Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

TikTok chảy máu nhân sự

Chuyện lạ 29/09/2022 - 00:22

Hàng loạt nhân viên TikTok tại Mỹ đã từ chức vì bất mãn với cách lãnh đạo của công ty mẹ tại Trung Quốc.

TikTok chảy máu nhân sự - ảnh 1

Theo nguồn tin nội bộ của Forbes, trong vòng 2 năm trở lại, ít nhất 5 lãnh đạo cấp cao đã rời khỏi cơ sở của TikTok ở Mỹ vì họ nhận ra rằng mình không hề có quyền lực thực sự tại công ty. Trong đó, 3 người cho biết sau khi nhậm chức, họ bị ép phải làm theo lời của trụ sở ByteDance, công ty mẹ của TikTok ở Trung Quốc, thay vì được quyền tự quyết.

Làm theo lệnh trụ sở ở Mỹ

“Trụ sở đã đưa ra rất nhiều chỉ thị buộc chúng tôi phải làm theo, nên vai trò lãnh đạo của chúng tôi dần trở nên thừa thãi”, một cựu giám đốc nói. Bên cạnh đó, vì đã có kinh nghiệm lâu năm trong ngành nên người này cũng không muốn bị ra lệnh như vậy.

Một cựu nhân viên khác, từng đảm nhiệm mảng hoạch định chiến lược, cho biết 4 trưởng ban ở trụ sở Bắc Kinh, Trung Quốc cũng nộp đơn xin nghỉ việc sau đợt cải tổ ở TikTok. Những người này tỏ ra bất mãn về cách lãnh đạo của công ty mẹ ByteDance.

Cựu nhân viên này còn nói rằng những đợt từ chức gần đây đều có chung một kịch bản giống hệt nhau. “Họ được tuyển dụng vào chức trưởng nhóm ở Mỹ nhưng sau đó lại bị sa thải hoặc cắt giảm do ban quản lý ở Trung Quốc”, người này cho biết.

TikTok chảy máu nhân sự - ảnh 2

ByteDance ra sức nắm quyền lãnh đạo ở TikTok Mỹ, khiến nhiều nhân viên bất mãn và muốn nghỉ việc. Ảnh: New York Times.

Trong đó, Roland Cloutier, Giám đốc An ninh toàn cầu, đã nghỉ việc hồi tháng 7. Là nhân sự quan trọng của công ty nhưng Cloutier đã từ bỏ chức vụ này vì không hài lòng với cách lãnh đạo của TikTok. Cụ thể, công ty này có ý định thành lập một ban mới để quản lý dữ liệu người dùng ở Mỹ nhằm “giảm sức ảnh hưởng của Giám đốc An ninh toàn cầu”, theo lời của CEO Shou Zi Chew.

Không chỉ Roland Cloutier, nhiều nhân viên khác cũng bất mãn khi không thể ảnh hưởng lên bất cứ quyết định quan trọng nào của TikTok. Một cựu giám đốc chia sẻ rằng ông từ chức vì không có quyền thay đổi các chiến lược quan trọng trong công ty. Cấp trên ở Trung Quốc không tin tưởng ông và cách làm việc giữa họ cũng có nhiều bất đồng.

“Họ cần một người luôn nghe lời và làm chân chạy việc sai vặt cho mình, thay vì một quản lý thực thụ”, người này tỏ ra phẫn nộ.

Làn sóng nghỉ việc đã khiến nhiều nhân viên nghi ngờ về định hướng của TikTok. Nếu cách thức lãnh đạo không thích hợp với văn hóa Mỹ, công ty mạng xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt. “Họ sẽ không thể chống chọi nổi với xu hướng nghỉ việc hàng loạt vì thiếu người lãnh đạo và bất đồng văn hóa”, một cựu nhân viên nhận định.

Theo Forbes, xu hướng nghỉ việc xảy ra ngay đúng vào thời điểm nhạy cảm của TikTok khi tập đoàn ByteDance bị tố cáo vì chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của người dùng Mỹ cho trụ sở Trung Quốc hồi tháng 7.

Mặt khác, nhân sự công ty cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh khi có kế hoạch chiêu mộ thêm 10.000 nhân viên ở cơ sở Mỹ. Một nguồn tin nội bộ cũng chỉ ra quy mô nhân sự của TikTok Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 tháng và tuyển dụng thêm 3.700 người kể từ đầu năm 2021.

Sức ép đang đè nặng TikTok

Một số nhân viên trong số đó được thuê để tham gia dự án Project Texas, giúp bảo vệ một số dữ liệu mật không thể di chuyển ra bên ngoài nước Mỹ và đến Trung Quốc. Đây là một trong những nỗ lực của TikTok Mỹ nhằm trấn an những lo ngại về dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị truy cập dễ dàng tại Trung Quốc.

Trước đó, năm 2019, công ty mạng xã hội này đã khẳng định rằng không lưu thông tin người dùng Mỹ ở trụ sở Trung Quốc. Nhưng một báo cáo của BuzzFeed News đã tiết lộ rằng các nhân viên của ByteDance tại trụ sở Trung Quốc đã nhiều lần truy cập vào dữ liệu nhạy cảm về người dùng TikTok ở Mỹ.

TikTok chảy máu nhân sự - ảnh 3

Mỹ lo ngại TikTok sẽ trở thành một mối đe dọa an ninh quốc gia. Ảnh: Getty Images.

“Mọi thứ đều được giám sát từ Trung Quốc,” một thành viên của bộ phận An toàn và Tin cậy của TikTok cho biết trong một cuộc họp vào tháng 9/2021. Trong một cuộc họp khác, một kỹ sư ở Bắc Kinh được gọi là “Quản trị viên tổng” (Master Admin), người “có quyền truy cập vào mọi thứ”.

Ngay sau đó, 9 nghị sĩ đã yêu cầu điều tra TikTok về quyền riêng tư của người dùng trên nền tảng. Thành viên Ủy ban Truyền thông Liên bang (Mỹ) còn kêu gọi Google và Apple xóa TikTok khỏi kho ứng dụng. Ví nền tảng này là “sói đội lốt cừu”, họ cho rằng đây là mối họa cho an ninh quốc gia khi thu thập quá nhiều dữ liệu người dùng nước này gửi về Trung Quốc.

Không những thế, 5 thành viên trong Quốc hội còn đề xuất dự luật cấm nhân viên TikTok Trung Quốc truy cập vào thông tin người dùng Mỹ, đồng thời cấm tải TikTok trên các thiết bị dùng trong văn phòng chính phủ.

“Chính quyền Trung Quốc sử dụng dữ liệu người dùng TikTok Mỹ cho những mục đích bất chính. Vì thế, hành động cấm nền tảng này sẽ khiến người Mỹ trở nên cẩn trọng hơn khi sử dụng”, Dusty Johnson, người ủng hộ dự luật, cho biết.

Dưới sức ép của chính quyền, TikTok cam kết sẽ hạn chế tiếp xúc công ty mẹ tại Trung Quốc. Nhưng nhiều nhân viên nói rằng ByteDance vẫn có quyền kiểm soát công ty mạng xã hội tại Mỹ và hai bên vẫn tiếp tục trao đổi và làm việc với nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến hàng loạt nhân sự cấp cao của công ty nghỉ việc.

Tuy nhiên, chia sẻ với Forbes, một cựu nhân viên TikTok cho biết họ nhận lương từ ByteDance chứ không phải TikTok. Một người khác còn nói rằng trong hợp đồng viết người sử dụng lao động là TikTok nhưng tờ khai thuế lại do ByteDance đại diện.

Những nhân viên làm ở mảng sản phẩm, kỹ sư và chiến lược ở TikTok cũng cho biết họ phải báo cáo công việc trực tiếp với lãnh đạo ByteDance ở Trung Quốc, đồng thời các quyết định quan trọng về sản phẩm thường phải do tập đoàn mẹ phê duyệt, thay vì ban giám đốc của TikTok Mỹ.