Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Nỗi sợ giáo dục tạo nên những cái máy học

Chính trị 07/12/2022 - 20:29

Trong "Cuộc đời phía trước", J. Krishnamurti suy ngẫm về giáo dục và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống.

Nỗi sợ giáo dục tạo nên những cái máy học - ảnh 1

Sách "Cuộc đời phía trước" của J.Krishnamurti. Ảnh: Huỳnh Quỳnh.

Từ các buổi diễn thuyết trên giảng đường, Krishnamurti tập hợp nội dung vào Cuộc đời phía trước. Qua những chiêm nghiệm dàn trải, vị triết gia người Ấn Độ chất vấn: "Giáo dục là gì?".

Quan điểm của Krishnamurti không ủng hộ nền giáo dục cũ kỹ, băng hoại. Với ông, môi trường học tập đúng nghĩa là môi trường mà học sinh không phải học trong sợ hãi, không bị so sánh, không nuôi dưỡng tham vọng thành đạt.

Cuốn sách Cuộc đời phía trước của Krishnamurti lật mặt nền giáo dục tạo nên những "cái máy", đồng thời truyền cảm hứng cho lớp độc giả trẻ tìm được cách học tập đúng đắn.

“Giáo dục không chỉ đơn thuần là nhồi nhét thông tin, kiến thức vào trí não"

Theo triết gia người Ấn, giáo dục phải giúp học sinh hiểu mà không sợ hãi cái mênh mang phức tạp của cuộc sống. Ông cho rằng những sự cưỡng bách như thi cử, đánh giá, bảng điểm, bảng xếp loại chỉ khiến con người bị gò bó, uốn nắn theo khuôn khổ mà không kích thức sự phát triển.

“Các em không phải là một cục bột để nhào nặn, các em không phải là một loại thạch cao để đổ khuôn”, nhà tư tưởng gay gắt.

Những sự cưỡng bách này đánh vào nỗi sợ và dung dưỡng tham vọng trong mỗi cá nhân, gây ra những cảm xúc tiêu cực. Và từ nỗi sợ ấy, học sinh dễ bị rơi vào vòng xoáy của sự lệ thuộc, sao chép, vâng lời. Kiến thức trở thành một thứ để nhồi nhét vào trí óc con người, khiến người ta quên đi cảm nhận về những gì họ yêu thích thực sự.

Giáo dục không chỉ đơn thuần là nhồi nhét thông tin, kiến thức vào trí não, mà phải tạo nên một con người tự do. Một nền giáo dục dựa trên sự áp chế, nỗi sợ hãi là một nền giáo dục phi nhân tính.

Nỗi sợ giáo dục tạo nên những cái máy học - ảnh 2

Triết gia J. Krishnamurti. Ảnh: FB Krishnamurti.

Người tự do là người có trí tuệ thực sự

Nỗi sợ hãi còn làm con người mất đi năng lực truy vấn, khám phá một cách độc lập. Quá trình tư duy lẫn cách nhìn cuộc sống của người học sẽ bị giới hạn trong một ranh giới vô hình. “Tất cả thứ đó tạo thành một loại rào giậu, rồi các em sống trong đó; và khi sống trong phạm vi rào giậu kín bưng đó, các em nói các em đang sống tự do, phải không? Người ta có thể nào được tự do trong lúc đang sống trong tù ngục không?”, Krishnamurti đặt câu hỏi.

Theo Cuộc đời phía trước, khi nỗi sợ hãi không còn, những thiên tính, xúc cảm và sự nhạy cảm nơi người học mới được đánh thức. Họ sẽ nhìn thấy được những năng lực đích thực sâu xa của mình, sẽ làm việc vì lòng yêu thích thật tâm chứ không phải vì tham vọng.

Bên cạnh đó, một người không sợ hãi sẽ có đủ cởi mở để đối mặt với những vấn đề, sự kiện tức thời, đồng thời sẽ biết cách đối mặt với cuộc đời bằng một trí não có khả năng truy vấn cùng lối tư duy tự do.

Chính vì vậy, Krishnamurti cho rằng người tự do chính là người có trí tuệ thực sự, là “con người được phát triển toàn diện” mà mọi hệ thống giáo dục cần hướng đến.

Đọc xong 23 chương sách, độc giả sẽ bị buộc phải đặt những câu hỏi về cốt lõi của giáo dục cùng những vấn đề liên quan khác như: lựa chọn ngành học, bằng cấp, sự cộng tác giữa phụ huynh và nhà trường…