Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Vùng đất Na Uy vừa chặn đường Nga: "Gót chân Achilles ở Bắc Cực" của NATO

Thế giới 01/07/2022 - 20:53

Về mặt quân sự, Svalbard có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng.

Nga dọa trả đũa Na Uy

Hôm thứ Tư ngày 29/6, Moscow cáo buộc Na Uy chặn đường vận chuyển hàng hóa cho người Nga sống ở quần đảo Svalbard nằm ở Bắc Cực, thuộc chủ quyền của Na Uy và đe dọa Oslo sẽ bị trả đũa.

"Chúng tôi yêu cầu phía Na Uy giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời thông báo Đại biện Na Uy ở Moscow đã được triệu tập.

"Chúng tôi nhấn mạnh rằng các hành động không thân thiện đối với Nga đều dẫn đến các biện pháp trả đũa", bộ này nói thêm.

Nga tuyên bố rằng Na Uy đã chặn nguồn cung cấp thiết bị và thực phẩm tại cửa khẩu biên giới trên bộ Storskog ở lục địa Na Uy. Số hàng này theo dự kiến sẽ được chất lên một con tàu đến Svalbard cho các thợ mỏ Nga ở quần đảo Svalbard.

Theo ông Sergei Gushkin, lãnh sự Nga tại quần đảo Bắc Cực, lô hàng gồm 20 tấn hàng hóa, trong đó có 7 tấn thực phẩm, linh kiện và các thiết bị cần thiết để chuẩn bị cho mùa đông.

Nhà ngoại giao cho biết, Na Uy đang phong tỏa hàng hóa theo lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu EU dù nước này chưa phải là thành viên của EU.

Ông Gushkin cho biết Nga đang tìm kiếm các tuyến đường cung cấp thay thế, bao gồm từ châu Âu hoặc đường biển từ thành phố Murmansk của Nga.

Svalbard nằm ở đâu?

Svalbard, cách Bắc Cực một nghìn km, có diện tích gấp đôi Bỉ và đôi khi được ví như "gót chân Achilles ở Bắc Cực" của NATO.

Một hiệp ước Paris năm 1920 công nhận chủ quyền của Na Uy đối với Svalbard nhưng cũng đảm bảo rằng 46 quốc gia ký kết khác - bao gồm cả Nga - được tự do khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó "trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng".

Vùng đất Na Uy vừa chặn đường Nga:

Hệ thống phòng thủ của Nga ở khu vực gần Svalbard. Ảnh: Mikkola

Trong nhiều thập kỷ, Nga ngay này và Liên Xô trước đây đã khai thác than ở vùng lãnh thổ này, nơi có ít hơn 3.000 người thuộc khoảng 50 quốc tịch sinh sống.

Tờ Euronews cho biết, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kossachev đã cáo buộc Oslo vi phạm Hiệp ước Paris, khiến nhiều người Nga trên đảo thiếu thực phẩm. Tuy nhiên, lãnh sự Nga phủ nhận việc xảy ra bất kỳ nguy cơ thiếu lương thực nào.

Đáng chú ý, về mặt quân sự, Svalbard có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nó nằm giữa biển Barents, giữa Greenland (Đan Mạch) và Na Uy. Bên kiểm soát Svalbard cũng có thể kiểm soát các tuyến đường quan trọng từ Biển Barents đến Bắc Đại Tây Dương.

Các tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc Nga cũng phải đi qua gần đảo Gấu, hòn đảo cực nam của Svalbard, để tiến vào Bắc Đại Tây Dương.

Arild Mo, một nhà khoa học chính trị tại Viện Fritjof Nansen ở Na Uy, nói với France 24 rằng, "lợi ích chính của Nga là tránh tình huống người khác sử dụng đảo để gây hấn".

Ông nói thêm rằng, để đảm bảo điều đó xảy ra, Nga "duy trì sự hiện diện hợp lý và rất chú ý đến những gì đang diễn ra".

Tờ The Barents observer cho hay, đối với Hạm đội Phương Bắc của Nga, "khe hở" đảo Gấu nằm giữa lục địa Na Uy và quần đảo Svalbard là chìa khóa để tiến hành các hoạt động từ chối hàng hải ở khu vực này, đồng thời có khả năng đe dọa các đường liên lạc trên biển xuyên Đại Tây Dương của NATO.

Na Uy bị tấn công mạng

Hôm thứ Tư ngày 29/6, nhà chức trách Na Uy cũng báo cáo rằng một cuộc tấn công mạng đã tạm thời đánh sập các trang web công cộng và riêng tư.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre nói rằng theo ông được biết, cuộc tấn công "không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào".

Cơ quan An ninh Quốc gia Na Uy (NSM) cho biết, cuộc tấn công đã nhắm mục tiêu vào một mạng dữ liệu quốc gia an toàn. Nó buộc một số trang web công cộng và tư nhân phải tạm thời đình chỉ các dịch vụ trực tuyến của họ.

Tờ Euronews đưa tin, người đứng đầu NSM Sofie Nystrøm cáo buộc, một nhóm tin tặc thân Nga dường như đứng sau các vụ tấn công này.

Bà nói thêm rằng, các cuộc tấn công "tạo ấn tượng rằng chúng tôi là một phần trong tình hình chính trị hiện tại ở châu Âu".

Vụ việc xảy ra hai ngày sau khi một cuộc tấn công tương tự đánh sập tạm thời các trang web công cộng và riêng tư ở Lithuania mà theo Euronews, một nhóm tin tặc thân Moscow được cho là đã nhận trách nhiệm.

Vụ việc đó xảy ra sau khi các quan chức Nga đe dọa sẽ trả đũa vì Lithuania hạn chế thông quan hàng hóa nằm trong danh sách bị trừng phạt đến vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga - Kaliningrad.

Hiện phía Điện Kremlin chưa lên tiếng về các cáo buộc này.

https://soha.vn/vung-dat-na-uy-vua-chan-duong-nga-got-chan-achilles-o-bac-cuc-cua-nato-20220630143605351.htm