Tin247

Sự thật về thông tin ''cơn bão SO2 tràn vào Việt Nam''

08 May,24

Trên bản đồ của Windy ngày 7/5 không xuất hiện đám mây khí tại khu vực phía nam. Ảnh: App Windy.

Nhiều ngày qua, tài khoản TikTok chia sẻ thông tin bão SO2 từ vụ phun rào núi lửa ở Indonesia đang tràn vào Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía nam. Thông tin này được lan truyền bởi nhiều TikToker, chưa có cơ quan chức năng nào thông báo chính thức.

Trên tài khoản có tên Lu Dương đăng tải một đoạn clip có thông tin cảnh báo gấp về bão SO2, với 4 triệu lượt xem. Người này cho biết ra đường lúc 8h, khi về nhà lúc 8h55 thì cổ họng bị sưng tấy, hai mắt bị đỏ. Chủ tài khoản cho rằng không rõ lý do xuất hiện các triệu chứng này, nhưng những ngày gần đây có thông tin SO2 đang tràn vào Việt Nam.

Người này còn cảnh báo sự việc rất nghiêm trọng, nếu không có việc gì cần thì đừng nên ra đường.

Nhiều kênh TikTok đăng tải thông tin cảnh báo về bão SO2 thu hút hàng triệu lượt người xem.

Trao đổi với Tri thức - Znews chiều 7/5, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết chưa ghi nhận bão SO2 tràn vào Việt Nam và chưa có dữ liệu nào ghi nhận sự việc trên.

"Chúng tôi chưa có dữ liệu nào ghi nhận về sự việc trên, đơn vị vẫn đang theo dõi thông tin về mưa gió bình thường", ông Quyết nói.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến ngày 16/5, nhiều nơi tại TP.HCM sẽ có mưa. Tuy nhiên, ở khu vực Nam bộ vẫn có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C.

Nói về hiện tượng đau rát họng, đỏ mắt khi tiếp xúc với SO2, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay từ trước đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị các triệu chứng này khi tiếp xúc với SO2 ngoài đường.

"Thực tế, khi một người tiếp xúc với SO2 nồng độ rất cao mới có thể xảy ra những triệu chứng như đau họng, đau mắt", bác sĩ Hoàng nói.

Sulfur dioxide hay SO2 là một loại khí nặng, không màu và độc. Ở nồng độ thấp, khí này không có mùi nhưng sẽ có mùi rất nồng ở nổng độ cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SO2 được tạo ra từ núi lửa phun trào, sử dụng nhiên liệu hóa thạch có chứa lưu huỳnh như than, xăng, dầu. SO2 ảnh hưởng đến hệ hô hấp và chức năng phổi. Theo WHO, Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ và Hiệp hội Phổi Mỹ, khí này có thể gây:

  • Kích ứng mắt, da, mũi, họng và đường hô hấp
  • Viêm đường hô hấp gây ho, tiết dịch nhầy, làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và viêm phế quản mạn tính, khiến con người dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp
  • Khò khè, khó thở, tức ngực và các vấn đề khác, đặc biệt là khi hoạt động thể chất
  • Giảm khả năng hoạt động của phổi và tăng các triệu chứng các bệnh hô hấp khi tiếp tục tiếp xúc ở mức cao
  • Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với nồng độ SO2 cao trong không khí có thể gây khó thở khi hoạt động ngoài trời.

Những lời từ trái tim bác sĩ

Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.

Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.

Cùng chuyên mục