Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Từ chiếc cặp sách nặng 10kg đến dành ít nhất 15 tiếng để học tập: Học sinh Nhật Bản chưa bao giờ kiệt sức đến thế!

Đời sống 28/03/2023 - 04:49

Trọng lượng trung bình của một chiếc balo mà học sinh Nhật Bản phải đeo là 4,28kg. Nhiều khi, con số đó lên đến hơn 10kg.

Những đứa trẻ khoảng 6 tuổi nặng nề vác trên vai những chiếc Randoseru chứa toàn sách là cảnh tượng rất đỗi quen thuộc đối với người dân Nhật Bản hàng ngày. Randoseru là một từ tiếng Nhật bắt nguồn từ tiếng Hà Lan cũ mang nghĩa là balo. Có thể nói, đây là một món đồ không thể thiếu của mọi học sinh tiểu học tại Nhật bởi nó là "kho" lưu trữ mọi thứ từ sách, vở, bút, tẩy đến quần áo, đồ ăn... mà một đứa trẻ cần có trong một ngày ở trường.

Không thể phủ nhận tính hữu dụng của chiếc cặp Randoseru nhưng nó lại cũng chính là nguồn cơn đẩy tinh thần và sức khỏe của những đứa trẻ đi xuống khi ngày nào chúng đều phải mang chiếc cặp nặng đến mức ê ẩm lưng và vai.

Từ chiếc cặp sách nặng 10kg đến dành ít nhất 15 tiếng để học tập: Học sinh Nhật Bản chưa bao giờ kiệt sức đến thế! - ảnh 1

Nhiều học sinh đang phàn nàn về việc balo mang đi học hàng ngày của chúng quá nặng đến mức bị đau ê ẩm lưng và vai (Ảnh minh họa)

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Footmark - một nhà sản xuất đồ bơi cho học sinh có trụ sở tại Tokyo, trong số hơn 90% trẻ em trong độ tuổi 6-12 sử dụng cặp Randoseru cho biết trọng lượng balo chúng mang đến trường ngày một nặng hơn. Độ "nặng" ở đây ám chỉ cả nghĩa đen và nghĩa bóng - sức nặng của kiến thức và trọng lượng của balo.

Còn trong một cuộc khảo sát 1.200 phụ huynh và con cái học lớp một, lớp hai và lớp ba của tờ Yomiuri Shimbun báo cáo rằng, 90% phụ huynh thấy cặp của con trẻ đang bị quá khổ quá tải so với một đứa trẻ 6, 7 tuổi.

Những chiếc cặp ban đầu được giới thiệu để khuyến khích trẻ em yêu thích việc đi bộ đến trường và được sản xuất để phục vụ học sinh trong suốt sáu năm đầu tiên của chương trình giáo dục bắt buộc, thế mà giờ đây lại là nỗi "ám ảnh" đối với bọn trẻ.

Thậm chí, Yomiuri đưa tin trọng lượng trung bình của một chiếc Randoseru chứa đầy sách và các vật dụng khác hiện tại là 4,28kg, tăng hơn so với con số 3,97kg vào năm 2022. Đó chưa kể đến việc trong một vài trường hợp, trẻ phải vật lộn với chiếc balo nặng hơn 10kg.

Từ chiếc cặp sách nặng 10kg đến dành ít nhất 15 tiếng để học tập: Học sinh Nhật Bản chưa bao giờ kiệt sức đến thế! - ảnh 2

Một số học sinh Nhật Bản phải vật lộn với chiếc balo nặng hơn 10kg (Ảnh minh họa)

Gần 1/4 trẻ em trong tình trạng đau vai hoặc lưng khi mang chiếc cặp toàn sách đó đến trường, trong khi 65% số trẻ được hỏi cho biết chúng muốn đổi chiếc Randoseru của mình để lấy thứ gì đó nhẹ hơn.

Về bản chất, những chiếc cặp Randoseru có giá không hề rẻ. Theo một cuộc khảo sát của hiệp hội công nghiệp Randoseru Kogyokai, mỗi chiếc cặp sách có giá trung bình là 56.425 yên (gần 10 triệu đồng) vào năm 2022. Giá đã tăng gần 20.000 yên (gần 3,6 triệu đồng) trong thập kỷ qua.

Một số cơ quan giáo dục địa phương đã giải quyết vấn đề cân nặng của balo bằng cách cho phép học sinh để sách giáo khoa lại lớp học, đặc biệt là trong những tháng hè ẩm ướt bất chấp lo ngại rằng điều đó sẽ khiến học sinh không thể làm bài tập về nhà.

Vào năm 2022, thị trấn Tateyama cũng đã yêu cầu một nhà sản xuất quần áo ngoài trời tạo ra một chiếc balo nhẹ hơn sau lo ngại về chi phí sản xuất Randoseru ngày càng tăng. Tờ Asahi Shimbun đưa tin, chúng sẽ được trao miễn phí cho trẻ em địa phương vào tháng 4 này.

Những góc khuất của nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới

Suguro Nishizawa - một cán bộ thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản là hình mẫu tham vọng mà các bà mẹ Nhật luôn mơ ước con trai mình lớn lên có thể trở thành. Sự chăm chỉ và siêng năng đã giúp ông Nishizawa vượt qua kỳ thi tuyển sinh cam go vào được Đại học Tokyo - một trong những ngôi trường danh giá hàng đầu Nhật Bản.

Có được bằng tốt nghiệp của trường Đại học Tokyo có nghĩa con đường sự nghiệp được mở rộng thênh thang. Vậy nên không có gì khó hiểu khi sau khi tốt nghiệp, Nishizawa đã chọn vào Bộ Tài chính - nơi có hơn 90% các quan chức cấp cao có xuất thân từ Đại học Tokyo.

Tưởng rằng đó chỉ là câu chuyện truyền cảm hứng thông thường nhưng trong đó ẩn chứa nhiều điều khó nói mà các nhà quản lý gọi là cuộc khủng hoảng trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản.

Từ chiếc cặp sách nặng 10kg đến dành ít nhất 15 tiếng để học tập: Học sinh Nhật Bản chưa bao giờ kiệt sức đến thế! - ảnh 3

(Ảnh minh họa)

Ai cũng biết Nhật Bản là đất nước có chế độ thu hút nhân tài thuần túy nhất thế giới: Thành công trong cuộc sống sau này gắn liền với thành công trong học tập, và triển vọng nghề nghiệp của một người theo được quyết định bởi trường đại học mà người đó theo học. Tuy nhiên, với những hình mẫu như Nishizawa, các chuyên gia tin rằng nhiều học sinh Nhật Bản đang "ép chín" bản thân với một tốc độ quá nhanh để theo đuổi mục tiêu được nhận vào một trường đại học hàng đầu.

Gánh nặng là rất lớn nên không có gì lạ khi một học sinh 12 tuổi người Nhật đã phải dành ít nhất 8 tiếng ở trường và sau đó 3 tiếng ở trường luyện thi đặc biệt (hay còn gọi là juku) chỉ để tăng thêm 4 tiếng làm bài tập về nhà vào tối hôm đó.

"Tôi đã chứng kiến những đứa trẻ 14 tuổi bị kiệt sức. Học sinh hiện nay phải chịu quá nhiều áp lực”, Hiroshi Adzuma - trưởng khoa giáo dục tại Đại học Tokyo chia sẻ.

Cuộc tranh luận đã ngày càng trở nên gay gắt. Áp lực học tập là vấn đề không quá mới mẻ với học sinh Nhật, các kỳ tuyển sinh vào các trường đại học từ lâu đã được xác định chỉ dựa trên các kỳ thi đầu vào với những bài kiểm tra kiến thức nhiều môn học khác nhau. Nhưng nhiều người cho rằng tình trạng này đang trở nên tồi tệ hơn, bởi môi trường học tập kiểu "nồi áp suất" có thể làm cạn kiệt sự sáng tạo và chủ động của một số sinh viên tài năng nhất.

"Tình hình hiện tại thật là tồi tệ. Chúng ta không thể mong đợi sự phát triển trí tuệ trẻ cho tương lai đất nước dưới một hệ thống giáo dục đang bóp nghẹt tinh thần của học sinh ngay từ khi còn nhỏ như vậy”, Makato Kikuchi - giám đốc nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Sony cho biết.

Từ chiếc cặp sách nặng 10kg đến dành ít nhất 15 tiếng để học tập: Học sinh Nhật Bản chưa bao giờ kiệt sức đến thế! - ảnh 4

Người Nhật tin rằng thành công trong cuộc sống sau này gắn liền với thành công trong học tập (Ảnh minh họa)

Có một điều chắc chắn là dù thế nào, việc vào những trường như Đại học Tokyo sẽ ngày càng khó khăn hơn. Các trường đại học thường chỉ tuyển sinh khoảng 1/3 số học sinh tốt nghiệp trung học của đất nước. Kết quả là một cuộc tranh giành đầu vào của các trường đại học danh giá trở nên gay gắt đến mức các trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ cũng phải "chào thua". Chẳng hạn, trong khi Đại học Harvard chấp nhận 17% số người đăng ký vào trường, thì ông Adzuma ước tính rằng chưa đến 1% những người tham gia kỳ thi tuyển sinh của Đại học Tokyo đủ điều kiện nhập học.

Theo Takahiro Goto, Giám đốc trường luyện thi GS Shingaku Kyoshitsu ở Tokyo, đúng là có một số học sinh Nhật học hành "điên cuồng", nhưng đó không phải tất cả. Trong số các học sinh tốt nghiệp phổ thông, trung bình có 50% sẽ đi học trường nghề rất dễ tiếp cận hoặc đi làm luôn; 25% vào những trường đại học mà "ai cũng có thể vào được".

Chỉ có 25% được gọi là jukensei (thụ nghiệm sinh, các thí sinh cho kỳ thi) là phải chuẩn bị cật lực cho các trường đại học top trên. Chưa kể, đó là tỷ lệ ở các thành phố lớn như Tokyo mà thôi; tỷ lệ ở các vùng nông thôn sẽ có sự khác biệt nhất định với số jukensei thấp hơn. Thời khóa biểu cả tuần của một jukensei gần như không còn chỗ để thở và phải "chạy show" không nghỉ từ 6h sáng đến 11-12h đêm.

Từ chiếc cặp sách nặng 10kg đến dành ít nhất 15 tiếng để học tập: Học sinh Nhật Bản chưa bao giờ kiệt sức đến thế! - ảnh 5

Thời khóa biểu cả tuần của một jukensei gần như không còn chỗ để thở và phải "chạy show" không nghỉ

Tetsuya Kobayashi - trưởng khoa giáo dục tại Đại học Kyoto, một trường đại học được coi là có uy tín chỉ đứng sau Đại học Tokyo, cho biết: "Học sinh trung học cơ sở tìm mọi cách để vào được các trường trung học phổ thông có chất lượng đào tạo tốt. Ngay cả các em học sinh tiểu học giờ cũng lo lắng về việc vào các trường trung học cơ sở chất lượng để có bàn đạp tốt vào đại học".

Vì trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thường là liên cấp, nên nếu muốn có khởi đầu tốt, cuộc đua vào đại học thực ra đã phải bắt đầu từ khi học tiểu học, khởi đầu bằng việc thi tuyển vào các trường trong top.

Theo số liệu từ Trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia được Nippon tổng hợp năm ngoái, hơn một nửa số học sinh phổ thông tại Nhật có dấu hiệu trầm cảm nhẹ trở lên. Đặc biệt, tỷ lệ trầm cảm tỷ lệ thuận với cấp học. Do đó, nhiều bậc cha mẹ hiện nay đang phải đấu tranh giữa việc mong muốn nhìn thấy con mình thành công trong một xã hội ngày càng cạnh tranh và tận hưởng tuổi thơ bình thường.

Theo The Guardian, CSmonitor