Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam?

Chính trị 09/05/2024 - 14:53

Là thương hiệu xe xanh bán chạy nhất thế giới trong năm vừa rồi nhưng BYD vẫn còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Không ít thách thức đang chờ đợi BYD chinh phục.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 1

BYD sẽ sớm đến Việt Nam trong tháng 6. Ảnh: Top Gear.

BYD là một hãng xe lớn với đầy tiềm lực và tham vọng, không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

Được xem như một trong những thị trường quan trọng của BYD tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành quốc gia tiếp theo chào đón sự xuất hiện của loạt ôtô đến từ hãng xe hàng đầu Trung Quốc.

Đầu tháng 4, BYD gấp rút gửi thư mời tới giới báo chí và truyền thông cho một chuyến tham quan "đại bản doanh" của hãng tại TP Thẩm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) vào cuối tháng. Đây được cho là lời chào chính thức đầu tiên của hãng xe Trung Quốc tới Việt Nam, thể hiện sự nghiêm túc của BYD đối với thị trường trăm triệu dân, đồng thời cũng là dịp để BYD "khoe" tiềm lực về cả tài chính lẫn công nghệ sánh ngang với các hãng xe hàng đầu trên thế giới.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 2

Chuyến tham quan của truyền thông Việt Nam tại trụ sở chính của BYD ở Thẩm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc). Ảnh: BYD.

Tại trụ sở chính của BYD, lãnh đạo cấp cao của hãng xe Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Việt Nam cũng như ý định đầu tư nghiêm túc.

Theo kế hoạch do BYD chia sẻ, hãng sẽ chào sân thị trường Việt Nam vào tháng 6 tới đây bằng hàng loạt showroom cùng ba mẫu xe thuần điện bao gồm BYD Atto 3, BYD Seal và BYD Dolphin.

Chiến lược của BYD liệu đã đủ tốt, đã đúng thời điểm và những gì đang chờ đón hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam?

Đối thủ 'nặng ký' chờ sẵn

Khi BYD đặt chân đến Việt Nam, VinFast đã có mặt và sẵn sàng cho cuộc tranh giành thị phần xe điện với đối thủ lớn đến từ Trung Quốc. Hãng xe điện Việt Nam được cho là sở hữu mức độ nhận diện thương hiệu cao hàng đầu thị trường ở thời điểm hiện tại nhờ vào dải sản phẩm đa dạng cùng mạng lưới trạm sạc rộng khắp.

Tại Thẩm Quyến, ông Liu Xueliang, Tổng giám đốc mảng ôtô của BYD châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định BYD không xem VinFast là đối thủ cạnh tranh, đồng thời bày tỏ mong muốn chung tay cùng hãng xe điện Việt Nam để phát triển mảng xe xanh. Đó là phát biểu mang tính "xã giao" của BYD, còn ai cũng hiểu đối thủ chính của thương hiệu ôtô Trung Quốc khi xâm nhập thị trường xe Việt sẽ chỉ có thể là VinFast.

Hiện, BYD Atto 3 đang là mẫu xe chủ lực về doanh số của thương hiệu ôtô Trung Quốc tại nhiều thị trường khác nhau, trong đó có Thái Lan. Khi về Việt Nam, mẫu crossover cỡ B này sẽ phải cạnh tranh trực tiếp cùng VinFast VF 6.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 3 Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 4

VinFast VF 6 được xem là đối thủ trực tiếp của BYD Atto 3 tại thị trường xe Việt. Ảnh: VinFast, BYD.

BYD Dolphin dự kiến là mẫu xe có giá phải chăng nhất của thương hiệu ôtô Trung Quốc ở giai đoạn đầu, trong khi BYD Seal nhiều khả năng sẽ “một mình một ngựa” trên đường đua doanh số bởi sự khan hiếm các lựa chọn sedan thuần điện tại thị trường xe Việt.

So kè về thương hiệu, VinFast đang có nhận diện rất tốt tại Việt Nam và cũng đang rất nghiêm túc trong sân chơi xe điện, BYD lại là thương hiệu xe xanh dẫn đầu thế giới về doanh số, dù còn rất mới mẻ tại thị trường Việt Nam và cần thêm thời gian để chứng minh chất lượng sản phẩm. Cuộc đụng độ này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn và đầy khốc liệt.

Bài toán giá xe và trạm sạc

Song song với những thách thức về niềm tin thương hiệu, nếu giá niêm yết của ôtô BYD tại Việt Nam không đủ tính cạnh tranh và tạo ra sự hấp dẫn so với các mẫu xe đối thủ, nhiều khả năng BYD sẽ phải rơi vào tình cảnh tương đối khó khăn. Hạ tầng trạm sạc phục vụ xe điện BYD cũng đang tạo ra những băn khoăn không nhỏ đối với khách hàng Việt trước thềm cuộc đổ bộ đầu tiên của hãng xe Trung Quốc.

Bài học nhãn tiền từ Wuling Hongguang Mini EV vẫn còn đó khi việc định vị sai thị trường, giá bán còn khá cao cộng với sự thiếu vắng của hạ tầng trạm sạc công cộng đang khiến mẫu xe điện mini này phải lao đao trên thị trường ôtô Việt Nam.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 5

BYD cần tìm ra lời giải cho bài toán giá xe và trạm sạc tại thị trường Việt Nam. Ảnh: BYD.

Như đã đề cập trong bài viết trước, BYD dường như đang phải tìm cách kiếm thêm lợi nhuận từ các thị trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc bằng việc định giá sản phẩm cao hơn so với mức giá niêm yết dành cho khách hàng nội địa.

Ví dụ, BYD Atto 3 phiên bản nâng cấp có giá niêm yết tương đương 19.282 USD tại thị trường Trung Quốc, nhưng khách hàng Đức sẽ phải trả khoản tiền tương đương 40.649 USD để sở hữu. Với BYD Seal, khoảng chênh lệch này là hơn 17.800 USD, trong khi khách hàng Đức phải chi nhiều hơn gần 21.000 USD so với khách hàng Trung Quốc để sở hữu BYD Dolphin.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ chiến lược này liệu có được áp dụng cho thị trường Việt Nam hay không. Tuy nhiên nếu để tham khảo, giá niêm yết của BYD Atto 3 thế hệ hiện tại ở thị trường ôtô Thái Lan đang khởi điểm ở mức 1,099 triệu baht, tương đương khoảng 29.750 USD và xấp xỉ khoảng 756 triệu đồng.

Giả sử BYD Atto 3 có thể duy trì giá bán tương đương mức quy đổi ở thị trường Thái Lan, mẫu SUV điện của thương hiệu Trung Quốc vẫn sẽ có giá niêm yết trội hơn khoảng 10.000 USD so với thị trường quê nhà.

Mức giá xấp xỉ 756 triệu đồng của BYD Atto 3 khá tương đồng với mẫu xe của VinFast. Bởi VinFast VF 6S (phiên bản Base của VF 6 sau đổi tên) đang có giá khởi điểm 675 triệu đồng ở tùy chọn thuê pin và tăng lên thành 765 triệu đồng nếu khách hàng mua kèm pin.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 6

Không ít mẫu xe BYD đang được bán tại thị trường nước ngoài với giá cao hơn so với mức niêm yết dành cho khách hàng Trung Quốc. Ảnh: BYD.

Dù vậy ở thời điểm hiện tại, ưu thế của VinFast so với bất kỳ đối thủ nào tại thị trường xe điện Việt Nam vẫn là mạng lưới trạm sạc. Với hơn 150.000 trụ sạc đa dạng công suất đã được hoàn thành lắp đặt tại khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, khách hàng sẽ có lý do để nghiêng về thương hiệu xe điện Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của BYD cho biết hãng sẽ không đầu tư trực tiếp xây dựng các trạm sạc tại Việt Nam mà thông qua các đối tác trong nước để làm việc này, đồng nghĩa với việc VinFast đang có phần chủ động hơn so với BYD.

Xây dựng thương hiệu, doanh số chưa phải trọng tâm

BYD đứng trước 2 lựa chọn, đưa ra mức giá hợp lý để sớm thu hút khách hàng, hay là neo giá cao và chờ đợi vào chất lượng sản phẩm được khẳng định, đi kèm với nhận diện thương hiệu tăng dần theo thời gian. Theo những trao đổi của Tri thức - Znews với BYD, dường như hãng xe Trung Quốc đang tìm đến lựa chọn thứ 2.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 7

BYD khẳng định duy trì kế hoạch mở 50 showroom tại Việt Nam. Ảnh minh họa: BYD.

BYD muốn cùng với các đối tác đại lý chơi một cuộc chiến chậm mà chắc, xây dựng hệ thống showroom phủ khắp Việt Nam, mang về các mẫu xe tốt nhất, nâng cao nhận diện thương hiệu và cho khách hàng trải nghiệm xe trước khi chạy đua về doanh số. Đây có vẻ như là một chiến thuật đúng đắn, tất nhiên cái giá của nó là tiềm lực tài chính của BYD và các đối tác phải "cực mạnh".

Hiểu đơn giản, BYD sẽ không đặt nặng mục tiêu doanh số lên đầu, mà sẽ dồn nguồn lực vào việc phát triển đại lý và sử dụng chính các showroom và các kênh khác để xây dựng thương hiệu tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc BYD và các đối tác sẽ phải "gồng lỗ" trong giai đoạn đầu, được dự báo sẽ kéo dài 2-3 năm, trước khi có được doanh thu tốt để bù lại.

Và BYD sớm nhận "gáo nước lạnh" khi đối tác được cho là đầu tiên là lớn nhất của hãng tuyên bố rút khỏi cuộc chơi. New Energy Holdings (NEH) thuộc Tasco-Savico xác nhận công ty sẽ dừng toàn bộ dự án đầu tư đại lý BYD tại Việt Nam kể từ ngày 6/5. Đây là thông tin bất ngờ nhưng không quá khó đoán, bởi trước kế hoạch cần rất nhiều tiềm lực tài chính của BYD, không phải đối tác nào cũng theo được, nhất là trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 8

Ông Liu Xueliang đánh giá Việt Nam là một thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng với BYD. Ảnh: BYD.

Tất nhiên như đã nói, BYD không dễ bỏ qua thị trường Việt Nam, BYD ngay lập tức có những thay đổi để tiếp tục kế hoạch phủ sóng showroom của mình. Theo thông tin mới nhất, hãng xe Trung Quốc vẫn tiếp tục mục tiêu khai trương 50 showroom trong năm nay, và đến thời điểm hiện tại đã có 18 showroom được xác nhận sẽ cùng lúc xuất hiện trước tháng 6, thời điểm hãng xe Trung Quốc ra mắt các mẫu xe đầu tiên.

Với tham vọng lớn, nếu như các đối tác không đủ tiềm lực, hoặc chưa đủ tin tưởng vào tương lai thành công của BYD, hãng xe Trung Quốc chắc chắn cần thể hiện năng lực đầu tư của mình nhiều hơn thay vì chờ đợi vào đối tác Việt Nam.

Trò chơi "Win-win" của BYD?

"Build Your Dream - xây dựng ước mơ của bạn" là thông điệp ẩn dưới thương hiệu BYD. Hãng xe Trung Quốc muốn vẽ ra ước mơ thành công cho đối tác, ước mơ sở hữu một mẫu xe tốt cho khách hàng, và ước mơ trở thành một thương hiệu xe điện hàng đầu thế giới cho chính BYD.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 9

Trụ sạc công cộng cũng là vấn đề cần được BYD tìm hướng giải quyết trong tương lai. Ảnh minh họa: Mekanika.

Trò chơi "Win-win" này thú vị nhưng không dễ thành công. Những chiếc xe BYD có thể tốt nhưng chưa chắc đã được đón nhận ở Việt Nam nếu được định giá ở mức cao.

Thị trường xe Việt vẫn là rất mới với các thương hiệu Trung Quốc. Rất may, BYD sẽ chỉ phân phối xe điện nên nhóm đối thủ cạnh tranh của BYD có phần "dễ thở" hơn so với các thương hiệu xe Trung Quốc khác khi vào Việt Nam.

Về phía những đối tác phân phối, sự gắn bó lâu dài và đầu tư mạnh mẽ của BYD có thể sẽ là động lực khiến họ sẵn sàng rót tiền vào cuộc chơi "gồng lỗ" cùng với hãng xe Trung Quốc.

Những "bánh vẽ" về tương lai tươi đẹp để kêu gọi hợp tác từ các doanh nghiệp Việt Nam mà không có những bước đi mạnh mẽ và hợp lý đến từ BYD có thể sẽ khiến màn rút lui của NEH không phải là trường hợp duy nhất.

Điều gì đang chờ đón BYD tại Việt Nam? - ảnh 10

Kỳ vọng BYD sẽ có những hành động cụ thể để có thể chinh chiến nghiêm túc và lâu dài tại thị trường ôtô Việt Nam. Ảnh: BYD.

Về phía khách hàng, những chiếc xe Trung Quốc có thể đã tốt hơn so với thời trước, nhưng sự dè dặt của các thương hiệu Trung Quốc từ trước tới nay luôn khiến người dùng có cảm giác không an tâm. BYD đang muốn làm thương hiệu rất mạnh để chứng tỏ sự tâm huyết và gắn bó của mình với thị trường ôtô Việt, hy vọng đây sẽ là cuộc chơi nghiêm túc và lâu dài, được chứng minh bằng hành động từ hãng xe Trung Quốc chứ không chỉ là những khẩu hiệu.

Khách hàng Việt đang rất cần một thương hiệu xe điện lớn vào Việt Nam để họ có thêm sự lựa chọn khi mua xe. Thêm sự cạnh tranh cũng sẽ giúp thị trường trở nên cân bằng hơn, các mẫu xe được nâng cao chất lượng và giá cả cũng hấp dẫn hơn. BYD Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal ra mắt trong tháng 6 cùng với 3 mẫu xe khác góp mặt vào tháng 10 sẽ giúp thị trường xe điện thêm phần thú vị.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.