Tin247

Đàn ông không phải khóc thầm nữa

09 May,24

Hình tượng đàn ông theo tiêu chuẩn truyền thống gắn liền với sức mạnh thể chất. Ảnh: tvN.

Theo Báo cáo Xu hướng Sức khỏe Toàn cầu năm 2024, các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần giúp phụ nữ trở nên cởi mở hơn, giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Skyler Hubler và Cecelia Girr của công ty quảng cáo toàn cầu TBWA cho biết rằng những dịch vụ này tập trung nhiều vào khách hàng nữ.

Nếu đàn ông cảm thấy không ổn, họ sẽ nhận lại những lời hỏi thăm sáo rỗng liên quan đến thể chất. Điều này bắt nguồn từ quan điểm truyền thống về sức mạnh của nam giới.

Nhìn chung, sự khỏe mạnh của đàn ông được thể hiện qua những thử thách thể lực, bài tập sức mạnh hay khả năng chinh phục độ cao.

Song, quan điểm này dần thay đổi. Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần hiện nay bắt đầu hướng đến nam giới, theo SCMP.

Một số quan điểm truyền thống ngăn cản nam giới quan tâm đến sức khoẻ tinh thần. Ảnh minh hoạ: Pexels/Timur Weber.

‘Nam tính độc hại’

“Nếu không học cách chôn vùi cảm xúc, đàn ông có thể bị coi là yếu đuối. Đó là nỗi sợ lớn nhất của nam giới. Văn hoá đại chúng ngăn cản cánh mày râu chăm sóc sức khỏe tâm lý, cải thiện đời sống tình cảm”, nhà nghiên cứu Cecelia Girr nói.

Báo cáo trên chỉ ra rằng sự cô đơn ảnh hưởng sâu sắc đến nam giới. 15% đàn ông Mỹ không có bạn thân. Trong khi đó, tỷ lệ trên chỉ là 3% vào năm 1990.

Nam giới trưởng thành khẳng định rằng họ ngày càng mất đi kết nối tình cảm với bạn bè và không tìm đến những người bạn nếu cần giúp đỡ. Khảo sát cho biết đàn ông có ít mối quan hệ ý nghĩa ý nghĩa trong cuộc đời hơn phụ nữ.

Hình mẫu về những người đàn ông truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Sự thay đổi không thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Các chương trình phát triển bản thân dành cho cánh mày râu thường tập trung vào khía cạnh thể chất. Ví dụ, MDK (Dự án Hiệp sĩ Thời hiện đại) ở California (Mỹ) là một địa điểm nghỉ dưỡng kiểu quân đội, bao gồm huấn luyện viên và các bài kiểm tra độ bền khắc nghiệt.

Chương trình này dành cho doanh nhân, CEO và các nhà quản lý. Mô hình này không còn mới lạ, tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại.

Khái niệm “toxic masculinity” (tạm dịch: “nam tính độc hại”) mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dùng để chỉ những tiêu chuẩn cực đoan về nam tính. Quan điểm cũ và mới về tính nam thường xuyên xung đột, đem đến những cuộc tranh luận không hồi kết.

Các chương trình trị liệu dần hướng đến khách hàng nam. Ảnh minh hoạ: Pexels/Timur Weber.

Thị trường chăm sóc tâm lý nam giới phát triển

Skyler Hubler cho rằng nhiều người đàn ông có xu hướng né tránh các hoạt động chữa lành nhẹ nhàng, ngại tham gia những chương trình mà họ đánh giá là nữ tính. Song, nhà phân tích này tin tưởng vào khả năng tìm thấy điểm giao thoa để tiếp cận nam giới.

Theo Cecelia Girr, tin tức về các vấn đề tâm lý ở nam giới trên các phương tiện truyền thông góp phần giúp chủ đề này trở nên dễ tiếp cận, được đón nhận nhiều hơn. Việc đàn ông chia sẻ về những tổn thương tinh thần của bản thân không còn là điều xa lạ.

Công ty Everyman có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) cung cấp những khóa học trực tuyến giúp đàn ông biết cách chia sẻ cảm xúc. Những buổi tập yoga, thiền định hay khoá tu khuyến khích nam giới sống chậm lại và xem xét cuộc sống hiện tại.

Theo chuyên gia Skyler Hubler, thị trường chăm sóc tâm lý cho nam giới ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn.

“Sự tiến bộ xuất hiện khi bức chân dung của cánh mày râu trở nên đa chiều hơn thay vì bị đóng khung, giới hạn theo tiêu chuẩn cũ”, Skyler Hubler nói.

Việc chăm sóc vấn đề tâm lý cũng nên được tích hợp vào hoạt động cải thiện sức khỏe nói chung ở nam giới. Đàn ông có quyền chia sẻ cởi mở về cảm xúc của họ.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.

Cùng chuyên mục