Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Suy gan, tổn thương thận sau khi uống lá du mại chữa… táo bón

Ẩm thực 18/03/2023 - 06:43

Ba ngày sau khi uống nước lá du mại để chữa táo bón, bệnh nhân 73 tuổi xuất hiện mệt mỏi, vàng da và phải nhập viện cấp cứu.

Tiến sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân 73 tuổi, bị ngộ độc lá cây du mại (cây lộc mại).

Suy gan, tổn thương thận sau khi uống lá du mại chữa… táo bón - ảnh 1
Lá du mại hình bầu dục dài 10-14 cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa. Ảnh: BSCC

Trước nhập viện 3 ngày, bệnh nhân sử dụng lá cây này phơi khô, đun với nước uống để chữa táo bón. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu thấy mệt mỏi, vàng da, vàng mắt tăng dần, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.

Bệnh nhân được gia đình chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, da - niêm mạc - củng mạc mắt vàng, thiểu niệu.

"Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị thiếu máu nặng do tan máu, suy gan, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu, điện giải", bác sĩ Tình nói.

Bệnh nhân được điều trị, chăm sóc tích cực bằng truyền máu để hỗ trợ các tạng suy. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân tạm ổn định, tiếp tục được điều trị, chăm sóc và theo dõi tích cực.

Theo bác sĩ Tình, dù đã có khá nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của lá lộc mại khi sử dụng làm thức ăn, nước uống, hàng năm, nhiều người vẫn bị ngộ độc loại cây này phải nhập viện cấp cứu.

Cây lộc mại hay mọ trắng, rau mại, rau mọi có nhiều loại và hình dạng lá khác nhau như lộc mại lá dài, lộc mại nhỏ, lộc mại trái láng. Loài cây này mọc tự nhiên, phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên.

 

 

Lá lộc mại thường được người dân sử dụng làm rau ăn, chế biến với thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh, trong đó có táo bón. Độc tố của lá cây này có thể gây vỡ hồng cầu (tan máu) dẫn đến thiếu máu nặng, đặc biệt ở những người thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase).

Vì vậy, bác sĩ Tình khuyến cáo người dân không nên sử dụng lá lộc mại để làm thức ăn hoặc đun nước uống. Khi không may bị ngộ độc độc lá lộc mại, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời.

Theo Gia đình Online