Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Tiếp sức cho sân khấu sau liên hoan

Văn hoá 03/10/2022 - 08:38

TTO - Tối 17-1, sau nửa tháng diễn ra khá sôi nổi, Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam vừa khép lại bằng buổi lễ tổng kết và trao giải tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM).

Tiếp sức cho sân khấu sau liên hoan - ảnh 1

Các buổi thi của Liên hoan kịch nói toàn quốc luôn có đông khán giả đến xem. Trong ảnh: Khán giả đến xem vở Ngược gió tại Nhà hát Thế giới Trẻ vào sáng 12-1 - Ảnh: GIA TIẾN

Sau những ngày hội hè, điều nhiều người quan tâm là những giải pháp để sân khấu thành phố tiếp tục sáng đèn.

Số lượng đơn vị và vở diễn vượt trội đã phần nào đem đến cho liên hoan không khí của những ngày hội khi hầu hết các buổi thi đều đông đúc khán giả và người làm nghề. Nhiều người trong nghề nhận xét liên hoan đợt này có nhiều vở đáng xem.

Có những nghệ sĩ tham gia đến 2 - 3 vở nhưng đều có những vai diễn ấn tượng như Tuyết Thu với Vân Dung thái hậu (Khóc giữa trời xanh) và Nhung (Bạch Hải Đường), Hòa Hiệp với ông Khanh (Mưa bóng mây) và Tình (Ngôi nhà trên thuyền), Nam Thư với Nương (Ngược gió) và Xuân (Bao giờ mẹ lấy chồng)...

Đặc biệt, bên cạnh một số đạo diễn trẻ gây chú ý tại liên hoan, đã có một lớp nghệ sĩ trẻ có thể đảm nhiệm từ 2-3 vai trò tác giả - đạo diễn - diễn viên như Chánh Trực, Xuân Trang, Quốc Thịnh, Thái Kim Tùng, Hoàng Tấn, Tây Phong, Mi Lê, Hoàng Vân Anh, Gia Bảo...

Bộc lộ thế mạnh của mỗi sân khấu

Với số lượng vở và đơn vị dự thi vượt trội, rất mừng là có những sân khấu đã đem đến liên hoan phong cách có nét riêng. Đó là Hoàng Thái Thanh luôn thể hiện sự chỉn chu, kỹ lưỡng trong việc mài giũa tâm lý nhân vật ở từng vở diễn.

Nhà hát Thế Giới Trẻ với êkip kịch của NSND Hoàng Yến chứng tỏ thế mạnh trong việc dựng kịch lịch sử. Nhà hát kịch 5B thử nghiệm xử lý sân khấu 3 mặt trong Công lý như Mặt trời - vở kịch duy nhất của liên hoan mang màu sắc châm biếm, đả kích.

Sân khấu Thế Giới Trẻ thể hiện chất trẻ rất rõ rệt khi "ra quân" lực lượng diễn viên trẻ trưởng thành từ sân khấu. Vở Ngược gió của sân khấu được rất nhiều người yêu thích và là vở diễn thấm đẫm màu sông nước miền Tây. Tiếc là vở bị lố giờ so với quy định nên không thể xét trao huy chương...

Liên hoan đợt này dù chưa đầy đủ nhưng sân khấu thành phố phần nào khoe được nguồn nhân lực khá dồi dào. Như Thế Giới Trẻ đã có một đội ngũ diễn viên ngày càng tiến bộ, có bản lĩnh sân khấu, nhạy bén và có thể đảm nhiệm tốt cả vai bi lẫn hài.

Cụ thể, với vở Bao giờ mẹ lấy chồng dựa trên một câu chuyện nhẹ nhàng, dễ thương, các diễn viên trẻ đã bung miếng khiến khán giả cười... mệt nghỉ! Cách làm của Thế Giới Trẻ cho thấy sân khấu hoàn toàn có thể trình làng những vở hài nhẹ nhàng, không cần cao siêu, khiến khán giả cười nghiêng ngả mà không sa vào hài nhảm.

Thế nhưng, vẫn còn những vở diễn có cách thể hiện cũ kỹ, khai thác tâm lý nhân vật một cách hời hợt.

Vở diễn khép lại liên hoan vào chiều ngày 16-1 Thiên sứ mùa tình yêu (Công ty đa phương tiện Nam Phong) gây thất vọng với việc ôm đồm quá nhiều vấn đề mà không nhấn mạnh được điều gì, cách dàn dựng và thể hiện nghiệp dư khiến không ít người tự hỏi vì sao vở chất lượng yếu như thế vẫn có thể lọt vào một liên hoan kịch nói chuyên nghiệp.

Cần hỗ trợ vở tốt, đấu thầu vở diễn

Mấy mùa liên hoan gần đây, điều đáng tiếc là chỉ có lịch diễn thi mà thiếu hẳn những cuộc tọa đàm giữa các ngày thi, xem cái gì được cái gì chưa được, từ đó người làm nghề, đặc biệt những người trẻ, rút được những kinh nghiệm bổ ích. Những cuộc tranh luận nghề nghiệp như vậy, rất tiếc, đã không được duy trì.

Với thực lực của mình, có lẽ các sân khấu cần kiểm soát chất lượng các vở diễn hậu liên hoan, không để lọt lưới những vở diễn hời hợt. Biết là sân khấu khó khăn trăm bề, thiếu kịch bản hay, diễn viên chạy sô... nhưng nếu cứ đưa ra sản phẩm dễ dãi sẽ dần đánh mất niềm tin của khán giả.

Về chuyện sống còn của sân khấu thành phố, trong 20 đơn vị dự thi, chỉ có chừng 5-6 đơn vị hiện có thể sáng đèn hằng tuần. Và họ đều là sân khấu xã hội hóa.

Có thể nói, sân khấu xã hội hóa là phần quan trọng quyết định bộ mặt của sân khấu thành phố và họ đang "bơi" một cách chật vật trong điều kiện hết sức khó khăn, đặc biệt là qua mùa dịch bệnh kéo dài gần cả năm trời.

Nên chăng từ liên hoan này, chúng ta nhìn rõ thế mạnh của từng đơn vị, khi có những dự án, vở diễn phù hợp hãy mạnh dạn trao vào tay họ cơ hội. Có thể chọn những vở được đánh giá cao tại liên hoan rồi tiếp sức cho họ bằng cách hỗ trợ để vở có thêm nhiều suất diễn, khán giả lại có thêm cơ hội được xem kịch hay.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf - từng đưa ra ý kiến về việc đấu thầu vở diễn, nghĩa là Sở VH&TT thành phố có thể công khai đưa ra dự án một vở diễn, các đơn vị nghệ thuật nào đảm bảo giá thầu tốt nhất, đảm bảo chất lượng tác phẩm, diễn được bao nhiêu suất... sẽ được nhận.

Sở sẽ là người thẩm định, đánh giá năng lực. Và khi được giao thực hiện, đơn vị phải chịu trách nhiệm rõ ràng trước sở, xã hội. "Nếu làm được điều đó thì sẽ kích thích các đơn vị xã hội hóa cố gắng làm thật tốt để có thể nhận được "gói thầu", có thêm động lực để giữ cho sân khấu thành phố sáng đèn" - ông Tuấn nói.

Trong đêm tổng kết, ban tổ chức đã trao 6 huy chương vàng (HCV) cho các vở Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ, thuộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), Mưa bóng mây (Công ty TNHH giải trí Hero Film), Thành phố tình yêu (Nhà hát Kịch TP.HCM), Khóc giữa trời xanh (Công ty cổ phần Sử Việt), Câu hò đất mẹ (Công ty TNHH Phiêu Linh), Bao giờ mẹ lấy chồng (sân khấu Thế Giới Trẻ).

Ngoài ra còn có 5 vở đoạt huy chương bạc (HCB) và 8 vở huy chương đồng (HCĐ). Về giải cá nhân có 40 HCV, 46 HCB và 19 HCĐ.