà giàu - ảnh 1

Các cửa hàng Nhật Bản bán thịt bò Matsuzaka với giá khoảng 50 USD cho 100 gram (500 USD/kg). Ảnh: Yuika Takamura/Unsplash.

Cùng với bò Kobe và Ohmi, Matsuzaka được mệnh danh “Tam Đại Hòa Ngưu” - một trong ba loại thịt bò wagyu danh tiếng bậc nhất Nhật Bản.

Bò “lá ngọc cành vàng”

Tên gọi bò Matsuzaka được lấy cảm hứng từ thành phố cùng tên ở tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản. Matsuzaka được lấy thịt từ bò đen Nhật Bản, một trong 6 giống bò bản địa. Để được công nhận là bò Matsuzaka, con bò phải đạt đủ các tiêu chí nghiêm ngặt.

Từng con bò Matsuzaka được chăn nuôi, chăm sóc kỹ lưỡng bởi những người chủ lành nghề, giàu kinh nghiệm. Trong khi một con bò bình thường chỉ được nuôi trong 600 ngày, bò Matsuzaka được nuôi tới 900 ngày.

Nhật tăng xuất khẩu bò wagyu để phục vụ giới nhà giàu - ảnh 2

Một nhân công đang chải lông cho bò tại một cơ sở chăn nuôi ở Matsusaka, tỉnh Mie. Ảnh: Asahi Shimbun.

Những con bò được nuôi ở khu biệt lập, sạch sẽ để tránh lây nhiễm bệnh. Việc không để bò thả rông sẽ giúp tích tụ mỡ, khiến miếng thịt sau khi mổ đẹp hơn. Chỉ những con bò cái chưa đẻ lần nào mới có thể bán để lấy thịt.

Về cơ bản, Matsuzaka cũng giống như các loại bò wagyu khác, nổi bật với độ mềm của thịt và các đường vân bắt mắt. Loại thịt này được đánh giá cao nhờ hàm lượng chất béo cao, nhiều vân mỡ, hương vị đậm đà và mềm.

Dù bò Kobe nổi tiếng hơn trên thế giới nhờ số lượng nhiều và được quảng bá tốt, bò Matsuzaka lại được các đầu bếp chuyên nghiệp ưa chuộng hơn, đặc biệt cho các món nướng. Thịt bò Matsuzaka thậm chí còn được nhiều người sành ăn coi là loại thịt bò ngon nhất Nhật Bản.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Ngành thịt bò wagyu ở thành phố Matsuzaka trước đây chỉ chú ý vào việc đáp ứng nhu cầu nội địa nhiều hơn, nên chỉ xuất khẩu một số ít loại thịt bò đắt tiền này. Do đó, thương hiệu bò Matsuzaka “gần như hoàn toàn ít được biết đến ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất thịt bò wagyu địa phương đang chịu tổn thất nặng vì tình trạng mất giá do nguồn du khách nước ngoài đến Nhật giảm cùng với việc người Nhật nhịn chi tiêu cho ăn uống ở nhà hàng trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Nhật tăng xuất khẩu bò wagyu để phục vụ giới nhà giàu - ảnh 3

Những con bò đen tại một cơ sở chăn nuôi ở Matsusaka, tỉnh Mie. Ảnh: Asahi Shimbun.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ Matsuzaka trong nước cũng giảm đi rõ rệt khi người dân Nhật Bản đang có xu hướng ăn ít thịt đỏ do lo ngại sức khỏe.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt, hiệp hội các nhà sản xuất, bán buôn thịt bò và chính quyền thành phố Matsuzaka ở tỉnh Mie đã lên kế hoạch nâng hạn ngạch xuất khẩu gia súc từ 24 con vào năm 2022 lên 700 con vào năm 2024.

Hiệp hội cũng đã đồng ý phối hợp với các nhà sản xuất bò Kobe và Omi (đều đã xuất khẩu từ ít nhất 10 năm qua) để quảng bá việc bán ở nước ngoài và phòng chống phân phối sản phẩm thịt bò Matsuzaka giả.

“Ngành công nghiệp nhà hàng trì trệ và tỷ lệ sinh giảm là những lý do chính khiến chúng tôi nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình từ năm tài chính 2023, cũng như tích cực đón nhận lời khuyên từ các đồng nghiệp trong ngành”, Hiroki Ito, trưởng bộ phận xuất khẩu của Hiệp hội các nhà sản xuất bò Matsuzaka, cho hay.

Shinnosuke Murakami, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác xã Công nghiệp Thịt tỉnh Hyogo, cho biết: “Một tương lai tươi sáng sẽ mở ra nếu ba nhà sản xuất thịt bò wagyu lớn chung tay và dẫn đầu thế giới”.

“Hãy cùng nhau lấp đầy dạ dày của những người giàu có trên thế giới”, Takao Sawai, Chủ tịch của Hợp tác xã xúc tiến xuất khẩu thịt bò Omi, nói.

Tại sự kiện quảng bá ở Dubai (UAE) vào ngày 8/3, món thịt nướng "yakiniku" và món lẩu "shabu-shabu" từ bò wagyu được phục vụ cho các thành viên hoàng gia, quan chức chính quyền địa phương, giới truyền thông và những người có ảnh hưởng xã hội. Những con bò này đều được giết tại lò mổ theo tiêu chuẩn Hồi giáo.

Các chuyên gia ẩm thực nhận định loại bò này sẽ sớm trở nên phổ biến với những người tiêu dùng giàu có ở Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.

> Xem thêm: Sách cho những tâm hồn ăn uống