Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Nhiều công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

Thế giới 13/08/2022 - 08:14

Năm công ty quốc doanh của Trung Quốc cho biết sẽ nộp đơn xin hủy niêm yết Chứng chỉ lưu ký Mỹ trên sàn New York trong tháng này và vẫn đăng ký niêm yết trên sàn Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Nhiều công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - ảnh 1 Giao dịch viên theo dõi các chỉ số tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Ngày 12/8, 5 công ty quốc doanh của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn dầu khí Sinopec và tập đoàn bảo hiểm nhân thọ China Life Insurance, thông báo sẽ hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York của Mỹ.

Các công ty - gồm cả tập đoàn sản xuất nhôm Chalco, tập đoàn dầu khí PetroChina và tập đoàn hóa dầu Sinopec Thượng Hải, cho biết sẽ nộp đơn xin hủy niêm yết Chứng chỉ lưu ký Mỹ trên sàn New York trong tháng này.

Các công ty vẫn đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Giám sát và Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết các công ty trên đã tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của thị trường vốn ở Mỹ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, và quyết định hủy niêm yết được đưa ra dựa trên cân nhắc yếu tố kinh doanh.

Trước đó, hồi tháng Năm, các công ty trên đã bị cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ "gắn cờ" với lý do không đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm toán.

Trong 10 năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc - đặc biệt là các công ty công nghệ - đã lựa chọn niêm yết trên sàn chứng khoán New York hoặc Nasdaq, bên cạnh IPO tại các sàn giao dịch tại quê nhà như Thâm Quyến hay Thượng Hải.

[Nhà đầu tư hướng tới Hong Kong trước rủi ro hủy niêm yết cổ phiếu ở Mỹ]

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang ngày càng căng thẳng trước hàng loạt tranh chấp về các vấn đề như thương mại.

Hồi tháng 12/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung hàng chục công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại, cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các công ty này để khai thác các công nghệ dân sự cho mục đích quân sự./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)