Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Chuyện về sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ Mường Phăng

Chính trị 05/05/2024 - 13:08

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Việc đào hầm cho Đại tướng và các sĩ quan ở Sở chỉ huy chiến dịch đã được kể lại trong sách "Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện".

Trong bài viết “Bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch” trong tập sách Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện (sách do Ban Liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM chỉ đạo nội dung, Đại tá Minh Cao làm Trưởng ban biên soạn, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2009), Đại tá Đỗ Hải, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 245 bảo vệ Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (sau ông giữ chức Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 144 chuyên bảo vệ cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu), đã kể lại câu chuyện về việc xây dựng và khôi phục các công trình sở chỉ huy ở Mường Phăng năm xưa, để trở thành một di tích lịch sử mà ngày nay, nhân dân, du khách lên thăm Điện Biên đều tới tham quan.

Bài viết cho biết, năm 1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro sang thăm Việt Nam, giữa lúc đất nước còn chiến tranh. Chủ tịch Cuba đã đến thăm Bảo tàng Quân đội. Tại đây, ông chăm chú xem sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bỗng hỏi:

- Thưa Đại tướng, lúc đó Đại tướng ở chỗ nào?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy chiếc gậy dài chỉ vào một vị trí cách cánh đồng Mường Thanh chừng 15 km và nói:

- Lúc đó Sở chỉ huy chiến dịch ở đây.

Chủ tịch Fidel nói vui:

- Chiến thắng là công chung của mọi người, nhưng vai trò cá nhân cũng hết sức quan trọng, nhất là vai trò Sở chỉ huy chiến dịch. Thế mà ở đây thiếu Sở chỉ huy trên sa bàn.

Chuyện về sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ Mường Phăng - ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch Cuba Fidel Castro tham quan Bảo tàng Quân đội (Nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), ngày 13/9/1973. Ảnh: Bảo tàng LSQS.

Ý kiến của Chủ tịch Fidel đã được Tổng cục Chính trị tiếp thu. Trung tướng Phạm Ngọc Mậu (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) chỉ thị cho bảo tàng và ông Đỗ Hải lên ngay Điện Biên Phủ tìm lại vị trí Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, để bổ sung vào sa bàn.

Ông Đỗ Hải kể tiếp về hành trình tìm lại hầm Đại tướng năm xưa:

Chúng tôi đi theo con đường Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, qua các chỉ huy sở trước đó, đến cây số 62 rẽ vào Mường Phăng, cây cối um tùm khiến tôi không nhận ra được Sở chỉ huy năm xưa.

Khi hỏi dân bản thì đồng bào cười và nói:

- Ở đây ai cũng biết hầm Đại tướng, dân bản còn truyền câu ca rằng: “Ai muốn lấy vợ Mường Phăng thì phải biết hầm Đại tướng...”.

Chúng tôi mừng quá, quên cả đường xa mệt nhọc, vội phăm phăm theo dân bản vượt đèo lội suối đi chừng 2 km để tìm hầm. Đến chân một dãy núi cao, lau sậy um tùm, dân bản vạch ra một miệng hầm và nói: “Đây là hầm Đại tướng, hàng năm thường có một toán bộ đội đến đây vào ngày 7 tháng 5 để thăm”. Đứng trước cảnh rừng núi ngút ngàn, trong lòng tôi trào dâng bao kỷ niệm của gần 20 năm trước ở nơi này. Tôi kêu lên:

- Bà con nhầm rồi, đây là hầm tướng Trung Quốc Vi Quốc Thanh, cố vấn cho ta hồi đó, còn hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp phía bên quả núi nhỏ kia. Cho tôi một số anh em để cùng tôi bới cửa hầm.

Chỉ một loáng, anh em công binh đã tìm được miệng hầm theo hướng tay tôi chỉ. Tôi bảo các chiến sĩ:

- Các đồng chí chịu khó chui vào trong, cách 20 mét sẽ có phòng họp và một chiếc đèn bão năm xưa ở đó.

Các chiến sĩ bò vào trong. Thời gian đã làm đất đá lấp đi phần nào đường hầm. Khi các chiến sĩ chui ra cầm chiếc đèn bão đã rỉ vì năm tháng, tôi không cầm được nước mắt nhớ tới đồng đội tôi ngày ấy...

Chuyện về sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ Mường Phăng - ảnh 2

Khu di tích sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng nhìn từ trên cao. Ảnh: KT/Dienbientv.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đỗ Hải chỉ huy 120 chiến sĩ Đại đội 245, Tiểu đoàn 144 (sau này là Lữ đoàn), Trung đoàn 246 có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch. Ông nhớ lại, sau nhiều tháng trời hành quân lên chiến trường, qua nhiều chặng, đại đội đã đến cây số 62, lối vào bản Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch.

Địa điểm này chỉ cách cánh đồng Mường Thanh, cứ điểm trung tâm của địch khoảng 15 km đường chim bay, do đó công tác bảo vệ phải hết sức nghiêm ngặt. Việc đào hầm cho Đại tướng và các sĩ quan ở Bộ chỉ huy được ông kể lại như sau:

Các chiến sĩ công binh dồn đi mở đường cho pháo ta vào trận địa, vì vậy việc đào hầm cho Bộ Chỉ huy chiến dịch do đại đội cảnh vệ chúng tôi đảm nhiệm. Lúc đó tôi có được học hành hơn anh em một chút nên cũng có một số kiến thức áp dụng trong việc đào hầm vào núi.

Thêm nữa tôi phát huy dân chủ, bàn bạc cùng anh em. Thật may trong đại đội có đồng chí Định Văn Điền, trước đây là thợ mỏ, nên đã đóng góp nhiều kinh nghiệm đào hầm than. Không có ni-vô (để xác định mặt phẳng nằm ngang), chúng tôi phải lấy ống nước cất cho giọt dầu vào, để trong ống nứa để lấy thăng bằng. Không có thước, chúng tôi phải lấy dây rừng nối nhau lại để khoanh tròn đo núi tìm đường kính. Chúng tôi chia làm hai bên đào để làm hầm thông qua núi. Cứ 5 mét một, chúng tôi lại chống cây rừng và kê đòn tay đỡ trần hầm.

Bằng cuốc xẻng, trí thông minh và lòng quyết tâm, chúng tôi đào thủng quả núi, chỉ có điều khi gặp nhau người trên, kẻ dưới. Thế là chúng tôi khoét ra thành một hầm rộng làm nơi hội họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Chúng tôi chia nhau làm liên tục ba ca một ngày. Lúc đó chúng tôi mới càng thấm thía câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Bàn tay chúng tôi phồng rộp, rồi đóng thành chai sần, chiếc xẻng ngày đầu sáng loáng to như chiếc quạt nan mà đến ngày xong công trình thì mòn vẹt đi như mảnh trăng khuyết.

Tôi, chính trị viên Nguyễn Bảo, Đại đội phó Tường thay nhau động viên anh em hăng hái làm việc. Sau 28 ngày đêm vất vả, chiếc hầm cho Sở Chỉ huy hoàn tất. Một đường hầm dùng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào phòng họp tương đối bằng phẳng, còn một đường khác dành cho Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vào phòng họp phải có bậc thang đi xuống. Đường đi rộng chừng 0,9 mét, cao 1,7 mét. Phòng họp rộng chừng hơn chục mét vuông, được kê hai hàng ghế với một chiếc bàn để trải bản đồ và rất mát vì nhờ hai đường hầm thông gió. Trong hầm để sẵn chiếc đèn bão để Bộ Chỉ huy dùng khi hội họp. Đồng chí Hoàng Văn Thái đến xem hầm, rất hài lòng:

- Hầm đào khéo quá, thế này thì bom đạn chẳng làm gì được. Có bị sập một cửa hầm vẫn có thể thoát ra cửa hậu. Có cậu nào là kỹ sư không?

Tôi báo cáo:

- Báo cáo thủ trưởng, chỉ có em mới học hết certifica (tiểu học) thôi ạ! Còn anh em đa phần bắt đầu học chữ.

Chuyện về sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ Mường Phăng - ảnh 3

Cửa hầm trú ấn xuyên núi. Ảnh: Dienbientv.

Sau khi đào xong hầm Đại tướng, Tham mưu trưởng khen ngợi và giao nhiệm vụ cho đại đội cảnh vệ đào tiếp hầm cho tướng Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp ta đánh giặc. Vì hầm tướng Vi Quốc Thanh trong dãy núi lớn hơn, cho nên bộ đội chỉ đào vào sâu 20 mét, sau đó khoét một lỗ hổng lên sườn núi vừa để thông hơi, vừa để sẵn một chiếc thang để phòng khi sập hầm thì có thể trèo thoát qua đường đó. Sau đó anh em còn đào thêm hầm cho đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị mặt trận ở ven suối. Càng về sau kinh nghiệm càng nhiều nên việc đào không còn vất vả như ban đầu.

Việc canh gác xung quanh Sở chỉ huy được ông Đỗ Hải mô tả:

Hàng ngày, chúng tôi chia nhau ra canh gác xung quanh Sở Chỉ huy, lùng sục biệt kích, thám báo, ngụy trang đường và phối hợp giúp đỡ Ban 4, cơ quan hậu cần Sở Chỉ huy để vận chuyển lương thực, thực phẩm vào. Mỗi vọng gác có một chiếc mõ, khi có máy bay địch ở xa, thì gõ 3 tiếng để ai có đun nấu gì thì khẩn trương dập lửa. Nếu máy bay vào gần thì mõ gõ liên hồi, lúc đó tất cả Bộ Chỉ huy phải xuống hầm làm việc. Thật kỳ lạ, mặt trận cách chúng tôi hơn 15km, nhưng suốt chiến dịch ở đây hoàn toàn yên ắng. Kẻ thù không phát hiện được Sở Chỉ huy chiến dịch, vì hàng ngày chúng tôi đi ngụy trang Sở Chỉ huy, trồng các cây vào khu trống, trồng cỏ trên các lối mòn, cây nào bị héo thì phải thay ngay.

Chúng tôi ra suối bắt cá cải thiện, hoặc cử anh em vào bản Mường Phăng làm dân vận, có khi chỉ một bánh thuốc lào đổi được cả con lợn. Anh em còn vét vũng ở suối để tích nước ăn. Buổi tối thỉnh thoảng được xem phim. Chỉ có một lần, một chiếc máy bay Pháp bay ngang qua, thả một “quả bom to” xuống. Cả Sở Chỉ huy báo động, mọi người xuống hầm hết. Chờ mãi không thấy tiếng nổ, tôi bò ra gần xem là loại bom gì thì đọc được hàng chữ tiếng Pháp trên thân “quả bom”: thùng dầu phụ. Lúc đó tôi mới thở phào, rồi gọi anh em ra khênh thùng dầu phụ về cưa ra làm máng đựng nước. Nhiều anh còn dùng mảnh thùng làm lược kỷ niệm...

Và sau đợt đi công tác năm 1973 đó, Bảo tàng Quân đội đã đắp thêm vị trí Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trên sa bàn tổng thể của chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu này” để giới thiệu với khách tham quan.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng