Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Cuốn sách bốn thế hệ gia đình tôi mê say

Chính trị 09/05/2024 - 10:30

Từ nhỏ, tôi đã thấy ba tôi đọc. Rồi sau đó, anh em tôi đọc và giờ đây các con, các cháu tôi lại đọc. "Hương rừng Cà Mau" viết gì mà cả bốn thế hệ gia đình tôi đều mê say?

Người ta thường nói “Đọc một quyển sách bằng đi muôn dặm đường”. Sách sẽ đưa người đọc đến những vùng đất mới lạ, đầy màu sắc với những phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lối sống,…mà dù chưa từng hoặc từng đến đó, chúng ta cũng hiểu rõ hơn những nơi ấy bằng đọc những trang sách. Đại gia đình tôi có một “truyền thống” quý báu là thích đọc sách, ghiền đọc sách. Một quyển sách mà bốn thế hệ của gia đình tôi đều đọc qua đó là Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam.

“Trong khói sóng mênh mông / Có bóng người vô danh / Từ bên này sông Tiền / Qua bên kia sông Hậu / Mang theo chiếc độc huyền / Điệu thơ Lục Vân Tiên / Với câu chữ / kiến nghĩa bất vi vô dõng giả…”, ngay từ Thay lời tựa, “ông già Nam bộ” - Sơn Nam đã lôi cuốn người đọc vào miền cực Nam tổ quốc.

Cuốn sách bốn thế hệ gia đình tôi mê say - ảnh 1

Sách Hương rừng Cà Mau, bản in kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM (năm 1998). Ảnh: Phương Tri.

Hương rừng Cà Mau được xuất bản lần đầu vào năm 1962, nội dung gồm 18 câu chuyện lấy bối cảnh cuộc sống của người dân U Minh (Cà Mau) vào khoảng năm 1930-1940.

Từ nhỏ, tôi đã thấy ba tôi đọc. Rồi sau đó, anh em tôi đọc và giờ đây các con, các cháu tôi lại đọc. Hương rừng Cà Mau viết gì mà cả bốn thế hệ gia đình tôi đều mê say?

Hương rừng Cà Mau với những câu chuyện ngắn, nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn bởi giong văn đậm chất Nam Bộ. Nội dung xoay quanh cuộc sống của những người dân thường bịnh dị, trong sáng. Mỗi câu chuyện dường như dẫn chúng ta lạc về thời gian cũ, xa nhưng không xưa. Bởi từng câu chuyện đều cho ta những nghĩ suy, những trăn trở, những ước muốn,…ngay hiện tại.

Chỉ với những câu chuyện ngắn, nhưng mỗi truyện làm ta như được sống ở thời ấy, được hiểu biết về thời hoang sơ ấy, được ước muốn một lần ở nơi ấy để thấm thía “Sao không về cố hương? / Chiều chiều nghe vượn hú / Hoa lá rụng, buồn buồn”.

Đọc “Con Bảy đưa đò” để thấy sao câu hò sao hay vậy? và bỗng chợt thèm thịt luộc-bánh hỏi miền Nam! Xem “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” để lòng khâm phục những người khai hoang mở đất, để mơ một lần được sống thuở hoang sơ. Nghiền ngẫm “Hòn Cổ Tron”, “Bác vật xà bông”, “Miễu Bà Chúa Xứ”,…để thấy lòng yêu nước như một thứ tình cản hồn nhiên, giản dị. “Mùa len trâu”, “Một cuộc biển dâu”,…đâu chỉ là kể lại cuộc sống xưa ở điểm cuối cùng bản đồ Việt Nam mà còn giúp ta nhận ra con người sẽ trưởng thành hơn, cứng cáp hơn khi trải qua “dông bão”. Theo dõi “Hương rừng” để thổn thức với mối tình Hoàng Mai-Tư Lập, để háo hức với nghề lấy mật ong rừng, để đau đớn lòng cho những ai mắc bệnh phong cùi thuở nao.

Có thể nói “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam là một tác phẩm viết về cực Nam của Tổ quốc sống mãi với thời gian bởi giá trị văn học và nhân văn của nó.

Bài viết của độc giả Lê Phương Trí, quận 4, TP.HCM, được gửi từ email "[email protected]"