Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm

Kinh tế 07/06/2023 - 07:42

Lĩnh vực đồng hồ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng, dẫn đến khó ra mắt sản phẩm mới, không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 1

Ngành đồng hồ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường. Ảnh minh họa: Pexels/Rotate Watches.

Lĩnh vực đồng hồ đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng, bao gồm thợ chế tác, kỹ sư lắp đặt, kỹ thuật viên sửa chữa và công nhân gia công. Tình trạng này dẫn đến sự ngừng tăng trưởng, khó ra mắt sản phẩm mới ở một số thương hiệu cao cấp.

Các trường, tổ chức đào tạo thợ đồng hồ cũng gặp khó khăn trong việc chiêu sinh. Nhiều doanh nghiệp phải xây dựng chương trình huấn luyện nội bộ, thậm chí chi trả toàn bộ học phí, sinh hoạt phí cho học viên để đảm bảo nguồn cung nhân lực, theo The New York Times.

Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 2 Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 3
Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 4

Nhân sự lớn tuổi về hưu và nhu cầu mua sắm đồng hồ gia tăng tạo ra cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Pexels/Tima Miroshnichenko.

Thiếu hụt nhân sự

Aurélie Streit, Phó chủ tịch Fondation de la Haute Horlogerie, cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ nhu cầu mua tăng cao trong thời kỳ đầu đại dịch Covid-19. Ở giai đoạn đó, người tiêu dùng cảm thấy buồn chán do lệnh giãn cách xã hội, đồng thời sở hữu số tiền tiết kiệm không thể tiêu vào các hoạt động vui chơi giải trí, thúc đẩy sức mua đồng hồ tăng.

Trong năm 2022, giá trị sản phẩm xuất khẩu của Thụy Sĩ đạt 26,3 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm trước, theo Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ. Số liệu thống kê cho tháng 2/2023 chỉ ra rằng mức độ tăng trưởng của lĩnh vực này có xu hướng đạt đỉnh.

Giá thành của món đồ thời trang này tiếp tục tăng. Nhiều thương hiệu chưa từng bắt khách hàng chờ đợi để sở hữu đồng hồ buộc phải công bố danh sách chờ. Những mẫu được bày bán tại cửa hàng chỉ là sản phẩm trưng bày, không bán.

Đặc biệt, sự đón nhận của công chúng với đồng hồ cổ điển và đồng hồ qua sử dụng thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự chất lượng cao hơn để kiểm định mặt hàng này. Trong khi người trẻ không hứng thú với lĩnh vực này, số lượng lớn nghệ nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm quyết định nghỉ hưu.

“Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực tất yếu xảy ra. Khoảng cách giữa số thợ đồng hồ nghỉ hưu và sinh viên ra trường trong một vài năm tới tương đối lớn”, Karl-Friedrich Scheufele, đồng Chủ tịch của Chopard, cho biết.

Hiện nay, 7 trường dạy nghề chế tạo đồng hồ tại Thụy Sĩ đào tạo 400-500 kỹ thuật viên/năm. Tuy nhiên đến năm 2026, lĩnh vực này cần khoảng 4.000 nhà sản xuất được đào tạo bài bản phục vụ nhu cầu gia tăng của khách hàng, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt do nhân sự nghỉ hưu để lại, theo Hội nghị Người sử dụng lao động Ngành Đồng hồ Thụy Sĩ.

Theo một số chuyên gia, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng này tác động xấu đến các thương hiệu xa xỉ (nơi chế tác thủ công đóng vai trò chính) hơn các nhãn hàng bình dân (nơi tự động hóa được ưu tiên).

“Doanh số bán của lĩnh vực này đạt đỉnh, dẫn đến cầu vượt quá cung. Đối với các nhãn hiệu đồng hồ tập trung chinh phục phân khúc cao cấp từ 50.000 USD trở lên, vấn đề này đáng lo ngại hơn. Họ cần nghệ nhân có tay nghề cao trong khâu chế tác. Nếu các trường đào tạo nhân sự cho ngành đồng hồ không nỗ lực chiêu sinh, ngành nghề này sẽ gặp khủng hoảng”, Jean-Claude Biver, nhà sáng lập thương hiệu đồng hồ cùng tên, nói.

Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 5 Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 6
Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 7

Các sản phẩm đồng hồ tinh xảo đòi hỏi người chế tạo, kỹ thuật viên bảo dưỡng có trình độ chuyên môn cao. Ảnh minh họa: Pexels/Abhishek Patel.

Khó khăn trong khâu tuyển dụng

Về phía các tổ chức giáo dục, Johann Kunz-Fernandez, Giám đốc Chương trình Giáo dục và Đào tạo Thợ đồng hồ Thụy Sĩ, cho biết các trường dạy nghề đều nâng số lượng sinh viên lên mỗi năm, song con số này vẫn có sự giới hạn.

Theo đại diện Fondation de la Haute Horlogerie, quy trình sản xuất đồng hồ bao gồm nhiều công đoạn. Mỗi khâu đều chứng kiến sự thiếu hụt về nhân lực.

“Nhu cầu nhân sự tăng 10% mỗi năm. Để sản xuất những mẫu đồng hồ chất lượng cao, giá thành đắt đỏ, người thợ thực hiện phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Sinh viên mới ra trường khó đáp ứng điều kiện này”, đại diện Fondation de la Haute Horlogerie cho biết.

Khi sản phẩm đồng hồ ngày càng tinh xảo, phức tạp, yêu cầu đối với đội ngũ chế tác càng cao.Theo Karim Drici, Giám đốc công nghiệp của Cartier International tại Geneva (Thụy Sĩ), trong khâu chế tạo, thương hiệu này yêu cầu thợ đồng hồ có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm.

Ngoài ra, đối với bộ phận dịch vụ khách hàng, nhãn hiệu cũng có nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên lành nghề, có trình độ cao, hỗ trợ sửa chữa các sản phẩm đắt giá, phức tạp như Maison des Métiers d'Art.

Khi nhu cầu sở hữu đồng hồ cổ điển hoặc qua sử dụng tăng, việc tuyển dụng thợ sửa chữa, kiểm tra và chứng nhận đủ trình độ chuyên môn càng trở nên cấp bách. Các thương hiệu đang nỗ lực thu hút nhà sản xuất đồng hồ chuyên nghiệp để phát triển loại hình kinh doanh này.

Vị trí địa lý cũng ảnh hưởng đến vấn đề thiếu hụt nhân sự. Cụ thể, kỹ thuật viên được đào tạo tại Geneva (Thụy Sĩ) đều được chiêu mộ, tuyển dụng bởi các doanh nghiệp có trụ sở ở đó.

Édouard Meylan, Giám đốc điều hành thương hiệu H. Moser & Cie tọa lạc tại Schaffhausen (Thụy Sĩ), mất đến 2 năm để tìm một thợ đồng hồ đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tham gia vào đội ngũ sản xuất. Đối với các khu vực xa Geneva hơn, việc tìm kiếm nhân sự càng trở nên khó khăn.

Vì tình trạng khan hiếm nhân lực, các thợ đồng hồ mong muốn hưởng mức lương tốt hơn khi di chuyển đến khu vực xa xôi, hẻo lánh. Tuy nhiên, điều này tạo ra áp lực đối với các nhãn hàng độc lập như H. Moser & Cie.

Mức lương trung bình của nhân sự ngành đồng hồ tại Thụy Sĩ chạm ngưỡng 65.000 USD/năm, theo Kunz-Fernandez.

Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 8 Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 9
Thiếu thợ giỏi, đồng hồ xa xỉ ngày càng khan hiếm - ảnh 10

Các doanh nghiệp cần mở rộng chương trình đào tạo nội bộ, tránh phụ thuộc vào nguồn cung nhân sự của các trường học. Ảnh minh họa: Pexels/Tima Miroshnichenko.

Giải pháp

Theo Kunz-Fernandez, các trường đào tạo kỹ thuật viên của tập đoàn lớn như Richemont, Swatch, Rolex và LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton cần gia tăng số lượng sinh viên. Đồng thời, chương trình dạy nghề cần rút ngắn lại, giúp nhân sự nhanh chóng tham gia vào lực lượng lao động.

Karl-Friedrich Scheufele, đồng Chủ tịch của Chopard, khẳng định rằng các nhãn hàng nên bắt đầu chương trình đào tạo nội bộ, bất chấp chi phí trong giai đoạn này. Nếu không xây dựng cơ sở giáo dục riêng, doanh nghiệp thiếu đi sự chủ động, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhân sự từ các trường dạy nghề.

Sự thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực đồng hồ không chỉ xảy ra ở Thụy Sĩ, các doanh nghiệp tại Mỹ và châu Âu cũng phải đối mặt với vấn đề này. Tình trạng đáng báo động nhất xảy ra tại Đức, đặc biệt ở khu vực Glashütte vốn được mệnh danh là cái nôi của ngành chế tạo đồng hồ.

Theo Andrea Mehde, Giám đốc nhân sự và là thành viên hội đồng quản trị thương hiệu Wempe, số lượng thợ đồng hồ tại Đức là 3.233 trong năm 2019, giảm xuống 3.188 vào năm 2020, và chỉ còn 2.569 ở năm 2021. Về giáo dục, Đức hiện có 8 trường đào tạo, song số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ đạt 80-100 người.

Mehde cho biết doanh nghiệp của bà đã chi hơn 1 triệu USD để xây dựng không gian đào tạo trong các xưởng tại Hamburg (Đức) nhằm khắc phục khó khăn về sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Bên cạnh chi phí xây dựng chương trình giáo dục, cơ sở vật chất, công ty cũng đầu tư khoảng 24.247 USD/năm cho mỗi sinh viên, bao gồm chi phí sinh hoạt, di chuyển.

Tại Anh, do sự khan hiếm trường đào tạo thợ đồng hồ chuyên nghiệp, thương hiệu Bremont phải tự đào tạo nhân sự từ A-Z. Theo Giles English, đồng sáng lập Bremont, từ ngày đầu tiên mở xưởng, nhãn hàng đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thợ đồng hồ đủ trình độ chuyên môn để chế tạo và bảo dưỡng mặt hàng này.

Ở châu Á, phần lớn thương hiệu chủ động đào tạo đội ngũ công nhân viên. Tại Mỹ, chương trình đào tạo nhân sự cho lĩnh vực đồng hồ gần như không tồn tại.

“Không ai nghĩ rằng đây là một nghề nghiệp chính thức”, Ron Stoll, người sáng lập Stoll & Company, một trung tâm dịch vụ đồng hồ ở Dayton, Ohio (Mỹ), cho biết.

Stoll & Company phải tuyển dụng nhân sự chưa qua đào tạo, gửi họ đến các chương trình huấn luyện ngắn hạn, hỗ trợ tài chính trong suốt quá trình học tập. Đổi lại, nhân viên phải cam kết làm việc tại Stoll trong 3 năm sau khi tốt nghiệp.

Nhìn chung, người trẻ ngày càng ít quan tâm đến lĩnh vực chế tạo đồng hồ. Họ cho rằng đây là mặt hàng xa xỉ, không phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người. Hơn nữa, thế hệ trẻ mong muốn theo đuổi các ngành nghề mới mẻ, tiên tiến, hợp xu hướng hơn.

Thách thức của các tổ chức giáo dục là đổi mới chương trình học, gia tăng hứng thú cho học viên. Đây là cách chiêu mộ nhân tài hiệu quả nhất hiện nay.

Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm

Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.