Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Điều Lý Hải làm được

Giải trí 30/04/2024 - 19:22

Bộ phim của Lý Hải không mới về câu chuyện, chưa hoàn hảo về kỹ thuật. Song, cái hay mà tác phẩm mang lại là việc sưởi ấm tâm hồn người xem bằng sự tử tế.

Điều Lý Hải làm được - ảnh 1

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Với thời lượng kéo dài hơn 2 tiếng, Lật mặt 7 là câu chuyện tâm lý/gia đình xoay quanh nhân vật chính là bà Hai (Thanh Hiền thủ vai). Người mẹ đơn thân một mình nuôi 5 người con khôn lớn. Khi trưởng thành, họ lần lượt xa quê lập nghiệp, mỗi người một phương, chỉ còn lại Ba Lành chung sống với mẹ già.

Ngày nọ, tai nạn xảy ra khiến bà Hai gãy chân. Con gái của Ba Lành cùng lúc bị ốm nhập viện, khiến cô không thể một thân vừa chăm con, vừa lo chu toàn cho mẹ. Tranh cãi giữa 5 anh chị em nổ ra. Sau cùng, họ thống nhất từng người thay phiên đón mẹ về nhà sống chung trong một tuần.

Vẫn là Lý Hải, nhưng đã khác biệt

Lật mặt 7: Một điều ước trên hết vẫn là một tác phẩm in đậm dấu ấn cá nhân của Lý Hải. Phim thuần tính giải trí, hướng đến gu thưởng thức của đại chúng, lại đầy tính chân phương. Chỉ có điều lần này không hài hành động, không mảng miếng kinh dị xen lẫn, chỉ có yếu tố tâm lý là chất liệu chủ đạo trong câu chuyện gia đình và tình mẫu tử thiêng liêng.

Câu chuyện Lật mặt 7 không mới, thậm chí có thể coi là một bộ phim “cũ”, từ motif tới nội dung. Khoảng cách thế hệ hay chuyện con cái không nuôi nổi cha mẹ dễ bắt gặp ở bất cứ đâu, từng được soi chiếu không ít lần dưới ống kính của nhiều đạo diễn trong nước lẫn quốc tế. Ở Hollywood có Make Way for Tomorrow, The Savages hay It's Not a Burden, ngay tại châu Á cũng có Guang và nổi bật là Tokyo Story.

Điều Lý Hải làm được - ảnh 2

Lý Hải khẳng định trong tương lai vẫn tiếp tục theo đuổi dòng phim thương mại, giải trí.

Phim khởi đầu vội vã nhưng có phần đơn giản. Câu chuyện chỉ trở nên phức tạp và ấn tượng hơn khi nhân vật chính đặt chân đến nhà của từng người con. Lúc này, nhiều vấn đề trong cuộc sống mới dần hiện hữu, qua đó cho thấy góc nhìn cá nhân của đạo diễn trước cách thắt nút mỗi sự kiện.

Kịch bản phim vẫn có nhiều xung đột, song lại không được kể theo cấu trúc 3 hồi đặc trưng của điện ảnh, mà tựa như bản tổng hợp của nhiều truyện ngắn. Cấu trúc Lật mặt 7 mang hơi hướm Multi-Plot (câu chuyện chính được kể thông qua việc theo dõi những sự kiện xảy ra đồng thời hoặc tuần tự với các nhân vật phụ hoặc nhóm nhân vật khác nhau).

Trong phim, mỗi gia đình của từng người con là một câu chuyện độc lập, kết nối lại bằng “hành trình xuyên Việt” của mẹ già bị gãy chân nên gặp khó khăn trong việc di chuyển. Chính cái cớ này tạo ra sợi dây liên kết toàn bộ sự kiện. Để rồi qua từng ấy câu chuyện nhỏ, thông điệp lớn về tình mẫu tử, về sự tử tế giữa người với người dần dần hiện rõ.

Bà Hai là nhân vật chính, cũng là công cụ thúc đẩy mạch truyện. Ở khía cạnh nào đó, có thể coi đây là “plot-device” mà biên kịch tạo ra. Một điều dễ thấy là việc Lý Hải xây dựng nhân vật này hoàn toàn khác biệt, thậm chí không ngại ngần thần thánh hóa nhân vật so với tất thảy vai diễn còn lại đến mức phi lý.

Dù tuổi cao sức yếu, gần như lạc lõng vì khoảng cách thế hệ, bà Hai vẫn có thể “nhìn thấu” mọi điều, đi tới đâu cũng giúp các con vượt qua sóng gió, giải quyết mọi rắc rối, khó khăn tựa như “siêu nhân” giữa đời thực.

Ghi điểm nhờ thông điệp dù phim còn sạn

Trong bộ phim của Lý Hải, không ít lần bà Hai trở nên “kịch” vì được xây dựng một cách quá tay. Sự cao thượng của nhân vật vô tình nổi bật giữa những tình tiết đời thường, giữa đàn con sống thực tế, mà dù giàu sang hay nghèo nàn vẫn phải chật vật vì lo toan cho tổ ấm riêng.

Điều Lý Hải làm được - ảnh 3

Lật mặt 7 chứng kiến cú chuyển mình của Lý Hải khi khai thác câu chuyện thuần tâm lý, gia đình.

Lật mặt 7 dễ làm người ta liên tưởng tới Tokyo Story, một tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn Nhật Bản Ozu Yasujirō. Cả hai bộ phim đều sở hữu nhiều điểm tương đồng trong cốt truyện.

Nhưng khi theo dõi Tokyo Story, người ta thường thấy ống kính đạo diễn đặt tầm mắt khán giả ở khá thấp, gần như bất biến. Khoảng cách giữa người xem và thế giới trong phim dường như bị xóa nhòa, khiến người ta chìm đắm trong câu chuyện chậm rãi, ít cao trào hay biến cố, đặt mình vào trải nghiệm của nhân vật.

Đạo diễn qua đó chỉ điểm những khúc mắc hiện hữu giữa hai thế hệ, về tình cảm gia đình. Mâu thuẫn nảy sinh trong chính nội tâm của thế hệ con cái, khi mắc kẹt giữa việc vun vén hạnh phúc riêng và trách nhiệm hiếu thảo với đấng sinh thành.

Còn ở bộ phim của Lý Hải, ống kính đạo diễn chuyển động linh hoạt hơn, lại thường đặt ở điểm nhìn từ trung đến cao. Đó là phương thức giúp nhà làm phim soi chiếu một cách tổng quan nhất từng câu chuyện. Còn người xem được đặt ở một vị thế “đứng ngoài”, tiện quan sát hay phán xét.

Khác với Ozu Yasujirō làm phim theo phong cách Slice Of Life dịu nhẹ, êm đềm, để cho thông điệp thẩm thấu sau từng khung hình đầy sự tính toán, Lý Hải lại chọn cách thúc đẩy tiết tấu phim bằng những tình tiết kịch tính. Từng người con, ai cũng có những câu chuyện “lên gân”, có cao trào và cú “lật mặt” theo đúng cách làm phim đó giờ của nam đạo diễn.

Xét trên bình diện kỹ thuật, Lật mặt 7 kể chuyện theo hướng của nhiều drama cùng chủ đề, cố gắng đưa đẩy cảm xúc người xem bằng những sự kiện cao trào, kịch tính, khi các nhân vật dù cố tình hay vô ý đã làm tổn thương nhau.

Dẫu vậy, trên khía cạnh nào đó, sự đánh đổi này lại giúp Lật mặt 7: Một điều ước dễ chạm đến khán giả. Đơn giản vì cảm xúc hay thông điệp được “bón tận miệng”, không ẩn giấu sau nhiều lớp lang kỹ thuật quá hàn lâm, quá phức tạp. Thưởng thức bộ phim, điều mà người xem dễ dàng nhận ra là việc tâm hồn được sưởi ấm bởi những điều đẹp đẽ và tử tế.

Điều Lý Hải làm được - ảnh 4

Bộ phim tâm lý thu về 100 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày ra mắt.

Kịch bản còn “sạn” hay những màn sắp đặt có phần lộ liễu khiến đứa con tinh thần của Lý Hải đôi lúc còn chưa thuyết phục hoàn toàn. Thật may là đạo diễn vẫn biết cách tiết chế, không đẩy drama đi quá xa, tránh rơi vào cái bẫy biến phim trở thành “công cụ lấy nước mắt khán giả”. Thực tế, người xem hoàn toàn có thể mủi lòng trước những diễn biến hay tương tác tự nhiên của dàn nhân vật. Vậy nên, điều mà Lý Hải nên cải thiện là việc để cho giọt nước mắt rơi vào đúng điểm đắt giá.

Dẫu vậy, qua diễn xuất bình dị, chân phương của dàn diễn viên, người ta vẫn cảm nhận được đời sống nội tâm của nhân vật. Một sự văn minh khác trong cách làm phim của Lý Hải là việc hướng đến “vùng xám”, tức không trực tiếp phân định tốt, xấu với từng vai diễn. Nói phim phê phán hay chê trách những người con là không đúng. Vì cách biên kịch đặt vấn đề hay gỡ từng nút thắt cho thấy cái nhìn bao dung về cuộc sống và hoàn cảnh của từng người. Từ con cháu, dâu rể, ai trong số họ cũng có những nỗi niềm riêng.

Trên nền câu chuyện ấy, phim vươn đến những bài học đáng suy ngẫm về sự tử tế, mối liên kết giữa các thế hệ và cả giá trị cuộc đời. Yếu tố sâu sắc nhất trong Lật mặt 7 chính là việc để cho bà Hai tự “giải thoát” mình cùng các con khỏi những áp lực và gánh nặng tâm lý. Dù là người thuộc thế hệ cũ, nhưng quyết định của nhân vật lại đầy tính thời đại khi góp phần tái định nghĩa lòng hiếu thảo giữa bối cảnh thực tế.

Đó, có lẽ là thông điệp đẹp đẽ nhất mà Lý Hải cùng Lật mặt 7 mang lại.

Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.

Tiếp nối series Lật Mặt, Lý Hải vừa giới thiệu phần 7 "Một điều ước" sẽ khởi chiếu nhân dịp lễ 30/4. Bộ phim là câu chuyện cảm động về đại gia đình bà Hai 73 tuổi - người mẹ đơn thân tự mình nuôi 5 người con khôn lớn. Khi trưởng thành, mỗi người đều có cuộc sống và gia đình riêng. Bất chợt, biến cố ập đến, những góc khuất dần được hé lộ, những nỗi niềm, lo lắng, trĩu nặng ẩn sâu trong trái tim người mẹ. Trách nhiệm thuộc về ai?

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về "Lật mặt 7: Một điều ước" tại đây.