Tin247

''Ma trận'' thuế, phí trong giá vé máy bay

09 May,24

Hành khách sử dụng dịch vụ hàng không đang phải chịu gần 20 khoản thuế, phí. Ảnh: Nam Khánh.

Vé máy bay đắt đỏ là do đâu là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Trong khi hãng hàng không khẳng định vẫn giữ giá dưới mức trần theo quy định, có ý kiến cho rằng các khoản thuế, phí chính là thủ phạm "móc túi" người tiêu dùng.

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết các khoản phí cấu thành giá vé máy bay là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời vị này khẳng định các khoản này không phải là khoản phí thuộc ngân sách Nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

"Ma trận" gần 20 khoản thuế, phí

Theo khảo sát, hiện giá vé máy bay chặng TP.HCM - Đà Nẵng ngày 30/5 rẻ nhất của Vietjet Air là gần 800.000 đồng/chiều. Tuy vậy, khoản thuế, phí khách hàng phải trả thêm cho chiều bay này lên tới 583.000 đồng. Bao gồm phí thu dịch vụ hệ thống 215.000 đồng, phụ thu quản lý hệ thống 215.000 đồng, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng, phí sân bay quốc nội 20.000 đồng và thuế VAT 34.4000 đồng.

Sau cùng, khách hàng phải chi trả lên tới gần 1,4 triệu đồng để mua vé máy bay chặng này.

Nếu đặt vé của Vietravel Airlines, hành khách phải trả mức giá vé là hơn 1 triệu đồng cùng khoản thuế, phí 688.000 đồng. Khoản thu ngoài giá vé bao gồm các khoản như giá dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách 20.000 đồng, giá dịch vụ phục vụ hành khách 100.000 đồng, phụ phí quản trị 450.000 đồng, thuế VAT 118.000 đồng. Cuối cùng, hành khách phải trả hơn 1,7 triệu đồng/chiều bay TP.HCM - Đà Nẵng.

Ở cùng chặng bay, cùng ngày, Bamboo Airways có các khoản thu như phí dịch vụ hành khách nội địa 99.000 đồng, phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý 20.000 đồng, thuế VAT thu 2 lần, 98.000 đồng và 35.000 đồng, phụ thu quản trị hệ thống 430.000 đồng. Vietnam Airlines cũng thu các khoản tương tự Bamboo Airways nhưng phụ thu quản trị hệ thống là 450.000 đồng.

Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định như dịch vụ sân đậu tàu bay, cầu dẫn khách, quầy làm thủ tục hành khách, băng chuyền hành lý...

Trong số này gồm 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.

Các khoản này sau đó được nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước thông qua Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Ngoài ra, người dân qua sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí gửi xe... Như vậy, "ma trận" các khoản phí mà người dân phải gánh để sử dụng dịch vụ hàng không là gần 20 khoản.

ACV nói phí sân bay thấp, khó tác động giá vé

Liên quan đến vấn đề thuế, phí tại sân bay, đại diện ACV cho biết doanh nghiệp này đang thu hộ Nhà nước giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các hãng hàng không.

Theo đó, mức giá dịch vụ này áp dụng hơn 7 năm theo quyết định của Bộ GTVT từ năm 2017 đến nay chưa thay đổi.

Về giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách cùng hành lý, lãnh đạo ACV khẳng định đây là dịch vụ công ty thu của hành khách đi máy bay theo quy định. Hiện tại, các hãng hàng không đang thu hộ ACV giá dịch vụ này và được hưởng hoa hồng thu hộ là 1,5% doanh thu, mức thu từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng, tùy chặng bay.

Đây là số tiền khá thấp trong tổng số tiền khách chi trả cho một vé máy bay mà các hãng hàng không đang áp dụng.

ACV khẳng định các khoản thu của doanh nghiệp khá thấp và khó tác động đến giá vé máy bay. Ảnh: Duy Hiệu.

Với các dịch vụ tại sân bay do Nhà nước quy định khung giá, ACV đang thu của các hãng hàng không giá dịch vụ sân đậu tàu bay, cho thuê cầu dẫn khách, thuê quầy làm thủ tục hành khách, cho thuê băng chuyền hành lý và xử lý hành lý tự động…

Theo tính toán của ACV, tiền thu từ các dịch vụ này đối với một chuyến bay bằng máy bay Airbus A320/321 là khoản 3 triệu đồng/chuyến bay, là mức rất nhỏ so với cơ cấu chi phí cho một chuyến bay của hãng hàng không. Nếu phân bổ cho hành khách đi máy bay, mỗi người chỉ phải trả khoảng 15.000 đồng.

Một khoản thu khác mà ACV đang thu là giá dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Cụ thể, theo đại diện ACV, tại các cảng hàng không chi nhánh, trừ 4 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, ACV đang thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho các hãng hàng không và thu tiền theo chuyến bay.

“Đối với Vietnam Airlines và Vietjet Air, mức thu này được áp dụng từ khi ký hợp đồng dịch vụ hàng không năm 2012 cho đến nay chỉ điều chỉnh tăng 1 lần vào năm 2019 với mức tăng 5%. Với số tiền thu từ dịch vụ này, nếu chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoảng 30.000 đồng/hành khách", lãnh đạo ACV giải thích.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, thì cho rằng mức phí sân bay hiện nay cần phải được giảm để giảm bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và cho chính người dân đi máy bay.

Ông dẫn chứng hồi năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép ACV giảm 50% mức phí cất hạ cánh nội địa nhưng đơn vị này vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Điều này cho thấy nếu có giảm phí cho hãng bay, ACV vẫn hoàn toàn đủ khả năng cân đối chi phí phù hợp.


Một chuyên gia hàng không khẳng định "ma trận" các khoản phí đang ảnh hưởng trực tiếp tới hành khách. Vị này nhấn mạnh thêm vì ACV đang quản lý độc quyền các cảng hàng không nên khách hàng không có lựa chọn khác mà phải đóng các khoản phí theo quy định. Các hãng hàng không cũng phải sử dụng dịch vụ độc quyền từ đơn vị này.

"Nếu phá bỏ thế độc quyền cho nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ, việc giảm các loại phí tại sân bay là điều chắc chắn diễn ra. Từ đó, giảm gánh nặng cho các hãng hàng không và khách hàng đi máy bay", vị chuyên gia chia sẻ thêm.

Khi chí phí giảm kéo theo giá vé giảm, sẽ có nhiều hành khách di chuyển bằng đường hàng không hơn. Điều này có lợi cho cả đơn vị quản lý lẫn hãng bay.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Cùng chuyên mục