Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Phương Tây sắp cạn vũ khí viện trợ Ukraine

Thế giới 14/08/2022 - 07:49

Chiến sự Ukraine: Nhiều năm theo đuổi các loại vũ khí tối tân, cũng như chính sách không duy trì các kho vũ khí đời cũ quá lớn, khiến phương Tây thiếu một số trang bị để chi viện cho Ukraine.

Phương Tây sắp cạn vũ khí viện trợ Ukraine - ảnh 1

Bài báo ngày 12/8 của Newsweek dẫn lời ông Mark Cancian, chuyên gia CSIS kiêm đại tá về hưu thủy quân lục chiến Mỹ, dự đoán kho dự trữ tên lửa HIMARS mà Mỹ gửi cho Ukraine sẽ cạn kiệt trong 3-4 tháng tới.

Ông Cancian - người có hơn 7 năm làm về phương diện chiến lược và ngân sách chiến dịch cho Văn phòng Ngân sách và Quản lý, Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) - nói số lượng tên lửa do Mỹ sản xuất tương đối hạn chế.

Theo ông Cancian, Lockheed Martin - nhà sản xuất vũ khí Mỹ - đang cố gắng tăng sản lượng tên lửa nhưng điều này cũng sẽ mất một khoảng thời gian, thường rơi vào 18-24 tháng.

“Sẽ tới lúc mà Mỹ phải giảm số tên lửa cho đi vì trong kho xuống thấp. Trong Lầu Năm Góc sẽ nổi lên các cuộc trao đổi”, ông Cancian bổ sung. “Phía quân đội có lẽ sẽ muốn giữ lại nhiều hơn, quan chức dân sự có lẽ muốn cho đi nhiều hơn và họ sẽ đạt thỏa thuận về mức rủi ro chấp nhận được”.

Tháng 5 vừa qua, khi Lầu Năm Góc đặt hàng 1.300 tên lửa phòng không Stinger để bù vào lô vũ khí đã viện trợ Ukraine, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon, nhà sản xuất tên lửa Stinger, cho biết việc thay thế sẽ cần thời gian.

Tình trạng tương tự dường như xảy ra ở châu Âu. Pháp mới đây đã chuyển giao cho Kyiv 18 lựu pháo hạng nặng Caesar, chiếm một phần tư kho dự trữ lựu pháo công nghệ cao của nước này. Nexter, nhà sản xuất vũ khí của Pháp, cho biết cần đến 18 tháng để sản xuất một khẩu pháo tương tự, theo Financial Times.

Vũ khí từ phương Tây cũng trở thành mục tiêu tấn công rõ ràng của quân đội Nga. Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/8 tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy một hệ thống HIMARS cùng một kho chứa đạn dược cho loại tên lửa này của quân đội Ukraine.

Vụ việc xảy ra ở khu vực gần thành phố Kramatorsk, tỉnh Donetsk, Ukraine, TASS đưa tin. “Một hệ thống tên lửa HIMARS và một nhà kho chứa đạn dược đã bị phá hủy”, tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố.

Phương Tây quá chủ quan

Cuộc chiến ở Ukraine, sau nhiều tháng giao tranh, đã dần hé lộ tình trạng mong manh trong các kho dự trữ vũ khí của phương Tây, đặc biệt với các loại vũ khí, đạn dược giá trị không cao nhưng đóng vai trò trụ cột trong các trận đánh lúc này như đạn pháo.

Tình trạng sản xuất hạn chế, thiếu lao động, khó khăn về nguồn cung, đặc biệt là chip, khiến các tập đoàn công nghiệp quốc phòng phương Tây tốn nhiều thời gian hơn để chế tạo vũ khí thay thế những gì đã viện trợ Ukraine.

Tình trạng thiếu thốn các loại vũ khí giản đơn, theo giới chức quốc phòng một số nước, thể hiện sự tự mãn thái quá của phương Tây khi đánh giá rủi ro từ các mối đe dọa tiềm tàng trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Hậu quả là phương Tây đang gặp khó trong nỗ lực viện trợ Ukraine.

Những lời ca tụng cho vũ khí công nghệ cao và quy trình sản xuất nhanh gọn của chúng đã che mờ tầm quan trọng phải duy trì kho dự trữ những vũ khí cơ bản, các chuyên gia nhận định.

Phương Tây sắp cạn vũ khí viện trợ Ukraine - ảnh 2

Raytheon cho biết sẽ cần thời gian để bù đắp số tên lửa Stinger mà Mỹ đã viện trợ Ukraine. Ảnh: Reuters.

"Ukraine là bài học làm thế nào để chiến thắng một cuộc chiến, mà đến nay câu trả lời vẫn là thông qua các yếu tố cơ bản như pháo, bộ binh, chiếm đất. Cán cân quân sự, từ vũ khí đời cũ sang đời mới, cần được nhìn nhận lại", Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao về hoạch định chính sách của NATO, nhận định.

Tình trạng khan hiếm vũ khí đơn giản có thể gây tổn hại cho khả năng hỗ trợ Ukraine tiếp tục kháng chiến.

Ví dụ, theo chuyên gia quân sự người Mỹ Alex Vershinin, tổng sản lượng đạn pháo 155 mm hàng năm của Mỹ không đủ cho hai tuần giao tranh ở Ukraine. Vershinin dự đoán kỷ nguyên của chiến tranh công nghiệp đang trở lại.

"Tình hình giống với khủng hoảng đạn pháo trong Thế chiến I", Shea nói, nhắc lại chiến tranh công sự năm 1915 ở châu Âu làm cạn kiệt kho dự trữ đạn pháo của Anh, khiến quân đội Anh và Pháp thiệt hại nặng về sinh mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết các nước phương Tây sẽ gặp khó nếu có ý định phát động một cuộc chiến theo cái cách như chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bởi không có kho đạn dược phù hợp. Trong cuộc tập trận mô phỏng năm 2021, kho dự trữ đạn của Anh cạn kiệt chỉ sau 8 ngày.

Khó có chuyện phương Tây sẽ dốc cạn kho vũ khí của họ để viện trợ Ukraine. Giới chức các nước NATO cho biết những gì được viện trợ cho Ukraine đến lúc này là các loại vũ khí có sẵn hoặc có thể thay thế tương đương.

Năm 2021, ngân sách quốc phòng của Nga là 66 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với 293 tỷ USD của Trung Quốc hay gần 800 tỷ USD của Mỹ. Tổng chi tiêu quốc phòng năm 2021 của NATO là hơn 1.100 tỷ USD.

Mặc dù vậy, phần lớn ngân sách được NATO dành cho các loại vũ khí tối tân như tiêm kích thế hệ thứ 4 và 5. Có điều, NATO kiên quyết không triển khai các vũ khí tối tân nhất tới Ukraine để tránh trực tiếp xung đột với Nga, có nguy cơ dẫn tới chiến tranh hạt nhân.

Vấn đề của phương Tây

Một phần đáng kể các nguồn lực quốc phòng của phương Tây trong 20 năm qua được định hướng để chống lại chiến tranh du kích và nổi loạn ở Trung Đông, chống khủng bố, thay vì đối phó với xe tăng hạng nặng hay đấu pháo như đang diễn ra ở Ukraine.

Bên cạnh đó, phương Tây theo đuổi chính sách sản xuất quốc phòng tinh gọn, tập trung vào hiệu quả kinh tế. Điều này đồng nghĩa tăng cường khả năng sản xuất nhanh chóng các vũ khí hiện đại, đồng thời cắt giảm các kho dự trữ vũ khí thô sơ cồng kềnh, tốn kém.

Tại Anh, việc kho dự trữ ở mức thấp khiến London phải mua lựu pháo từ một nước thứ ba để chuyển giao cho Ukraine. Tại Mỹ, Lầu Năm Góc hiện chỉ còn 5 nhà thầu quốc phòng, so với 51 nhà thầu vào thập niên 1990.

"Mất mát quá khứ dạy cho phương Tây bài học là sẽ không lao vào một cuộc chiến toàn lực ở quy mô công nghiệp. Hậu quả là gần như không nước phương Tây nào đủ khả năng đẩy mạnh sản xuất các vũ khí then chốt với cuộc chiến hiện nay", một chuyên gia cố vấn quốc phòng cho phương Tây nhận xét.

Lúc này, các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đang phải chạy đua với thời gian tìm kiếm nguồn cung các vật liệu, linh kiện cần thiết để sản xuất những loại vũ khí, đạn dược mà chỉ mới đây thôi gần như chẳng ai quan tâm.

Phương Tây sắp cạn vũ khí viện trợ Ukraine - ảnh 3

Mỹ đã viện trợ Ukraine một phần ba trong tổng số tên lửa dùng trên hệ thống HIMARS mà nước này có. Ảnh: James Larimer.

Một số linh kiện điện tử của tên lửa Stinger, lần cuối cùng được sản xuất với quy mô lớn đã từ 20 năm trước, hiện không bán trên thị trường, Raytheon cho biết.

Thales UK là nhà sản xuất tên lửa chống tăng trứ danh NLAW. Alex Cresswell, giám đốc điều hành Thales UK, cho biết "kho dự trữ vũ khí của Anh đang dần cạn" nhưng London không đầu tư đúng mức để tránh nguy cơ vũ khí lỗi thời.

Với Mỹ, khoảng một phần ba trong tổng số 25.000 tên lửa sử dụng trên HIMARS, hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường do Lockheed Martin sản xuất, đã được chuyển giao cho Ukraine. Kyiv trước đó khẩn thiết đề nghị Washington viện trợ HIMARS để cân bằng lực lượng với pháo binh Nga.

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá cao uy lực và tác động của HIMARS trong xung đột Ukraine. Trong khi đó, Sputnik nhận định bệ phóng loạt rocket Tornado-S của Nga có lợi thế hơn HIMARS về tầm bắn, độ chính xác và uy lực đầu đạn.

Bên cạnh đó, Washington lại không thể thay thế số tên lửa đã bàn giao cho Ukraine bằng các tên lửa thế hệ cũ hơn, bởi tên lửa thế hệ cũ sử dụng đầu đạn chứa đạn chùm, loại vũ khí đã bị cấm.

Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Moscow bổ nhiệm Thượng tướng Gennady Zhidko, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm tổng chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine. Đây là tín hiệu cho thấy bộ máy quân sự Nga sẽ được cả nền kinh tế trong nước cung cấp tất cả những gì cần thiết, Mark Galeotti, chuyên gia về quân sự Nga, nhận định.

Với các chuyên gia, chiến sự ở Ukraine là ví dụ cho phép họ nghiên cứu sâu về bản chất của chiến tranh hiện đại.

Theo Jack Watling, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách Royal United Services Institute, "bài học số một" là tầm quan trọng của một kho vũ khí cơ bản.

"Điều này không mới, nhưng chúng ta từ lâu đã phớt lờ. Cấc loại đạn rẻ tiền có thể sử dụng ở quy mô lớn là thứ cực kỳ quan trọng. Phương Tây cần nghiêm túc nhìn lại, không phải lúc nào cũng chạy theo những vũ khí tối tân", ông Watling nhận định.