Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Thuê người mua USD từ ngân hàng bán ra 'chợ đen' có thể bị phạt tù tới 20 năm

Pháp Luật 30/09/2022 - 01:29

ANTD.VN - Khi tỷ giá đồng USD tăng cao, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều hội nhóm thuê mua, đổi ngoại tệ dưới hình thức du lịch với mức phí lên tới 2 triệu đồng/ người khi mua/ đổi 5.000 USD. Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

Thuê người mua USD từ ngân hàng: “Việc nhẹ lương cao”?!

Hiện trên Zalo, Facebook, một số cá nhân đã công khai đăng thông tin thuê người mua, đổi USD với tiền công từ 1-2 triệu đồng/ngày. Người được thuê sẽ mua 3.000-5.000 USD từ 4-5 chi nhánh ngân hàng, song phải có hộ chiếu còn hạn sử dụng, chứng minh thư (hoặc căn cước công dân), có xe đưa đón, được phụ cấp bữa trưa. Đối tượng ược ưu tiên thuê là những người đi xuất khẩu lao động mới về nước, visa còn hạn.

Được biết, theo quy định hiện hành không phải ai cũng được phép mua ngoại tệ. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân, gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài (với mục đích học tập, chữa bệnh, hoặc đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài).

Để “lách” quy định trên, bên thuê người mua ngoại tệ đã yêu cầu người được thuê gửi thông tin hộ chiếu cùng chứng minh thư hay căn cước công dân. Sau đó, bên thuê sẽ lấy thông tin của các cá nhân này đặt vé máy bay để giả đi du lịch (thường là các nước trong khu vực Đông Nam Á để không bị mất thêm phí làm visa). Hầu hết vé máy bay chỉ được đặt trước một vài ngày, khi mua xong USD sẽ hoàn vé để lấy lại tiền, chấp nhận mất một mức phí theo quy định của hãng bay.

Thuê người mua USD từ ngân hàng bán ra 'chợ đen' có thể bị phạt tù tới 20 năm - ảnh 1

Tỷ giá đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng trong thời gian qua (ảnh TTXVN)

Mặc dù pháp luật cũng đã có quy định về loại ngoại tệ được mua, đó là công dân được mua ngoại tệ là đồng tiền của nước nơi đến. Song, nếu không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến, tổ chức tín dụng được phép thực hiện bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác. Do đó một số ngân hàng chỉ cần căn cứ vào hộ chiếu, visa, vé máy bay…sẽ bán USD theo yêu cầu của khách với thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn.

Dù phải trả một khoản phí không nhỏ để thuê người mua USD từ các ngân hàng, song do đồng ngoại tệ này có sự chênh lệch giá khá cao giữa các ngân hàng và “chợ đen” nên các đối tượng đứng ra thu gom đua nhau hốt bạc, số tiền thu lợi có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Nguy cơ phải ngồi tù

Nhận định về hiện tượng trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 5 Thông tư 18/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, cá nhân là công dân Việt Nam được quyền mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ với mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài với mức 100USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.

Song theo Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 18, tổ chức tín dụng được bán vượt mức trên căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của cá nhân.

Ngoài ra, số ngoại tệ tiền mặt tối đa cá nhân được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000USD. Do đó, một số đối tượng đã làm giả hồ sơ đi du lịch để thuê người đổi 5.000USD/người tại mỗi ngân hàng.

“Có thể nói đây là hành vi trục lợi hết sức nguy hiểm. Nó có thể tạo ra nhu cầu ngoại tệ ảo, thu lời bất chính khiến thị trường ngoại tệ của Việt Nam có biến động khó lường. Điều này cũng dẫn đến hiện tượng nhiễu loạn về tỉ giá ngoại tệ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát và điều hành tỉ giá ngoại tệ không chỉ với USD mà còn với các loại ngoại tệ khác” - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Về chế tài xử lý, trường hợp ngân hàng bán USD mà không kiểm tra mục đích thực của người mua để họ có cơ hội tuồn USD ra chợ đen hưởng chênh lệch tỉ giá thì ngân hàng này đã vi phạm Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi 2013 và các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu có căn cứ cho rằng có việc móc nối giữa nhân viên ngân hàng và các đối tượng mua ngoại tệ thì nhân viên ngân hàng, đối tượng chủ mưu tổ chức thực hiện và người được thuê đã vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính (theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP) hoặc xử lý hình sự.

Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về Tội kinh doanh vàng hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép quy định, người nào thực hiện các hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại tệ trái phép có thể sẽ bị phạt từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12-20 năm - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.