Tin247

Số phận hàng triệu ''nhà ma'' ở Nhật Bản

09 May,24

Những ngôi nhà bỏ hoang trước đây chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn Nhật Bản, nhưng hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các vùng ngoại ô của các thành phố lớn. Ảnh: Julian Ryall.

Cửa sổ đóng kín, sơn tường bong tróc và khu vườn ùm tùm cỏ dại. Ngôi nhà một tầng này ở quận Negishi sang chảnh của Yokohama, phía nam Tokyo, hẳn sẽ là tổ ấm trong mơ nếu được sửa sang - nhưng thay vào đó lại bị bỏ hoang suốt hơn một thập kỷ.

Ngôi nhà từng là nơi ở của một cụ bà, hiện là một trong hơn 9 triệu ngôi nhà bỏ trống trên khắp Nhật Bản, theo một báo cáo mới được Bộ Nội vụ nước này công bố hôm 1/5. Con số cao kỷ lục nói trên chiếm 13,8% tổng số nhà ở tại đất nước Mặt Trời mọc, theo South China Morning Post.

Nhà ở vị trí mơ ước nhưng không ai muốn ở

Những ngôi nhà bỏ trống - hay còn gọi là akiya theo tiếng Nhật - bị bỏ lại khi những người chủ nhà lớn tuổi ở trong đó qua đời hoặc chuyển đến viện dưỡng lão. Các thành viên trong gia đình thường không muốn chuyển đến đó ở và không đủ khả năng chi trả chi phí phá dỡ quá cao. Trong nhiều trường hợp, không xác định được người thừa kế những ngôi nhà như vậy.

Dù hoàn cảnh là gì, số phận cuối cùng của những ngôi nhà ma này đều có một điểm chung: không có ai ở.

Ông Seth Sulkin, người sáng lập công ty phát triển bất động sản và quản lý tài sản Pacifica Capital KK, cho biết lý do chính khiến nhà ở Nhật Bản bị bỏ trống “là dân số bên ngoài Tokyo đang sụt giảm nhanh chóng, đặc biệt là ở các khu vực như Tohoku và Hokkaido, và những người lớn tuổi chỉ đơn giản là đang bỏ lại ngôi nhà của mình”.

Ông nói với This Week in Asia: “Thêm vào đó, rất khó để tái sử dụng những tài sản này do hệ thống thừa kế và quyền sở hữu tài sản ở Nhật Bản.

Về thừa kế tài sản ở Nhật Bản, vợ/chồng của người đã khuất có quyền hợp pháp đối với một nửa tài sản, phần còn lại được chia cho con cái của họ. Nhưng nếu không tìm được người thừa kế hoặc người thừa kế từ chối bán phần của mình thì sẽ không có giải pháp nào, theo ông Sulkin.

Akiya từng chỉ tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn vốn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng suy giảm dân số ngày càng trầm trọng, nhưng những ngôi "nhà ma" này đang ngày càng được tìm thấy nhiều hơn ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn.

Trong nỗ lực hạn chế sự gia tăng của những ngôi nhà bỏ hoang, vào tháng 12/2023, chính quyền địa phương đã được quyền giữ lại các khoản giảm thuế đối với những chủ nhà không thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo trì tài sản và ngăn nhà bị sập.

Một ngôi bỏ trống xập xệ được cải tạo và hiện được cho thuê dưới dạng Airbnb. Ảnh: Anton Wormmann.

Ý tưởng của quyết sách này là khuyến khích chủ nhà sửa chữa và sử dụng tài sản hoặc bán bớt đất cho những nhà phát triển bất động sản sẽ sử dụng nó tốt hơn.

Mặc dù có vẻ khó hiểu khi ở một quốc gia ám ảnh về thủ tục giấy tờ như vậy lại có thể mất dấu người thừa kế tài sản, ông Takayuki Morimoto - Phó giám đốc kinh doanh của cơ quan bất động sản Broad Brains có trụ sở tại Tokyo - cho biết thực tế là điều đó thường xuyên xảy ra.

Ông nói: “Chuyện có vẻ phức tạp khi mọi người qua đời và không ai muốn có ngôi nhà của họ và vâng, điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng rất khó để tìm ra ai sở hữu những nơi này”.

“Nhưng chính phủ đã bắt đầu hành động vì nhận ra rằng họ đang mất đi nguồn thu thuế”.

Cần biện pháp quyết đoán hơn

Để giải quyết vấn đề akiya một cách hiệu quả, ông Sulkin cho rằng chính phủ cần áp dụng cách tiếp cận quyết đoán hơn - bao gồm thông qua luật trao quyền cho chính quyền địa phương sở hữu những ngôi nhà bỏ hoang và bán chúng cho các nhà phát triển bất động sản.

“Cần có một cơ chế để cho phép các chính quyền nắm quyền kiểm soát và sau đó bán đấu giá những tòa nhà này vì nếu không hành động thì vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi dân số Nhật Bản tiếp tục giảm và sẽ còn nhiều ngôi nhà bỏ trống hơn nữa”, ông nói.

Một phần của vấn đề là Nhật Bản thiếu những mô hình hiệu quả như mô hình “mua để cho thuê” ở Anh, theo đó các nhà đầu tư nhỏ có thể cho thuê một số căn hộ. Thay vào đó, thị trường cho thuê và phát triển ở đất nước Mặt Trời mọc do các công ty lớn hơn kiểm soát.

Tomoko Oono, cựu nhân viên ngân hàng ở quận Saitama, phía bắc Tokyo, cho biết: “Khi mẹ tôi qua đời khoảng 7 năm trước, chúng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ đến việc cải tạo hoặc cho thuê nhà của mẹ”.

“Mẹ tôi đã sống ở đó một thời gian dài và ngôi nhà đã cũ, khó sửa sang, vì vậy sẽ tốn rất nhiều chi phí để phá bỏ rồi xây lại - chúng tôi không có bất kỳ kinh nghiệm nào về việc đó”, Oono cho hay. “Chúng tôi quyết định điều tốt nhất nên làm là bán đất”.

Mặc dù cô không có tiếc nuối gì khi bán khu đất vì điều này giúp khoản tiền tiết kiệm của gia đình cô tăng đáng kể nhưng Oono nói rằng cô đã rất ngạc nhiên khi lái xe đến khu đất và phát hiện chủ đầu tư đã dựng hai ngôi nhà trên khu đất.

Oono nói: “Mẹ tôi có một khu vườn và mảnh đất nằm ở góc nên chủ đầu tư có thể xây hai ngôi nhà không có vườn ở đó. Tôi nghĩ họ đã nhìn thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận lớn hơn và nắm bắt lấy”.

Anton Wormmann đã mua một căn nhà “akiya” xập xệ bị bỏ trống hơn một thập kỷ và biến nó thành một chiếc Airbnb. Ảnh: Anton Wormmann.

Một số nhà đầu tư dám nghĩ dám làm đã xác định được cơ hội kinh doanh ở những bất động sản thường bị bỏ qua này, và họ chớp lấy những bất động sản ở những vị trí đáng mơ ước nhất hoặc có tiềm năng lớn nhất.

Vào năm 2020, Anton Wormann đã mua một akiya xập xệ bị bỏ trống hơn một thập kỷ ở quận Sangenjaya (phía tây Tokyo), và biến nó thành một căn nhà ấm cúng mà anh hiện cho thuê trên Airbnb.

Người đàn ông gốc Thụy Điển này cho biết một ngày nọ, anh đi ngang qua tòa nhà 100 tuổi và bắt đầu nói chuyện với 4 anh chị em được thừa kế tài sản và đang cố gắng dọn dẹp.

Khi anh đề nghị mua ngôi nhà, họ trả lời: “Thật sao? Anh muốn mua mớ rác này?

Gia đình không có mong muốn sửa lại ngôi nhà và muốn bán lại, vì vậy giao dịch tương đối đơn giản.

Một số nhà đầu tư dám nghĩ dám làm đã mua lại những ngôi nhà bỏ trống ở những vị trí đáng mơ ước nhất hoặc có tiềm năng lớn nhất. Ảnh: Gavin Blair.

Wormann thay đổi nội thất và lắp đặt một nhà bếp hoàn toàn mới, phòng khách, phòng tắm hiện đại. Tất cả tiêu tốn của anh một năm và một khoản tiết kiệm đáng kể. Nhưng Wormann cho biết anh đã học được rất nhiều điều từ trải nghiệm này.

“Tôi đang xây sửa một akiya khác ở quận Shinjuku và tôi hy vọng nó sẽ hoàn thành trong khoảng 5 tháng nữa”, anh nói và ước tính mình sẽ chi 25 triệu yen (159.000 USD) cho dự án, bao gồm cả giá mua ban đầu cho đến khi hoàn thành xây sửa.

Anh nói: “Tôi thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực akiya ở Nhật Bản. Mua nhà ở đây rất rẻ và nếu muốn, bạn có thể mua cả một ngôi làng ở những vùng xa xôi nhất của đất nước. Nhưng có thể khó bán lại, vì vậy việc này sẽ thích hợp cho những người dự định ở lại Nhật Bản lâu dài”.

“Tôi cũng nghĩ rằng có rất nhiều cơ hội cho akiya trong lĩnh vực du lịch và đó cũng là một lối ra cho các vùng nông thôn Nhật Bản”.

“Nhưng đối với tôi, tôi chỉ thích thú với việc biến thứ hông ai muốn thành thứ gì đó thú vị”.

Một ngôi nhà bị bỏ hoang tại Tanabe, tỉnh Wakayama. Ảnh: Thomas Shomaker.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Cùng chuyên mục