Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Trưởng công an xã dạy học không công, cắt tóc miễn phí cho trẻ em

Giới trẻ 11/08/2022 - 00:53

TTO - Lớp học 10 thành viên của ''thầy giáo không chuyên'' Thạch Bình lúc nào cũng thú vị, sinh động và rộn rã tiếng nói cười.

Trưởng công an xã dạy học không công, cắt tóc miễn phí cho trẻ em - ảnh 1

Lớp học dưới bóng cây của Thạch Bình và các em nhỏ tràn đầy ấm áp, yêu thương - Ảnh: C.CÔNG

Buổi học không có bảng đen, phấn trắng, không cố định thời gian học và cũng chẳng ổn định chỗ dạy. Nhưng lớp dạy văn hóa tiếng Việt, tiếng Khmer "đặc biệt" của một thầy giáo "không chuyên" - đại úy Thạch Bình, trưởng Công an xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), và 10 cô cậu học trò nghèo ở nhiều lứa tuổi đều đặn diễn ra mỗi buổi trưa thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

Ước mơ của Thạch Bình

Thới Xuân là một xã nghèo vùng sâu, đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chiếm khoảng 30% dân số. Mặt bằng dân trí thấp, bà con dân tộc ở đây chủ yếu sống bằng nghề cửu vạn. Gia đình của đại úy Thạch Bình trước đây cũng không ngoại lệ. 

Anh nỗ lực học tập và đậu ngành công an. Năm 2008, tốt nghiệp ra trường, Thạch Bình công tác tại đội an ninh quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Sau đó gần 10 năm, ngày 27-12-2017, Thạch Bình trở về công tác tại quê nhà. 

Là đàn anh và người từng trải, anh Thạch Bình hiểu các thế hệ đàn em ở trong xóm cần gì để phát triển bản thân. Bởi vì để có một đại úy Thạch Bình tận tụy với công việc và cháy cho bằng cạn "ước mơ" thì anh cũng từng đi qua những chuỗi tháng ngày cơ cực.

Thạch Bình nói: "Hồi đó tôi khó khăn và cũng tại ngôi chùa Settordo, tôi được các vị sư ở đây dạy học và dạy cách sống ở đời. Lớn lên, tôi trưởng thành, quay về quê truyền đạt lại kiến thức cho trẻ em nghèo là ước mơ của tôi và tôi cần phải làm".

Dạy chữ, dạy luôn cách sống ở đời

Năm học mới, Thạch Bình vận động đồng nghiệp, bạn bè và các nhà hảo tâm góp tiền mua 5.000 quyển vở và 50 cặp da làm quà trao tặng cho các em học sinh nghèo hiếu học ở địa phương. Tuy nhiên, anh nghĩ: "Bao nhiêu đó thật sự chưa đủ".

Thấy tại chùa Settordo có lớp học, anh liền xin các sư để anh đến đây "truyền lửa tri thức" cho các em dân tộc nghèo trong xóm. Sau chuỗi thời gian dài ấp ủ, mãi đến tháng 8-2019, lớp học dạy tiếng Việt và dạy văn hóa ứng xử của thầy giáo "tay ngang" Thạch Bình được khai giảng với gần 10 cô, cậu học trò theo học. 

Gia đình các em hầu hết đều nghèo. Đi học về, đứa giữ em cho ba mẹ ra đồng, đứa tranh thủ đi mò cua bắt ốc ngoài mương để kiếm tiền, đứa nghỉ học sớm lông nhông trong xóm. Đứa nào đứa nấy thiếu ăn gầy gò, đen nhẻm.

Thạch Bình

Để buổi học chữ không xuề xòa qua loa, ngoài công việc cần làm tại cơ quan, Thạch Bình tranh thủ thời gian nghiên cứu nét chữ, phong tục tập quán bản xứ và dịch chữ từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt... 

"Tôi tìm một câu nói hay nào đó của người Việt rồi dịch sang tiếng Khmer và ngược lại. Đại khái các em biết tiếng Việt, tiếng Khmer là được. Thỉnh thoảng xem trên mạng Internet, tôi kể lại những câu chuyện về đạo lý cuộc sống cho các em nghe" - Thạch Bình tâm sự.

Lớp học của Thạch Bình lúc nào cũng thú vị, sinh động và rộn rã tiếng nói cười. "Cái gì con không biết, không hiểu, hay những chữ con không biết, thầy Bình luôn chỉ cho con. Do đó, con học khá hơn lúc trước. Còn các em học lớp nhỏ thì thầy Bình dạy thêm toán, tiếng Việt. Học giờ thầy Bình, gần 10 đứa tụi con vui lắm. Tụi con mong muốn thầy Bình dạy hoài" - em Lê Hồng Phong (học sinh lớp 8A9 Trường THCS Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) vui vẻ nói.

Sau lớp học này, tôi hi vọng thế hệ đàn em hiểu biết nhiều hơn về nét chữ, phong tục tập quán, văn hóa ứng xử. Đi học, lớn lên các em biết cách ứng xử ở đời và trở thành người hữu ích cho xã hội

Thạch Bình

Trưởng công an xã dạy học không công, cắt tóc miễn phí cho trẻ em - ảnh 2

Tiếp cận, lắng nghe ý dân là cách đại úy Thạch Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - Ảnh: CHÍ CÔNG

Giúp thanh niên lầm lạc hoàn lương

Thạch Bình, trạc ngoài 30 tuổi, là cán bộ làm công tác dân vận rất giỏi ở địa phương. Đặc biệt, về quê phục vụ hơn 2 năm, anh trở thành "điểm tựa" cho thanh niên lầm lạc tìm đường quay về, làm ăn lương thiện.

Ở cùng xóm với Thạch Bình, bà Đào Thị Thanh nhìn nhận trước khi Thạch Bình trở về đây làm thì tình hình an ninh trật tự địa phương rất xáo trộn, phức tạp; đối tượng thanh niên ở địa phương lầm lạc chơi đá gà, ma túy, nhậu nhẹt phá làng phá xóm rất nhiều.

"Thạch Bình về đây, ý thức người dân thay đổi rất nhiều. Thạch Bình được lắm. Dân nào khổ là Thạch Bình tận tình giúp đỡ, từ lon gạo đến giấy tờ. Trẻ em đi học thiếu thốn, Thạch Bình cũng dạy chữ miễn phí, vận động tập sách cho. Thanh niên quậy phá, Thạch Bình quan tâm, tìm cách hướng nghiệp làm ăn. Thạch Bình rất được" - bà Thanh nhận xét.

Anh Đoàn Văn Cứ trước đây là tay ăn chơi, quậy phá khét tiếng ở địa phương, nay nhờ Thạch Bình mà đã hoàn lương.

"Trước đây em tệ lắm, cứ nhậu vô là quậy phá, tụ tập chơi bời, không lo chí thú mần ăn. Hầu như em đánh mất chính mình. May mắn em được anh Bình quan tâm, chỉ dẫn và giới thiệu việc làm. Em làm lương hơn 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình ổn định. Không có ảnh, có lẽ bây giờ em cũng chỉ là thằng nghiện rượu" - Cứ chia sẻ.

Nghề "cầm đầu" trẻ em miễn phí

Trưởng công an xã dạy học không công, cắt tóc miễn phí cho trẻ em - ảnh 3

Rảnh rỗi, đại úy Thạch Bình cắt tóc “miễn phí” cho trẻ em nghèo - Ảnh: C.C.

Giờ làm việc và dạy học nhiều hơn giờ nghỉ nhưng cứ hơn nửa tháng hay một tháng, đại úy Thạch Bình lại trổ tài tay nghề "cầm đầu" - cắt tóc trẻ em, miễn phí một lần. Anh bày tỏ trước đây có học qua nghề hớt tóc, về quê thấy tụi nhỏ tóc tai bù xù thì hớt cho lịch sự, gọn gàng.

"Thứ bảy, chủ nhật có thời gian rảnh là tôi hớt. Mỗi lần tôi tập hợp 3 đến 4 đứa lại. Hớt hết đứa này đến đứa kia. Việc làm nhỏ nhưng tôi nghĩ cha mẹ các em ấy sẽ đỡ tốn tiền phần nào. Các em vui, tôi cũng vui" - Thạch Bình nói.