Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Du học sinh Việt ở Hàn Quốc mất ăn mất ngủ vì bị đồng hương lừa tiền

Giáo dục 29/03/2024 - 07:42

Tin tưởng cho người quen vay tiền với lý do chứng minh tài chính, nhiều du học sinh suy sụp khi biết mình bị chính đồng hương lừa.

Du học sinh Việt ở Hàn Quốc mất ăn mất ngủ vì bị đồng hương lừa tiền - ảnh 1

T.M. suy sụp vì bị người quen lừa 5 triệu won. Ảnh minh họa: Shutterstock.

“6 năm sống ở Hàn chưa bao giờ mình nghĩ sẽ bị lừa tiền như thế này. Bố mẹ và bạn bè mình cũng an ủi là coi như của đi thay người nhưng mình vẫn buồn lắm vì đó là số tiền mình vất vả đi làm 2-3 tháng trời mới có được”.

Một ngày cuối tháng 3, T.M. (du học sinh sống ở Seoul, Hàn Quốc) vừa khóc vừa kể với Tri thức - Znews chuyện bị một du học sinh người Việt khác lừa tiền.

Xác định số tiền này sẽ rất khó đòi lại, M. chỉ mong vụ việc được chia sẻ rộng rãi để các du học sinh khác không trở thành nạn nhân giống mình.

Bị lừa cả trăm triệu đồng

T.M. cho biết cô bị một du học sinh tên là N.T.H. (sinh năm 2000, học tại Đại học Soongsil, Seoul) lừa tổng cộng 5 triệu won (hơn 90 triệu đồng).

M. với H. vốn là người quen, từng hỗ trợ lẫn nhau đổi tiền won. Những lần trước, khi nhờ M. đổi tiền, H. đều trả tiền đúng hạn. Đó là lý do M. tin tưởng H. là người uy tín nên mới cho vay tiền.

Lần này, H. hỏi vay M. 5 triệu won với lý do sắp hết hạn visa nên cần một khoản tiền gấp để chứng minh tài chính.

Đều là du học sinh và hiểu rõ tầm quan trọng của việc gia hạn visa, M. cho H. vay tiền. Nhưng nhiều ngày sau đó, phát hiện H. biến mất cùng số tiền 5 triệu won, M. mới nhận ra mình bị lừa.

“Lúc bị lừa, mình đang trên đường đến nơi làm thêm, không dám khóc trên xe buýt. Vừa đến chỗ làm, mình bật khóc luôn. Một bác khách người Hàn biết chuyện nên an ủi mình rất nhiều, đồng thời dặn mình cẩn thận vì gần đây tội phạm công nghệ cao rất lộng hành”, nữ sinh tâm sự.

Du học sinh Việt ở Hàn Quốc mất ăn mất ngủ vì bị đồng hương lừa tiền - ảnh 2

Biên lai giao dịch, tin nhắn giữa V.T. và N.T.H. kèm theo đơn tố cáo lên công an của V.T. Ảnh: NVCC.

Cũng là nạn nhân của N.T.H. là V.T. - du học sinh ở Suwon. Hôm 6/3, H. nhờ T. chuyển hơn 6,7 triệu won (hơn 120 triệu đồng) với lý do đổi tiền. Do đã quen biết và từng hỗ trợ nhau nhiều lần trước đó, T. cũng khá chủ quan, chuyển tiền luôn mà không nghi ngờ gì.

Đến ngày 7/3, H. chỉ gửi trả T. 1 triệu won (hơn 18 triệu đồng) rồi sau đó biến mất, không trả số tiền còn lại. Lúc đó, T. biết mình bị lừa nên ngay lập tức ra công an báo cáo vụ việc để nhờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

5,7 triệu won không phải là số tiền quá lớn đối với T. vì cậu cũng làm thêm và dành dụm một khoản tiền kha khá. Dù vậy, nam sinh vẫn rất bức xúc vì không ngờ lại bị người quen lừa tiền dễ dàng như vậy.

Du học sinh Việt ở Hàn Quốc mất ăn mất ngủ vì bị đồng hương lừa tiền - ảnh 3

H.Q. từng đăng bài cảnh báo lừa đảo hôm 20/1 nhưng sau đó ẩn đi để cho N.T.H. cơ hội trả tiền. Ảnh: NVCC.

Một nạn nhân khác là H.Q. bị N.T.H. nhờ chuyển 13 triệu won (gần 240 triệu đồng) với lý do chứng minh tài chính để gia hạn visa.

Trao đổi với Tri thức - Znews, Q. cho biết ban đầu, cậu không cho vay, nhưng H. liên tục nhắn tin năn nỉ, trình bày hoàn cảnh. Nể tình đồng hương (quê Nghệ An), Q. cho H. vay tiền.

Q. cẩn thận hơn V.T. và T.M. là yêu cầu H. viết giấy nợ và chụp ảnh làm bằng chứng. Đáng ra, nam sinh sẽ giữ visa và căn cước công dân của H. để làm tin nhưng hôm đó là cuối tháng 1, Hàn Quốc tuyết rơi lớn, Q. sợ H. bế con đi ký giấy nợ sẽ ảnh hưởng sức khỏe của bé nên cho H. ở nhà ký giấy chụp ảnh lại.

Khoảng một tuần sau đó, Q. nhận ra mình bị lừa nên nhanh chóng đăng bài lên mạng xã hội để cảnh báo các du học sinh khác nhưng sau đó đã ẩn đi.

Báo công an

H.Q. cho biết cậu là một trong những nạn nhân đầu tiên của N.T.H. Khi đăng bài cảnh báo lên mạng xã hội, H. chủ động trả lại cho Q. 6 triệu won (hơn 110 triệu đồng) và cam kết sẽ trả số tiền còn lại vào ngày 5 hàng tháng.

Ban đầu, H. hứa là trả 2 triệu won, nhưng giờ lại xin giảm còn 500.000 won mỗi tháng để đi làm kiếm tiền trả dần.

Du học sinh Việt ở Hàn Quốc mất ăn mất ngủ vì bị đồng hương lừa tiền - ảnh 4

Lịch sử chuyển tiền của H.Q., tổng cộng nam sinh đã chuyển cho H. 13 triệu won nhưng mới được trả 6 triệu won. Ảnh: NVCC.

Bị chính đồng hương lừa tiền, Q. suy sụp, ảnh hưởng tinh thần nhưng không dám nói cho bố mẹ biết vì sợ mọi người lo. Hiện, Q. vẫn chưa báo công an mà đang thu thập đủ bằng chứng, đồng thời cho H. cơ hội để trả nợ.

Nếu qua tháng 4, H. vẫn không trả nợ đúng hạn, Q. sẽ nộp hồ sơ và toàn bộ bằng chứng lên công an, kiện H. ra tòa. Hiện, Q. đã có các bằng chứng gồm biên lai chuyển tiền, ảnh chụp màn hình tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, video nói chuyện với chị gái H. ở quê...

“Mình nhờ bạn bè ở quê tìm đến tận nhà H. ở Nam Đàn (Nghệ An) để gặp gia đình H. nhưng cũng không có kết quả gì vì H. đã chặn hết liên lạc với gia đình ở quê. Bố của H. đang ở Hàn cũng mất liên lạc từ lâu”, Q. thông tin.

Trong khi Q. đang thu thập bằng chứng, V.T. đã báo công an ở Hàn Quốc, phía công an đã vào cuộc điều tra và khóa tài khoản ngân hàng của H. Tuy nhiên, công an Hàn Quốc hiện cũng không thể liên lạc được với H.

Nam sinh cho biết thêm ngoài cậu, nhiều du học sinh khác cũng là nạn nhân của N.T.H. Cậu từng tham gia một nhóm chat với gần 30 người cũng bị H. lừa tiền, hầu như mỗi nạn nhân đều bị lừa vài triệu won trở lên, thậm chí, có người bị lừa hàng chục triệu won.

Xác định chuyện tiền nong sẽ khó đòi lại nhưng T. vẫn quyết tâm tố cáo và kiện H. ra tòa, buộc nữ sinh phải gánh chịu hậu quả cho những việc đã làm.

Về phía T.M., nữ sinh cũng biết nhiều nạn nhân khác đang lập nhóm để kiện N.T.H. nhưng cô không tham gia vì xác định quá trình điều tra, kiện tụng sẽ còn mất rất nhiều thời gian.

Do bị lừa mất số tiền để chuẩn bị gia hạn visa du học, M. đành phải nhờ bố mẹ hỗ trợ chi phí để đủ chứng minh tài chính phục vụ cho việc này. Nữ sinh dự định tăng ca nhiều hơn để bù vào số tiền bị mất.

“Chuyện lừa tiền lần này coi như bài học để mình tỉnh táo hơn, tránh tin người quá mức. Thông qua vụ việc này mình cũng mong các bạn du học sinh cảnh giác hơn, tránh để người khác lợi dụng lòng tin rồi sau này lại hối hận”, T.M. nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.